Giáo dục chia sẻ: 4 mô hình, 1 mục đích
Sơn Phạm
Mang lại trải nghiệm học tập tốt nhất với chi phí thấp nhất, đóng góp ý nghĩa lớn cho cộng đồng là điểm chung của 4 mô hình giáo dục chia sẻ.
Nói đến kinh tế chia sẻ, người nghe thường nghĩ ngay đến những ứng dụng kết nối các bên sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, lĩnh vực giáo dục lại chứng kiến sự chia sẻ dựa trên nhiều nền tảng gần gũi đến mức ngạc nhiên. Với mục tiêu chung là tối thiểu chi phí giao dịch, tối ưu hóa nguồn nhân lực có chuyên môn, 4 mô hình giáo dục dưới đây đã mở ra một hướng đi mới cho giáo dục trong thời đại chia sẻ đang len lỏi vào từng ngóc ngách của các lĩnh vực kinh tế khác nhau.
Từ tối thiểu chi phí...
Chỉ đơn giản là muốn làm giáo dục theo một cách khác, ứng dụng nền tảng chia sẻ vào giáo dục, anh Trần Việt Hưng đã cùng bạn bè thành lập 7Astar. “Xây dựng khái niệm giáo dục mới ở Việt Nam với chi phí thấp nhưng chất lượng cao, đánh giá hiệu quả qua kết quả học tập” là mục tiêu 7Astar hướng đến.
Để có được học phí thấp nhất, 7Astar chọn cắt bỏ tất cả chi phí thừa. Trung tâm hoàn toàn không có nhân viên tư vấn và kinh doanh. Nhà sáng lập, cùng đội ngũ giáo viên, những người hiểu rõ về chương trình nhất, đồng thời đảm nhiệm vai trò tư vấn cho phụ huynh học sinh. Đồng thời, Trung tâm rất dè sẻn phân bổ chi phí cho quảng cáo. “Trong 2 năm rưỡi từ lúc thành lập đến giờ, 7Astar chỉ tốn vài triệu cho quảng cáo trên Facebook”, anh Hưng chia sẻ.
Ứng dụng nền tảng công nghệ miễn phí như Google, Skype, Facebook... để thiết lập mối quan hệ tương tác giữa giáo viên và lớp học, cũng như để quản lý chất lượng lớp học là một cách tiết giảm chi phí của 7Astar. Các lớp học được quản lý bằng những nhóm trên Facebook, tài liệu được chia sẻ trên Google Drive, buổi học trực tuyến qua Skype đem lại trải nghiệm học tập tốt hơn, gần gũi hơn cho các học viên. Với cơ cấu có đến 85% giáo viên bán thời gian, các công cụ này hỗ trợ giáo viên sử dụng thời gian thừa hợp lý, có thể giải đáp thắc mắc của phụ huynh, học sinh tại bất cứ lúc nào, từ bất kỳ nơi đâu.
Để hoàn thành một chứng chỉ AP (chương trình xếp lớp nâng cao dành cho học sinh phổ thông có kế hoạch vào đại học), học viên tại 7Astar chỉ mất một nửa thời gian so với mức trung bình tại các trường quốc tế. Với học phí thuộc mức thấp so với các trung tâm tương tự, mỗi lớp học chỉ tối đa 10 người, đưa hiệu quả thu được trên tổng chi phí tại 7Astar lên mức cao nhất. Cơ chế thưởng theo thành tích, học bổng theo kết quả học tập là động lực thúc đẩy cả giáo viên lẫn học viên hoàn thành lớp học theo cách tốt nhất.
Một điểm mang tính chia sẻ khác của Trung tâm là phát triển đội ngũ gia sư trẻ từ những học viên cũ. Với yêu cầu khắt khe về năng lực của giáo viên, đạt điểm tối đa hoặc top 1% thế giới của chứng chỉ tương ứng với lớp dạy, 7Astar đã giữ được đội ngũ giáo viên nhờ mức lương cao.
Chọn thị trường ngách là dạy các chứng chỉ quốc tế bổ sung cho những học sinh du học đại học và cao học, 7Astar đặt ngay kế hoạch dài hơi 5 năm cho chặng đường đầu tiên. Để Trung tâm có thể phát triển bền vững, anh Hưng lựa chọn biên lợi nhuận thấp để mang lại trải nghiệm học tập chia sẻ chất lượng cao nhất cho học viên và thu nhập lớn nhất cho giáo viên tham gia chương trình.
Anh Trần Việt Hưng, đồng sáng lập 7Astar. |
Cùng tiêu chí tiết giảm tối đa chi phí thừa là FUNiX. Nhận thấy khuôn mẫu chung của hầu hết trường đại học đều có khuôn viên rất đẹp, tốn kém nhưng ít người học, FUNiX đã rẽ sang hướng ngược lại, khi tiết kiệm tất cả các chi phí không cần thiết về giảng đường, giáo viên, tài liệu học tập cho sinh viên.
“Đến với FUNiX, bạn sẽ không tốn phí gửi xe, phí tài liệu, chi phí đi lại... ” là lời giới thiệu của anh Nguyễn Thành Nam, người sáng lập Đại học FUNiX. Hơn 2 năm trước, buổi lễ khai giảng đặc biệt trực tuyến chỉ do người sáng lập trường và Chủ tịch công ty mẹ tổ chức, cho ngôi trường đặc biệt không có giảng đường, không giáo viên và không có tài liệu học tập in ra giấy.
FUNiX không đơn độc, mà được học hỏi từ mô hình trường Ecole 42 của Pháp. Trường Ecole 42 có 2 cơ sở, một tại Paris và một tại Thung lũng Silicon (Mỹ). Tại cơ sở Paris, tuy có 3.000 sinh viên nhưng chỉ có 10 nhân viên, trong đó có 5 nhân viên dọn vệ sinh và 5 nhân viên kế toán. Mô hình của Trường là không giảng đường, không giáo viên, không cả mentor (người hướng dẫn). Ở đây sinh viên tự học, tự chấm điểm, rồi tự ra đi làm.
Anh Nam định nghĩa FUNiX là một cách học chứ không phải là một loại trường đại học. Tại đây, dựa trên những khóa học trực tuyến (MOOCS - Massive Open Online Course), học viên sẽ tự học và tự đề ra thời gian học cho mình. Kể từ cuộc cách mạng internet, một chân trời tri thức đã được mở ra, tất cả đều có sẵn trên đó và mọi người đều có thể tự học. Xuất phát từ việc anh Nam đã có được một mentor tốt giúp đỡ trong quá trình làm ở FPT, FUNiX hướng đến kết nối người học với người có thể trả lời là mentor.
Mentor không phải là người dạy, mà chỉ là người đứng bên cạnh để sinh viên hỏi. Trường luôn có ít nhất 4 mentor trả lời cho 1 câu hỏi của sinh viên vào bất cứ lúc nào. Mentor có thể giải đáp được câu hỏi, mà ngay cả trả lời “không biết” cũng hữu ích. Bởi vì việc nói mình không biết sẽ giúp cho người hỏi có cơ hội tìm người khác, để không đi lạc.
Trường đặt trọng tâm vào việc tự học của học viên, nhất là việc đặt câu hỏi. Truyền thống của Việt Nam không dạy đặt câu hỏi nhiều, vì vậy làm hạn chế khả năng này của người học. Vậy mới có chỉ tiêu hoàn thành khóa học rất lạ tại đây: phải đặt ít nhất 12 câu hỏi. Bởi vì theo quan điểm của người sáng lập FUNiX, phải hỏi được thì mới tìm được câu trả lời.
FUNiX hiện sở hữu lượng mentor lên tới 2.300 người, gấp 7 lần so với mức bình quân hơn 300 giảng viên trên một trường đại học, đã trả lời 32.200 câu hỏi từ học viên ở 16 quốc gia trên thế giới, 62 tỉnh, thành trên toàn quốc. Hiện nay, FUNiX chỉ mới liên kết với Trường FPT dạy ngành công nghệ thông tin.
Nhưng sắp tới, Trường sẽ liên kết với nhiều trường đại học khác, mở rộng nhiều chuyên ngành đào tạo khác như kinh tế. Trường cũng định hướng mở rộng đối tượng học viên đến các học sinh trung học. Với ưu thế chi phí thấp, thời gian linh động và sự kết nối với người thật trong từng lĩnh vực cụ thể, FUNiX hứa hẹn sẽ đem lại sự đột phá trong cách học hiện nay cho sinh viên.
... Đến hoàn toàn miễn phí
Tám năm trước, khi chị Nguyễn Thị Minh Tâm, người sáng lập chương trình Career Coaching (Hướng dẫn nghề nghiệp), hoàn tất chương trình này và bắt đầu hành nghề chính thức, chị cảm thấy chương trình quá hữu ích cho tất cả mọi người, đặc biệt là ở Việt Nam khi vấn đề định hướng nghề nghiệp chưa thật sự đầy đủ.
Tuy nhiên, phí để trả cho dịch vụ này không hề rẻ và với nhiều bạn trẻ chưa có thu nhập ổn định hay hoàn cảnh khó khăn nên việc tiếp cận một chương trình hướng dẫn nghề nghiệp chuyên nghiệp, bài bản hầu như là không thể. Trăn trở lớn nhất của chị Tâm là làm sao có thể giúp thêm nhiều người khi họ gặp trở ngại trên con đường sự nghiệp, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Thế là chương trình cộng đồng Career Coaching đã ra đời.
Với mục đích giúp những người đi làm khám phá được công việc yêu thích của mình, chương trình đã giúp đỡ từ những bạn bắt đầu đứng trước ngưỡng cửa nghề nghiệp - sinh viên, cho đến những người đã đi làm lâu năm, đang bối rối trong quá trình chuyển giao nghề nghiệp của mình. Được gọi là chương trình Pay forward - Đáp đền tiếp nối, đội ngũ hướng dẫn (coach) được đào tạo về kiến thức, kỹ năng, đúc kết kinh nghiệm trong quá trình làm, mà không hề thu phí.
Sau khi hoàn tất chương trình, đội ngũ này sẵn sàng giúp đỡ những người gặp khó khăn trong công việc, cần được hướng dẫn để có thể tìm được công việc phù hợp hơn, có niềm vui và động lực làm việc hơn. Không khó để trở thành một người hướng dẫn, chỉ cần có đam mê về lĩnh vực này, mong muốn giúp đỡ người khác, hạnh phúc khi thấy người khác thăng tiến và nhất là có kinh nghiệm làm việc nhiều năm để có thể chia sẻ trải nghiệm công việc.
Với mô hình tình nguyện này, chương trình đã thu hút được các anh chị có kinh nghiệm làm việc, tâm huyết với cộng đồng và sẵn sàng đóng góp. Người tham gia chương trình cảm thấy hạnh phúc hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn và luôn được học hỏi từ trải nghiệm của chính mình. Còn các bạn có hoàn cảnh khó khăn cần dịch vụ hướng dẫn nghề nghiệp lại có cơ hội được trải nghiệm dịch vụ “từ trái tim” rất chuyên nghiệp.
“Hạnh phúc về những gì mình đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện” là cảm giác của chị Tâm khi tâm sự về chương trình. Ngay từ đầu, chị đã quan niệm “khi không thể giúp nhiều người thì hãy giúp một người”. Do đó, khi gầy dựng chương trình này, chị đặt chất lượng và sự chuyên nghiệp lên hàng đầu: chất lượng của chương trình không thu phí này tương đương với các chương trình thu phí khác. Chính vì thế, chị cũng không đặt ra mục tiêu về số lượng người hướng dẫn và trường hợp tư vấn thành công mỗi năm. Chị Tâm luôn cố gắng tối đa với chương trình, luôn theo dõi để giữ chất lượng đội ngũ này và đảm bảo những trường hợp nhận thực hiện phải có chất lượng.
Cho đến nay, đã có gần 200 người hướng dẫn qua chương trình đào tạo, trong đó còn hơn 30 người đang tiếp tục phục vụ cho chương trình và gần 500 người đã được chương trình giúp đỡ. Địa điểm ổn định là lo lắng lớn nhất trong kế hoạch tương lai của chị Tâm, sao cho việc huấn luyện và cung cấp dịch vụ có thể được thực hiện liên tục và thuận tiện.
Cô Trish Summerfield, cố vấn của Inner Space. |
Cũng mở những lớp học miễn phí với những giáo viên đứng lớp được phát triển từ đội ngũ học viên nòng cốt cũ, Inner Space mang đến sự thư giãn về tâm hồn, cung cấp kiến thức để hình thành các kỹ năng giúp những người bận rộn trong cuộc sống hiện đại có thể giải tỏa stress, kiểm soát cảm xúc và tình huống.
Hằng năm, có hàng ngàn người đến với các khóa học của Inner Space và chỉ một số ít muốn trở thành tình nguyện viên tại Trung tâm. Trong số ít tình nguyện viên đó, thông thường chỉ một vài người tiếp tục làm tình nguyện thường xuyên và theo học sâu hơn các khóa dài hạn tại Trung tâm. Sau 2 năm hoạt động tình nguyện làm vệ sinh Trung tâm hoặc giúp đỡ trong vườn, chỉ từ 1 đến 2 tình nguyện viên có thể được mời dự một số buổi thực tập giảng dạy cùng với các nhóm nhỏ.
“Để thật sự trở thành giảng viên cho các khóa học tại Inner Space là cả một quá trình dài, thường từ 3 năm trở lên kể từ thời điểm những người lần đầu tiên đến học tại đây. Đối với những người được mời làm giáo viên, họ được đào tạo và đánh giá sau mỗi khóa học mà họ dạy”, cô Trish Summerfield, cố vấn của Inner Space, chia sẻ.
Trong 20 năm hoạt động, Inner Space đã đào tạo gần 30 giáo viên để giảng dạy các khóa học tại Trung tâm. Thông thường giáo viên được đào tạo về kỹ năng điều phối bởi các giáo sư người nước ngoài, tham gia các khóa học thường xuyên để cập nhật kỹ năng và cam kết chỉ giảng dạy trên cơ sở tình nguyện và theo hướng dẫn dành cho giáo viên của Inner Space.
“Chúng tôi muốn tạo ra các khóa học cho tất cả mọi người, những người có tài sản và những người không có tài sản”, cô Trish lý giải cho việc Trung tâm chọn dạy không thu phí. “Chúng tôi cũng cảm thấy rằng nếu mọi người nhìn thấy Trung tâm đang đem lại lợi ích cho cộng đồng và muốn đóng góp một cái gì đó để ủng hộ từ trái tim của họ, thì năng lượng đằng sau sự đóng góp này sẽ rất cao, vì đây là tự nguyện chứ không phải điều họ phải trao đi.”
Tình cờ, 4 mô hình giáo dục trên phục vụ bao quát gần như toàn bộ cuộc đời học tập của một người, từ cấp 2, cấp 3 với 7Astar, giáo dục đại học với FUNiX, đến lúc đi làm với Career Coaching và cuối cùng là học tập trọn đời với Inner Space. Mang lại trải nghiệm học tập tốt nhất với mức chi phí thấp nhất, cam kết lâu dài, đóng góp ý nghĩa lớn cho cộng đồng là điểm chung của những chương trình có ích này.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Vũ Hoài