Hủy
Startup

Fintech chờ Sandbox

Việt Dũng Thứ Năm | 19/09/2019 14:01

Ảnh: QH

Cộng đồng fintech đang chờ một không gian pháp lý thử nghiệm để chấm dứt tình cảnh “vừa làm, vừa ngó”.
 

N hiều khả năng ngay trong năm sau, những “kẻ phá bĩnh” các tổ chức tín dụng có thể nộp hồ sơ cho cuộc chạy đua lọt vào danh sách khung thử nghiệm fintech.

Tại Hội thảo “Nuôi dưỡng hệ sinh thái fintech Việt Nam hướng tới phát triển bền vững” mới đây, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết đề án khung pháp lý thử nghiệm cho hoạt động fintech đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước cùng với các bộ ngành liên quan xây dựng Nghị định mới về khung pháp lý thử nghiệm (regulator sandbox) cho hoạt động fintech.

Sau khi khung pháp lý ra đời, các fintech chưa có (hoặc mới chỉ một phần) có thể nộp đơn để được hoạt động thử nghiệm một cách chính thức. Chưa có thêm chi tiết cụ thể, nhưng theo ông Sơn, việc xét duyệt còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau, tùy thuộc vào mô hình kinh doanh của fintech và phụ thuộc vào nhiều đơn vị quản lý liên quan, như Bộ Tài chính, chứ không chỉ có Ngân hàng Nhà nước. Sau khi được xét duyệt, thời gian thử nghiệm tối đa đối với các fintech là 2 năm, trong khi thông thường ở các nước khác là khoảng 6 tháng. Trên thực tế, fintech một lĩnh vực rất rộng, không chỉ các công ty làm trung gian thanh toán, cho vay ngang hàng mà còn nhiều công nghệ khác như blockchain, hay các giải pháp liên quan đến trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (big data)...

Theo thống kê của Vụ Thanh toán, năm 2016 mới chỉ có khoảng 40 công ty fintech, thì đến cuối tháng 6.2019, số lượng đã lên đến hơn 150 công ty. Xét riêng về lĩnh vực trung gian thanh toán, Ngân hàng nhà nước đã cấp phép hoạt động cho hơn 30 đơn vị. Hiện nay, các công ty fintech hoạt động theo Luật Đầu tư, nhưng là một loại hình kinh doanh có điều kiện nên cần phải có thêm giấy phép từ cơ quan quản lý tiền tệ ở mỗi quốc gia.

Vì vậy, yếu tố pháp lý đang được bàn thảo nhiều nhất trong xu hướng phát triển fintech tại Việt Nam. Hầu như nhà đầu tư nào cũng chia sẻ rằng fintech hiện nay “vừa làm vừa ngó”. Theo Vụ Thanh toán, về phía các cơ quan quản lý cũng chưa có đơn vị chuyên trách hỗ trợ, xử lý các vấn đề liên quan, ngoại trừ hoạt động trung gian thanh toán. Thực tế quy định pháp lý hiện hành liên quan tới hoạt động nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng chưa cho phép áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại.

Trên thị trường hiện nay, có thể thấy các trung gian thanh toán đang dần sắc nét và rõ ràng hơn, trong khi đó, những fintech khác đôi khi lại lách luật, gây hiệu ứng xấu trong xã hội, thấy rõ nhất là hoạt động tín dụng đen núp bóng ứng dụng vay tiền trực tuyến chưa kiểm soát. Chính vì thế, việc có những quy định hoạt động rõ ràng không chỉ giúp fintech cất cánh đúng đường băng, mà còn giúp khách hàng hạn chế rủi ro khi tham gia sử dụng các dịch vụ chưa được cấp phép.

Fintech đang dần được chấp nhận trên thị trường quốc tế. Tháng 10.2018, lần đầu tiên 2 định chế tài chính quốc tế là IMF và World Bank tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm xây dựng khung hoạt động fintech với các nước thành viên. Lý do được đưa ra là chính quyền các quốc gia rất muốn thúc đẩy lợi ích tiềm năng của fintech và để giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra.

Bài học của Singapore cho thấy các fintech phát triển mạnh mẽ một phần nhờ chính quyền trợ giúp startup từ sớm. MAS, cơ quan quản lý tiền tệ của Singapore, đều ghi dấu ấn trong các chương trình như thành lập nhóm fintech và đổi mới sáng tạo trực thuộc vào tháng 8.2015, có cơ chế thử nghiệm trong ngành tài chính vào tháng 6.2016, đưa chương trình hỗ trợ vốn khoảng 225 triệu USD, hay thành lập không gian làm việc chung, tổ chức các cuộc thi fintech.

Ông Arthur Leong, Phó Chủ tịch cao cấp và Trưởng Ban Chiến lược các dự án đặc biệt và đầu tư fintech của Ngân hàng UOB Singapore, nhận định rằng các nhân tố cơ bản để hình thành hệ sinh thái fintech vững mạnh ở Việt Nam là xây dựng định danh số (sử dụng cho hàng loạt dịch vụ tài chính), cơ sở hạ tầng, nguồn vốn hoạt động và phát triển tài năng công nghệ.

Tại Việt Nam, Ban Chỉ đạo Fintech, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước được thành lập từ tháng 3.2017. Từ đó đến nay, đã có nhiều hoạt động được nhiều nhà đầu tư đánh giá là cởi mở và năng động khi đi sâu sát hơn với các fintech, dù vậy con đường phía trước còn rất dài.  Một lộ trình chung được Vụ Thanh toán đưa ra, đó là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực thanh toán, xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm, tiếp theo là xây dựng khuôn khổ quản lý hoạt động cho vay ngang hàng, quy định thêm về giao diện lập trình ứng dụng mở và cuối cùng là sửa đổi quy định về xác thực khách hàng điện tử.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới