Cổ phiếu VN30: Ưu thế Quy mô
Mốc 1.200 điểm trở thành kháng cự mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Ảnh: Quý Hòa
Mốc 1.200 điểm trở thành kháng cự mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Ngay cả khi dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường như hiện tại, nhà đầu tư vẫn thận trọng khi VN-Index tiệm cận mốc này. Tuy nhiên, với nhà đầu tư có kinh nghiệm, lựa chọn nhóm cổ phiếu vẫn quan trọng hơn nhìn vào chỉ số chung. Đơn cử, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam là VN30 (nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường) đã đồng loạt vượt đỉnh lịch sử, đưa VN30-Index qua vùng đỉnh cũ của tháng 4.2018. Sự dẫn dắt của cổ phiếu lớn thể hiện rất rõ khi nhóm VN30 tăng xấp xỉ 50 điểm, vượt hẳn mức 40 điểm của chỉ số chung VN-Index, ghi nhận phiên lịch sử khi VN30-Index (gần 1.080 điểm) tăng vượt qua VN-Index.
VN30 đã xác lập đỉnh mới trước VN-Index nhờ danh mục nhiều cổ phiếu có chất lượng cao hơn. Có thể thấy, trải qua năm COVID-19 đầy biến động, năm 2021 bắt đầu với những triển vọng lạc quan về sự hồi phục kinh tế, đi kèm là sự tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp, đặc biệt với nhóm doanh nghiệp trong VN30. Trong báo cáo mới phát hành, FiinGroup dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trong rổ chỉ số VN30 ở mức 20,4% trong năm 2021 nhờ sự hồi phục mạnh mẽ của các doanh nghiệp đầu ngành và duy trì tăng trưởng của nhóm ngân hàng. Với mức tăng trưởng dự kiến này, nhóm cổ phiếu VN30 sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhờ cải thiện về định giá.
Nhà máy thép Hoà Phát. Ảnh: TL. |
Đơn vị này cũng cho rằng việc phân tích triển vọng của nhóm cổ phiếu VN30, nhóm chiếm tới 70% giá trị vốn hóa toàn sàn HOSE, là rất quan trọng. Bởi lẽ, điều này giúp nhà đầu tư có được quan điểm đầu tư rõ ràng hơn và triển vọng chung của cả thị trường đến cuối năm 2021. Trong bối cảnh làn sóng nhà đầu tư mới ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam, Công ty Chứng khoán VNDirect cũng từng khuyến nghị nhà đầu tư tập trung vào danh sách nhóm cổ phiếu VN30 và HNX30.
VNDirect lý giải, về cơ bản để lọt vào rổ chỉ số VN30 hay HNX30 các cổ phiếu phải thỏa mãn các điều kiện về vốn hóa, thanh khoản và đã được chọn lọc. Những doanh nghiệp trong 2 danh sách này có nhiều ưu điểm. Đó là những cổ phiếu có quy mô vốn hóa (giá trị thị trường của toàn bộ doanh nghiệp) đầu ngành và lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Thanh khoản của cổ phiếu cao do đó không lo vấn đề thanh khoản. Và những cổ phiếu này đã được các cơ quan quản lý chọn lọc và thông qua nên có độ tin cậy.
Tuy vậy, nhóm cổ phiếu này vẫn có vài hạn chế như còn một số doanh nghiệp xấu lọt vào rổ chỉ số này. Hoặc có nhiều doanh nghiệp lớn đã bão hòa và lỗi thời. Do đó, bên cạnh tập trung vào danh sách này thì cũng cần có sự sàng lọc và phân tích để đưa ra quyết định đầu tư chính xác
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vừa công bố danh mục cổ phiếu thành phần chỉ số VN30 (nhóm 30 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất thị trường) với danh mục mới có hiệu lực từ đầu tháng 2. Theo đó, cổ phiếu SAB của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, ROS của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros và EIB của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam bị loại khỏi rổ VN30. 3 cổ phiếu được bổ sung thay thế là BVH của Tập đoàn Bảo Việt, PDR của Công ty Phát triển Bất động sản Phát Đạt và TPB của Ngân hàng Tiên Phong. Các cổ phiếu dự phòng cho rổ này gồm GEX, PHR, KBC, VHC và VPI.
Theo thống kê của VNDirect, năm 2020 lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường giảm 5,3% so với năm 2019. Trong đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE giảm nhẹ chỉ 0,3% so với năm trước. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nhóm VN30 lại có sự vượt trội so với thị trường chung. Tổng kết năm 2020, lợi nhuận ròng của nhóm này tăng trưởng dương 5,2% so với năm 2019.
Trong năm 2020, 17 công ty thuộc VN30 ghi nhận lợi nhuận ròng tăng trưởng dương, dẫn đầu là Tập đoàn Hòa Phát (HPG) với mức tăng trưởng lợi nhuận 79% so với cùng kỳ. Theo sau là Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) với mức tăng lợi nhuận ròng 68,8%.
Nếu nhìn về diễn biến giá của nhóm cổ phiếu VN30, nhóm này cũng thể hiện sự vượt trội so với diễn biến giá chung của thị trường chứng khoán. Số liệu được tổng hợp từ đầu năm 2021 đến ngày 24.3 cho thấy, chỉ số VN-Index đã đạt được mức tăng trưởng 5,2%. Trong nhóm cổ phiếu VN30, nhiều cổ phiếu đã đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, vượt xa mức tăng bình quân của thị trường. Tiêu biểu như VPB (35,7%); PDR (33,9%); NVL (30,4%) hay FPT (24,8%) và nhiều cổ phiếu có mức tăng từ 10-20% từ đầu năm 2021 đến nay.
Ông Đỗ Thanh Tùng, Phó phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), kỳ vọng sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm quốc doanh sẽ dẫn dắt lợi nhuận cả ngành, trong khi nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân vẫn duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, nguồn lợi nhuận này có thể không phản ánh mức tăng từ thu nhập (chủ yếu được dẫn dắt bởi thu nhập lãi), mà từ nhiều yếu tố khác như cắt giảm chi phí hoạt động và chi phí dự phòng tăng chậm lại. Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng cũng đón nhận nhiều kỳ vọng và các khoản lợi nhuận đột biến năm nay, đến từ các khoản phí trả trước bancassurance, thoái vốn công ty con, phát hành tăng vốn và chia cổ tức. “Kết hợp với việc nắm tỉ trọng lớn về vốn hóa, tôi cho rằng việc thị trường vượt đỉnh sẽ được hỗ trợ nhiều bởi nhóm ngân hàng trong năm nay”, ông Tùng nhận xét.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Nhật Lệ
-
Minh Đức
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ