Hủy
Phong Cách Sống

Việt Nam hiện đang đứng trong top 10 các nước ô nhiễm không khí ở Châu Á

Trang Lê Thứ Tư | 02/10/2019 15:46

Hà Nội, TP.HCM tiếp tục lọt top 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới, với cảnh báo bụi mịn trong không khí gây hại cho sức khỏe.
 

Hơn 95% dân số thế giới đang phải hít thở bầu không khí ô nhiễm

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới WHO, ô nhiễm không khí gây ra cái chết sớm cho khoảng 4,2 triệu người trên thế giới vào năm 2016. Trong đó, 91% tỉ lệ thuộc về các nước nghèo và đông dân ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. 

Ông Bob O'Keefe, Phó Chủ tịch WHO chia sẻ: "Ô nhiễm không khí thực sự là một cú sốc lớn cho toàn cầu. Vấn nạn này khiến những người mắc bệnh hô hấp thêm khó thở, trẻ con và người già phải vào viện, bỏ học, bỏ việc và gây ra những cái chết sớm cho con người".

Health Effects Institute (HEI) vừa đưa ra phát hiện mới nhất trong báo cáo thường niên, dựa trên dữ liệu vệ tinh và được quy chiếu với các tiêu chuẩn trong Hướng dẫn đánh giá chất lượng không khí của WHO. 

HEI cho biết, hơn 95% dân số thế giới đang phải hít thở bầu không khí ô nhiễm và có đến 60% người sống ở những khu vực không đáp ứng được tiêu chuẩn cơ bản nhất của WHO. Theo đó, ô nhiễm môi trường không khí là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư thế giới, chỉ đứng sau cao huyết áp, suy dinh dưỡng và hút thuốc lá.

Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đứng đầu danh sách ô nhiễm môi trường, chiếm 50% số ca tử vong do ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Riêng tại Trung Quốc đã ghi nhận 1,1 triệu người chết vì ô nhiễm không khí trong năm 2016.

Mặc cho nhận thức về môi trường sống và ô nhiễm không khí ngày càng được cải thiện tại các đô thị lớn, tình hình vẫn ngày càng trầm trọng hơn khi 2/3 thế giới đang phải hứng chịu nạn ô nhiễm khủng khiếp với chỉ số hạt bụi PM2.5 cao trên mức 35 µg/m3 khí, chủ yếu tại Châu Á, Trung Đông và Châu Phi. Nguyên nhân là do dân số những khu vực này tăng quá nhanh, khiến các nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí chỉ như "muối bỏ bể".

Theo báo cáo thường niên The Environmental Performance Index (EPI) của Mỹ thực hiện, Việt Nam hiện đang đứng trong top 10 các nước ô nhiễm không khí ở Châu Á. Đáng lưu ý, tổng lượng bụi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang liên tục tăng cao khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động.

Hà Nội tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới. (Ảnh chụp màn hình)
Hà Nội tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới. Nguồn ảnh: VOV

Thực trạng ô nhiễm không khí ở TP.HCM và Hà Nội

Sáng 30/9, Hà Nội tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới trên tổng số 10.000 thành phố được quan trắc của ứng dụng AirVisual (Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới). TP.HCM đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng chất lượng không khí này.

Gần một tuần qua, không khí ở Hà Nội và TP.HCM có lúc được đánh giá là ô nhiễm nhất và thứ ba thế giới. Tình trạng ô nhiễm không khí còn kéo dài đến tận thời điểm này. Việc ô nhiễm này ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân là điều không phải bàn cãi. 

Trao đổi với truyền thông, theo ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường, tại Hà Nội, trong thời gian từ 12-29/9, chất lượng không khí, đặc biệt là đối với nồng độ bụi PM2,5 có nhiều thời điểm vượt ngưỡng cho phép so sánh với quy chuẩn số 05 năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên một số thông số khác như NO2, SO2, CO,O3 vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

 Hà Nội còn nhiều điểm báo động về ô nhiễm không khí.Nguồn ảnh: baogiaothong
Hà Nội còn nhiều điểm báo động về ô nhiễm không khí.Nguồn ảnh: baogiaothong

Ông Nam cũng cho biết cụ thể theo số liệu từ 13 trạm quan sát tự động liên tục trong thời gian từ 12-29/9, nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng gia tăng từ 12-17/9, sau đó giảm đi từ 18-22/9, và lại tăng cao trở lại. Đặc biệt từ 23/9 trở lại đây chỉ số này duy trì ở mức cao. Trong giai đoạn từ 15-17/9 và 23 -29/9, có đến trên 75% giá trị đo được PM2.5 trung bình 24 giờ của các trạm trên địa bàn thành phố Hà Nội đều vượt quy chuẩn Việt Nam QCVN 05 2013. Mức độ ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn PM2.5 đã xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo các kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên Môi trường TP. HCM, chỉ số PM 2,5 có giao động tăng nhưng hầu hết kết quả vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05 2013, tức là dưới 50microgram/m3.

Các chuyên gia đã cảnh báo nguy hại của tình trạng ô nhiễm không khí và bụi mịn đang bao phủ Hà Nội và TP HCM, đồng thời đưa ra khuyến cáo để người dân tự bảo vệ sức khỏe của mình.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo những người đã mắc bệnh về hô hấp nên hạn chế ra ngoài trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Nếu đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh khói từ các phương tiện giao thông hoặc bụi từ các công trình xây dựng. Lưu ý, phải chọn lựa khẩu trang có thể lọc được bụi mịn, vì khẩu trang y tế thông thường thì không thể cản được hạt bụi siêu mịn

Biến đổi khí hậu đã vẽ bức tranh ảm đạm cho các thành phố ven biển Đông Nam

Thủ tướng Thái Lan cân nhắc di dời thủ đô ra khỏi Bangkok

Nguồn Tổng hợp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới