Cổ tức ngân hàng: Tức quá hóa giận!
Nếu dùng tiền làm ra trả cổ tức thì khi cần tiền đầu tư lại phải tốn chi phí huy động. Ảnh: Quý Hòa
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông và một trong những nội dung bàn luận sôi nổi nhất là câu chuyện chia cổ tức. Trong khi một số ngân hàng bắt đầu tính đến chuyện chia cổ tức bằng tiền mặt, việc tranh cãi xoay quanh câu chuyện cổ tức ở đại đa số ngân hàng vẫn chưa đến hồi kết.
Mòn mỏi chờ cổ tức
Nhiều cổ đông của VPBank bày tỏ niềm phấn khích khi hay tin sắp được trả cổ tức bằng tiền. VPBank dự tính dành hẳn 7.933 tỉ đồng để trả cổ tức, với tỉ lệ 10% vốn điều lệ. Thời gian chi trả ước trong quý II hoặc quý III năm nay.
“Tôi không nhớ lần gần nhất được nhận cổ tức là năm nào nhưng tôi hy vọng từ đây trở đi, năm nào chúng tôi cũng sẽ trình đại hội cổ đông thông qua việc chia cổ tức bằng tiền”, ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch VPBank, phấn khởi.
Thực tế, trừ lượng cổ phiếu ưu đãi được VPBank trả cổ tức bằng tiền vào năm 2018, hơn 10 năm qua, cổ đông VPBank chưa hề biết tiền cổ tức là gì. Không riêng VPBank, nhiều ngân hàng cũng có lịch sử không chia cổ tức bằng tiền suốt nhiều năm. Chẳng hạn, PGBank đã bước sang năm thứ 10 không chia cổ tức. Cổ đông Techcombank cũng phải chờ hàng chục năm, ở SaigonBank là năm thứ 6 liên tiếp, ACB là năm thứ 7, Sacombank năm thứ 8…
Tại kỳ đại hội cổ đông năm nay, cổ đông các ngân hàng quyết liệt đòi quyền lợi. Nhưng khác với VPBank, TPBank, VIB, HDBank, ACB có phương án chia cổ tức bằng tiền, còn lại các ngân hàng hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu như Vietcombank, VietinBank, BIDV, OCB, Eximbank, LienVietPostBank… hoặc vẫn không chia cổ tức (Sacombank, Techcombank…) dù 2022 là năm đại thắng của nhiều ngân hàng.
Theo thống kê sơ bộ, Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, Techcombank, VPBank, MB đều ghi nhận lãi trước thuế vượt 20.000 tỉ đồng. Và có tới 22 ngân hàng như LienVietPostBank, SeABank, SHB, Viet Capital Bank… đạt tăng trưởng ở mức 2 con số. Thậm chí, Eximbank có mức tăng trưởng lợi nhuận 3 con số. Không có ngân hàng nào báo lỗ trong năm 2022.
Trả lời chất vấn của cổ đông tại đại hội cổ đông, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Techcombank, cho biết: “Tôi nhớ năm 2013, cũng tại đại hội cổ đông, tôi đã nói Ngân hàng trong 10 năm tới sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm nay đã là năm thứ 10 và tôi cho rằng đây sẽ là năm cuối cùng không chia cổ tức bằng tiền mặt”.
Ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ABBank, lý giải: “Việc giữ lại lợi nhuận là để đầu tư hệ thống, đầu tư cho con người, đầu tư dài hạn vào công nghệ, để chúng ta có sự bứt phá về lợi nhuận”. ABBank dự kiến không chia cổ tức bằng tiền mặt trong 3-5 năm tới. Lãnh đạo Sacombank thì phân trần: “Ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, cần tập trung mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng nên chưa đáp ứng được các điều kiện theo quy định để chia cổ tức”.
Đâu là nguồn cơn?
Các cổ đông đã không thể vui khi nghe các ý kiến này. Trước đây, nhất là ở giai đoạn ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 (2020-2022), cổ đông bất đắc dĩ “nhịn” cổ tức. Giai đoạn đó, dù các ngân hàng ăn nên làm ra nhưng vì Ngân hàng Nhà nước ra chỉ thị yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền để dành nguồn lực xử lý các khoản nợ xấu, trái phiếu VAMC và hạ thêm lãi vay nên các cổ đông đành chấp nhận.
Năm nay, với kết quả kinh doanh ấn tượng và Ngân hàng Nhà nước không siết nữa, cổ đông khấp khởi hy vọng về khoản tiền mặt sẽ đến trong bối cảnh đầu tư khó khăn. Nhưng số lượng ngân hàng tuyên bố sẽ chia cổ tức bằng tiền lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo đại diện Vietcombank, với đặc thù Nhà nước nắm cổ phần chi phối, cổ tức phải theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
Thực tế, như chuyên gia Huỳnh Thế Du nhận định: “Khó có được các giải pháp buộc doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền, đặc biệt ở những thị trường đang phát triển”. Nếu dùng tiền làm ra trả cổ tức thì khi cần tiền đầu tư lại phải tốn chi phí huy động. Đó là lý do, theo ông Du, trên thế giới chỉ khoảng 33% doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền, giảm mạnh so với con số 95% của 4 thập kỷ trước.
Đứng ở góc độ nhà đầu tư, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh cho rằng, vấn đề không nằm ở chia cổ tức hay không chia cổ tức. Trên thế giới, nhiều doanh nghiệp như Meta (Facebook), Amazon, Tesla … không chia cổ tức nhưng cổ đông không phản ứng gì vì giá cổ phiếu tăng theo thời gian. Còn tại Việt Nam, như suất sinh lời bình quân khi đầu tư vào cổ phiếu STB của Sacombank suốt từ năm 2015 đến nay chỉ khoảng 6,5%/năm, thấp thua lãi ngân hàng. Đây mới là nguyên nhân chính khiến cổ đông phiền lòng.
Năm ngoái, không riêng STB mà nhóm cổ phiếu ngân hàng đều giảm từ 10-60%, chỉ còn 2 cổ phiếu tăng giá nhẹ là VCB của Vietcombank và BID của BIDV. Năm nay, cổ phiếu ngân hàng có thể đạt suất sinh lời cao hay không giữa bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn èo uột là một câu hỏi thách đố.
Về vấn đề cổ tức, lãnh đạo VIB cho biết, Ngân hàng sẽ thường xuyên tham khảo chế độ chia cổ tức của các ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là các cổ đông chiến lược. Năm sau, nếu không có sự giới hạn của Ngân hàng Nhà nước thì có thể chia cổ tức trên 30%.
Phía VPBank cũng tuyên bố: “VPBank đã đưa mục tiêu chia cổ tức tiền mặt trong 5 năm liền (2022-2026) và sẽ dành 30% lợi nhuận sau thuế hằng năm để chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông”. Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của TPBank, thì thông báo: “Kể từ năm 2023 đến các năm sau, nếu Ngân hàng vẫn có kết quả kinh doanh ấn tượng, chúng tôi sẽ duy trì cổ tức theo 2 phần là cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Vũ Hoài
-
Phi Vũ