Hủy
Tài Chính

2 lực đẩy lạm phát

Phương Anh Thứ Hai | 29/11/2021 14:00

Giá gas tăng rất mạnh thời gian qua đẩy giá tiêu dùng tăng theo. Ảnh: Qúy Hòa.

Nhận diện 2 yếu tố quan trọng khiến lạm phát trong năm sau có thể tăng mạnh.
 

Nhập khẩu lạm phát từ giá hàng hóa thế giới tăng cao, độ trễ của chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa là 2 yếu tố quan trọng khiến lạm phát trong năm sau có thể tăng mạnh.

Dịch bệnh làm chậm đà tăng giá năm nay

Mới đây, giá bán lẻ xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng lần thứ 5 liên tiếp, tiến sát ngưỡng đỉnh lịch sử hồi tháng 7/2013. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tăng 550 đồng, lên mức 23.660 đồng/lít; giá xăng RON 95 tăng 660 đồng, lên mức 24.990 đồng/lít. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến cuối tháng 10/2021, giá xăng dầu trong nước đã có 18 đợt điều chỉnh, khiến giá xăng dầu tăng 43,92%.

Giá xăng dầu nội địa tăng nhanh trong bối cảnh giá năng lượng trên thế giới cũng tăng nhanh từ đầu năm đến nay, đồng thời cũng đẩy chỉ số CPI tăng cao. Tuy nhiên, giá năng lượng tăng cũng chưa đủ lực để đẩy CPI tổng thể lên theo, trong bối cảnh nhiều nhóm hàng giảm do tác động của đợt dịch COVID-19. Kết quả, CPI tháng 10 giảm 0,2% so với tháng trước và bình quân 10 tháng chỉ tăng 1,81%.

Trong tháng 10, yếu tố hỗ trợ lạm phát giảm từ lương thực, thực phẩm (giảm 1,3% so với tháng trước), trong khi nhóm giao thông tăng 2,5%. “Lạm phát cơ bản trong tháng 10 chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ, phản ánh cầu tiêu dùng nội địa suy yếu”, báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI đánh giá.

 

Trong báo cáo mới đây về kinh tế Việt Nam tháng 11, Ngân hàng HSBC cho rằng việc CPI giảm là một điều “đáng ngạc nhiên với thị trường”, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng trước đó. Theo HSBC, áp lực giá đã giảm xuống cũng đồng thời là một dấu hiệu cho thấy tình hình phục hồi kinh tế chậm chạp. “Mặc dù áp lực giá không còn, một vấn đề cần quan tâm theo dõi là giá nhiên liệu tăng”, báo cáo HSBC nhận định.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, giá cả trong nước tăng chậm hơn thế giới, một phần là do sức cầu nền kinh tế yếu, tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm, cung tiền tăng chậm lại, một số mặt hàng không tăng mạnh như giai đoạn trước dịch, thậm chí còn giảm giá nhẹ nhờ nguồn cung dồi dào.

Khảo sát gần nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy kỳ vọng về lạm phát của thị trường đang giảm so với trước. Cụ thể, các tổ chức tín dụng kỳ vọng chỉ số CPI năm 2021 tăng 2,81%, giảm so với kỳ điều tra trước đó 1 tháng là 3,03%, còn các chuyên gia kinh tế cũng giảm kỳ vọng từ mức 3,1% về mức 2,56%. Theo SSI, lạm phát bình quân năm 2021 dự báo khoảng 2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 3,5-4% của Chính phủ, nhưng lợi thế là tạo dư địa cho chính sách nới lỏng tiền tệ.

Rủi ro lạm phát năm sau

Mặc dù không còn nhiều mối lo trong năm nay, nhưng bức tranh lạm phát được dự báo sẽ hoàn toàn thay đổi trong năm sau. Trong phiên trao đổi trên nghị trường Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá rằng rủi ro lạm phát trong năm 2022 là rất lớn.

Lý do là lạm phát tại các quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, các nước châu Âu cũng tăng mạnh đáng kể trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh giá cả hàng hóa thế giới đang có xu hướng tăng khi nền kinh tế thế giới dần hồi phục. Theo thống kê của World Bank, tính đến hết tháng 10, nhiều nhóm hàng hóa tăng mạnh so với đầu năm như năng lượng tăng 56,1%, nông nghiệp tăng 6,46%, phân bón tăng rất mạnh 79,8%, kim loại cơ bản và khoáng chất tăng 14,6%.

Trong tháng 10, lạm phát tại Mỹ cũng gây bất ngờ khi tăng 6,2% so với cùng kỳ, vượt xa mức mục tiêu 2%, kỷ lục trong vòng 31 năm và vượt dự báo của giới quan sát. Tương tự, lạm phát cũng nổi lên ở nhiều khu vực khác trên thế giới. “Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn”, bà Hồng nhận xét. Cũng theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, xu hướng lạm phát tăng nhanh nên nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang phải dừng, hoặc rút dần chính sách nới lỏng tiền tệ.

 

Một trong những ví dụ điển hình là câu chuyện của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bắt đầu tăng dần lãi suất cơ bản trong năm sau. Về câu chuyện này, ông Frederic Neumann, đồng Giám đốc Khối Nghiên cứu kinh tế châu Á, Ngân hàng HSBC, cho rằng dù động thái này có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế, nhưng Việt Nam có thể sẽ ít bị ảnh hưởng từ lãi suất USD cao nhờ các yếu tố cơ bản mạnh mẽ và nền kinh tế với trọng tâm xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Neumann cũng nhận định giá năng lượng tăng có thể đẩy lạm phát tăng và làm chậm tốc độ phục hồi tăng trưởng của Việt Nam. Giá năng lượng có thể tăng trong những tháng mùa đông tới nhưng tình hình sẽ được cải thiện vào tháng 3 năm sau. “Sự thiếu hụt năng lượng có thể tạm thời khiến lạm phát tăng ở các nền kinh tế mà dầu đóng vai trò quan trọng như Việt Nam. Tuy vậy, tình hình sẽ ổn định hơn vào nửa cuối năm 2022”, ông Neumann bình luận.

Ngoài giá hàng hóa, một yếu tố không nhỏ sẽ tác động đến lạm phát là độ trễ của chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa, khả năng có thêm những gói hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận rằng chính sách vẫn phải căn cứ dựa trên 2 mục tiêu quan trọng là kiểm soát lạm phát, vĩ mô và đảm bảo an toàn, khả năng chi trả của hệ thống. “Việc xem xét các công cụ chính sách trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước phải căn cứ trên 2 mục tiêu này, đồng thời đảm bảo cân đối lớn của vĩ mô”, bà Hồng nói thêm.

Bà Hồng cũng nhắc lại bài học về việc thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất để kích cầu kinh tế trong giai đoạn năm 2008, nếu không cẩn trọng thì rủi ro lạm phát sẽ quay trở lại. Do đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết trong thời gian tới sẽ tích cực phối hợp với các bộ ngành để tính toán các gói hỗ trợ lãi suất với quy mô, phạm vi, liều lượng hợp lý.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới