Hủy
Phong Cách Sống

Khi các "ông lớn" làng xe thế giới lãnh án phạt tỷ đô

Thứ Bảy | 12/04/2014 05:49

Ngoài việc từng bị truy tố hình sự với tội danh lừa đảo vì đã che giấu thông tin và lừa dối công chúng, Toyota phải đối mặt với các vụ kiện về thương tích và tử vong gây ra bởi các lỗi an toàn của xe.
 

Những thông tin về triệu hồi xe trên thế giới không phải là chuyện hiếm. Có những nơi hãng xe chỉ triệu hồi, sửa chữa hoặc thay thế một vài chi tiết nào đó trong xe cho khách hàng là xong, nhưng những nơi khác, như ở Mỹ, thì ngoài chuyện thu hồi, đền bù thiệt hại, hãng xe còn phải bị án phạt có khi lên đến tiền tỷ USD. Toyota và GM đã và đang là những cái tên bị "chiếu bí" như thế.

Toyota: Đâu chỉ mất gần 3 tỷ USD

Vừa qua, Toyota - một trong những hãng xe lớn nhất thế giới đã bị án phạt lên đến 1,2 tỷ USD trong một thỏa thuận nhằm chấm dứt các vụ kiện kéo dài trong bốn năm tại Mỹ.

Tổng chưởng lý Mỹ Eric Holder cho biết, ngoài việc chi trả số tiền phạt 1,2 tỷ USD - mức án phạt kỷ lục đối với các hãng sản xuất xe, Toyota còn phải công khai thừa nhận mình sai; và từ đây, những thông báo nguy cơ xe mất an toàn và cách xử lý của Toyota đều phải qua sự xét duyệt của một cơ quan giám sát độc lập.

Được biết, Toyota bị truy tố hình sự với tội danh lừa đảo vì đã che giấu thông tin và lừa dối công chúng. Vào năm 2009 và 2010, hãng xe đã phải triệu hồi hơn 10 triệu chiếc xe trên khắp thế giới, với hơn 80% trong số đó tại Mỹ, vì các lỗi chân ga bị vướng và thảm trải sàn xê dịch đè lên bộ tăng tốc khiến xe đang chạy bỗng tăng tốc đột ngột.

Tuy nhiên, thay vì kịp thời tiết lộ và sửa chữa các vấn đề an toàn, Toyota đã đệ lên một báo cáo với thông tin sai lệch trước Quốc hội Mỹ, cũng như thông báo với toàn thể dân chúng Mỹ - vào lúc đó đang rất hoang mang về độ an toàn của chiếc xe mình, qua các báo đài và trên website chính thức của Hãng, rằng tất cả đều đã được kiểm soát, mọi vấn đề đều đã được giải quyết tận gốc với hàng triệu mẫu xe Toyota khách hàng đang sử dụng.


Không những vậy, hãng còn che giấu cơ quan quản lý về mức độ nghiêm trọng của vấn đề mà một số khách hàng gặp phải. Tổng chưởng lý Holder nhận định: "Toyota đã giải quyết một tình trạng an toàn công cộng khẩn cấp như thể đó chỉ là một vấn đề về quan hệ công chúng đơn giản", và "Bằng việc lừa dối công chúng, Toyota đã đặt danh tiếng của hãng lên trên lợi ích của người tiêu dùng".

Ngoài việc bị truy tố hình sự, Toyota còn phải đối mặt với các vụ kiện về thương tích và tử vong gây ra bởi các lỗi an toàn của xe. Trong tổng số hơn 300 vụ kiện, hiện Toyota đã thỏa thuận được với 131 vụ, số tiền bồi thường cho các nạn nhân lên đến 1,6 tỷ USD, khiến cho tổng thiệt hại mà hãng phải gánh trong vụ này lên đến 3 tỷ USD. Vụ bê bối cũng khiến cổ phiếu của Toyota trên thị trường sụt giảm nghiêm trọng.

Theo chưởng lý Preet Bharara, Văn phòng Công tố Manhattan đã ra lệnh truy tố hình sự đối với hãng xe Toyota, vụ án Toyota nên là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các hãng sản xuất xe khác nhằm không lặp lại những sai lầm này.

GM đang nằm trong tầm ngắm

Một cuộc triệu hồi xe có thể gây hại đối với danh tiếng của hãng, tuy nhiên, lừa dối người tiêu dùng sẽ gây ra những thiệt hại lâu dài hơn. Lời cảnh báo ấy có vẻ như được đặc biệt gửi tới một tên tuổi cũng thuộc hàng "bự" trong lĩnh vực xe hơi trên thế giới: General Motors (GM).

GM hiện đang phải trải qua tình trạng tương tự như Toyota khi mà những vấn đề trong bộ chuyển đổi khởi động - được cho là nguyên nhân gây ra 31 vụ tai nạn và làm 12 người tử vong tại Mỹ kể từ năm 2004, đã khiến hãng này mới đây phải thu hồi khoảng 1,6 triệu mẫu xe Chevrolet Cobalt và các mẫu xe nhỏ khác.


Vào ngày 17/3, GM cho biết Hãng đang thu hồi 1,55 triệu các mẫu xe tải nhỏ, xe sedan và xe thể thao đa dụng, với lý do lo ngại về hệ thống phanh, dây an toàn và túi khí. Vụ việc đã gây chú ý đối với các cơ quan quản lý Mỹ, cũng như với cả Văn phòng tại New York của Cục Điều tra Liên bang (FBI).

Hiện tại GM đã thuê cựu chưởng lý Mỹ Tony Valukas thực hiện một cuộc điều tra nội bộ trong khắp Công ty; và dựa trên kết quả điều tra, giải pháp sẽ được đưa ra.

Về phía Bộ Tư pháp, tổng chưởng lý Holder cho biết ông sẽ không thừa nhận hay phủ nhận sự tồn tại của bất cứ một cuộc điều tra nào, điều duy nhất ông có thể khẳng định chính là Bộ Tư pháp xem những vấn đề mất an toàn công cộng là rất nghiêm trọng, và những nỗ lực đáng kể đã được thực hiện nhằm đem đến kết quả trong vụ Toyota sẽ được lặp lại nếu cần thiết.

Trong thông cáo chính thức, Giám đốc Pháp lý cho Toyota Motors khu vực Bắc Mỹ - Christopher B. Reynolds, cho biết Công ty chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hành động của mình.

Trong hơn bốn năm kể từ các vụ triệu hồi, Toyota đã quay trở lại với những điều cơ bản như đặt khách hàng lên hàng đầu, cũng như tiến hành những thay đổi trong hoạt động của Hãng trên toàn cầu nhằm trở thành một công ty phản ứng tốt hơn trong việc lắng nghe nhu cầu của khách hàng và chủ động đáp ứng. Đây là một hành động được đánh giá là sáng suốt nhằm cứu vãn danh tiếng của "ông lớn" trong làng xe hơi thế giới.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới