Chuẩn quốc tế cho chứng khoán Việt Nam

Khi nhiều nước trên thế giới chính thức gỡ bỏ các quy định phòng dịch, thị trường chứng khoán toàn cầu bắt đầu hồi phục. Đồng thời, các ngân hàng trung ương ở các nước phát triển liên tục tung ra các gói kích thích tài chính với mục đích tạo đà tăng trưởng cho thị trường.
Những chính sách này dẫn đến tình trạng thặng dư vốn và mất cân bằng đáng kể trên thị trường. Khi thị trường xảy ra tình trạng thặng dư vốn, chúng ta phải hứng chịu những tác dụng phụ, đó là lạm phát cao và lãi suất cao. Tôi nghĩ tình trạng này sẽ kéo dài đến hết năm 2023.
Chuẩn quốc tế cho chứng khoán Việt?
![]() |
Nhìn vào thị trường Việt Nam, kể từ năm 2000, thị trường được hỗ trợ bởi một khung pháp lý chặt chẽ. Trong những chu kỳ kinh tế đã qua, khung pháp lý này đã được kiểm chứng bằng sự thăng trầm của thị trường. Mỗi khi thị trường lập đỉnh hay đáy mới, thị trường cũng đã chứng tỏ khả năng phục hồi mạnh mẽ. Được thành lập cách đây 22 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển khá tốt trong thời gian qua.
Với đà tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế, niềm tin của thị trường sẽ được củng cố, nhất là khi hệ thống giao dịch được cải tiến, cũng như cấu trúc thị trường và biện pháp bảo vệ nhà đầu tư đang được quan tâm hơn.
Tuy nhiên, đội ngũ quản lý cần phải có trình độ chuyên môn cao hơn và được trang bị kiến thức phù hợp để giúp thị trường tăng trưởng bền vững. Thị trường còn khá trẻ, nên có rất nhiều khía cạnh cần xem xét để tạo ra một thị trường vốn hiệu quả. Cơ cấu pháp lý cần phải chặt chẽ hơn để bảo vệ nhà đầu tư. Các cơ quan quản lý cần phải có hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn các hành vi thao túng thị trường và giao dịch nội gián.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng và việc ứng dụng công nghệ trong giao dịch cần phải được đầu tư mạnh hơn nữa. Các tổ chức phát hành phải thực thi trách nhiệm giải trình, tạo tính minh bạch trong việc công bố thông tin với nhà đầu tư.
Ngay cả những thị trường trưởng thành và được vận hành khá tốt như ở Mỹ, việc sửa đổi các quy định, nâng cao kiến thức quản lý, cải tiến về mặt công nghệ cũng rất cần thiết. Các thị trường lớn như Anh, Nhật và Mỹ đều có chuẩn mực trong giao dịch và những thông lệ tốt nhất, chẳng hạn như chính sách giám sát thị trường, báo cáo tài chính, đa dạng giới tính và chính sách minh bạch. Việc cải cách thị trường cũng cần xem xét cẩn thận đến yếu tố địa phương, tốc độ phát triển của các công ty và thị trường. Nếu doanh nghiệp và thị trường không thể đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt, thì việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trở nên phản tác dụng.
Cơ hội từ thị trường quốc tế
![]() |
Khi còn làm việc tại Thị trường Chứng khoán New York (NYSE), tôi đã làm việc với rất nhiều công ty châu Á và nhận thấy các công ty này mang về lợi ích rất lớn từ việc huy động vốn tại thị trường Mỹ. Những lợi ích đó là khả năng tiếp cận vốn toàn cầu và giao dịch thanh khoản tại thị trường Mỹ. Điều này cho phép các công ty thu hút đầu tư trực tiếp bằng USD, tạo động lực để mở rộng kinh doanh trong nước.
Một số lượng lớn các nhà đầu tư toàn cầu không có khả năng thành lập một bộ phận chuyên cho thị trường Việt Nam, vì thị trường này có quy mô nhỏ. Nhu cầu về vốn chất lượng để tài trợ cho sự phát triển trong tương lai là rất quan trọng đối với bất kỳ công ty mới nổi nào có tốc độ tăng trưởng cao.
Nếu thị trường trong nước còn hạn chế về vốn do quy mô đầu tư hoặc chi phí huy động vốn cao, các công ty nên khám phá nguồn vốn từ nước ngoài, ví dụ như thị trường Mỹ. Điều quan trọng là các công ty Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn và quy định của Mỹ, cũng như những yêu cầu từ các sàn giao dịch tại đây.
Hiện tại, có 2 cách đầu tư để tiếp cận thị trường này là Quỹ VinaCapital (mã LSE: VOF; 700 triệu USD) và Quỹ ETF VanEck (mã CBOE: VNM, tổng tài sản ròng 329 triệu USD). Ngoài các quỹ, chưa có công ty IPO nào từ Việt Nam hoàn thành thành công đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại thị trường Mỹ.
Một số công ty lớn ở Việt Nam có thể thu hút nhà đầu tư nước ngoài bằng cách niêm yết trên sàn giao dịch ngoại hối. VinFast, VNG, MoMo, FPT, Masan Group, Vietjet, An Phát và Thế Giới Di Động là một vài ví dụ. Những công ty này có thành tích kinh doanh tốt và có thể đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nhiều người nghĩ rằng việc niêm yết trên các sàn giao dịch quốc tế là không thực tế, tốn kém, đòi hỏi kiến thức chuyên môn, được quản lý chặt chẽ và khó thực hiện vì nó đi kèm với các nghĩa vụ về tiết lộ thông tin. Các doanh nghiệp thường phân tích chi phí và lợi ích của việc niêm yết ở nước ngoài khi có ý định này. Thị trường Mỹ hiện có hơn 1.400 tập đoàn quốc tế đến từ 48 quốc gia được niêm yết, với tổng giá trị thị trường là 15.000 tỉ USD.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
