Hủy
Đi cùng F0

Dấu ấn của nhà đầu tư cá nhân trong 3 năm qua

Vũ Hoài Thứ Hai | 08/01/2024 11:07

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

 
 
Nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn là nhóm chiếm nhiều giá trị giao dịch nhất trên toàn thị trường với 88,3%.

Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) vừa có thông báo về số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tại ngày 31/12. Theo đó, tại thời điểm cuối tháng 12/2023, trên hệ thống của VSDC đang quản lý hơn 7,23 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước, tăng hơn 39.240 tài khoản so với tháng 11/2023. Tổng kết cả năm 2023, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới hơn 391.109 tài khoản chứng khoán. 

Nhìn lại thời hoàng kim (2021-2022), thị trường chứng khoán Việt Nam đã liên tục thu hút nhà đầu tư cá nhân với hàng trăm ngàn tài khoản được mở mới mỗi tháng. 

 

Kể từ tháng 3/2020, khi chỉ số VN-Index chạm đáy quanh mốc 65x điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thu hút lượng lớn nhà đầu tư mới tham gia. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới theo ghi nhận của VSD liên tục phá đỉnh. Cả năm 2021, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán mới. Làn sóng “đổ bộ” của nhà đầu tư cá nhân tiếp tục kéo dài sang năm 2022 khi trong năm này nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam đã mở mới hơn 2,58 triệu tài khoản chứng khoán mới, mức kỷ lục của hơn 20 năm hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Nếu như ở giai đoạn 2021-2022, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới gây ấn tượng với những kỷ lục thì đến năm 2023, số lượng tài khoản mới lại có “hiện tượng chưa từng có”. 

 

Cụ thể, tháng 9/2023, Chính phủ đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, từ đó làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán. 

Theo đó, trong hai tháng liên tiếp tháng 10 và 11/2023, đã có hơn 571.342 tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước bị đóng (đã có sự bù trừ tài khoản mở mới/tài khoản đóng), đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ. 

Dù là số lượng tài khoản chứng khoán mới có “lên đỉnh hay dò đáy” thì nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam vẫn luôn mang những màu sắc riêng. 

Giai đoạn 2020-2022, dòng tiền của F0 đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục lập kỷ lục, bất chấp đà bán ròng của khối ngoại. 

Đến năm 2023, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân quay trở lại mạnh mẽ từ tháng 4, vực dậy thanh khoản thị trường nhờ chính sách nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước và lãi suất huy động giảm mạnh. Tuy nhiên, giai đoạn này cũng chứng kiến hoạt động bán ròng của khối ngoại gia tăng do chịu ảnh hưởng bởi rủi ro tỉ giá khi chênh lệch lãi suất giữa USD và VNĐ ngày càng giãn rộng, cùng với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận chưa thật sự hấp dẫn. 

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong phần lớn thời gian của năm 2024, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ là người tham gia chính của thị trường. Điều này có thể khiến thị trường biến động nhanh và mạnh, theo cả chiều tăng và chiều giảm. Trong khi nền tảng vĩ mô vẫn còn bấp bênh và thiếu sự dẫn dắt của dòng tiền tổ chức chuyên nghiệp, thị trường có thể sẽ hình thành nhiều con sóng ngắn, mà những nhịp điều chỉnh mạnh là cơ hội để tích lũy cổ phiếu. Trên cơ sở này, VDSC cho rằng nhà đầu tư sẽ có thể tối ưu tốt hơn các cơ hội xuất hiện trong năm khi giao dịch thận trọng, chỉ giải ngân khi cổ phiếu ưa thích giảm về vùng mua phù hợp khẩu vị, và duy trì tỉ lệ hợp lý giữa cổ phiếu và tiền mặt, tránh việc sử dụng đòn bẩy quá mức.

Có thể bạn quan tâm 

Cách quản lý tài chính trong thời kỳ suy thoái


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới