F0 hết mặn mà với chứng khoán?
Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: NCĐT
Số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tại thời điểm cuối tháng 11/2022, trên hệ thống của VSD đang quản lý hơn 6,75 triệu tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước, trong đó 6,74 triệu tài khoản là của nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Như vậy, trong tháng 11/2022, đã có 88.334 tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư cá nhân mở mới. Đây là mức thấp nhất trong năm 2022, và đã là tháng thứ 2 liên tiếp số lượng tài khoản chứng khoán mới xuống dưới mốc 100.000 tài khoản.
Số lượng tài khoản chứng khoán sụt giảm đi kèm với sự sụt giảm về thanh khoản trên thị trường. Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 11 ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 11.443 tỉ đồng, giảm nhẹ so với tháng trước nhưng không đáng kể, đây phần nhiều là nhờ sự đóng góp của thanh khoản tăng mạnh nửa cuối tháng 11/2022. Trong tháng 11, thị trường chứng kiến đợt sụt giảm mạnh, VN-Index đã có lúc giảm về vùng 870 điểm ở phiên giao dịch 16/11, trước khi ghi nhận đà phục hồi như hiện tại. Việc thị trường chứng khoán liên tục chịu áp lực bán tháo, cùng với bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước chưa có nhiều điểm sáng khiến nhiều nhà đầu tư chọn cách “rời bỏ” thị trường. Thêm vào đó, không loại trừ khả năng thời điểm cuối năm nhiều nhà đầu tư có xu hướng thu hẹp quy mô đầu tư, tổng kết năm để chuẩn bị cho một năm mới.
Trên thực tế tháng 5 và tháng 6 là 2 tháng có số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đạt kỷ lục, chỉ trong 2 tháng này mà số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đã lên tới 942.400 tài khoản. Tuy nhiên, một nghịch lý xảy ra khi số lượng tài khoản chứng khoán mới “lên đỉnh” thì thanh khoản thị trường lại “xuống đáy”. Thời điểm đó, nhiều chuyên gia đã cho rằng, có thể nhiều tài khoản mới được mở một cách tự động, như việc nhà đầu tư “vô tình” mở tài khoản chứng khoán mà không hay biết. Bởi lẽ, với sự phát triển của công nghệ ngày nay, chỉ mất khoảng 5-10 phút, nhà đầu tư đã có thể tạo được một tài khoản chứng khoán, và mất khoảng 1-2 ngày để kích hoạt giao dịch.
Một điểm đáng chú ý ở thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây, đó là sự “xoay vần” của dòng tiền. Dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân đã thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam trong suốt 2 năm qua, đưa thị trường chinh phục những đỉnh cao mới vào giai đoạn 2020-2021. Đến năm 2022, khi thị trường bắt đầu tạo đỉnh hồi tháng 4, rồi đến những “cú sốc” của những tháng sau đó đã khiến nhiều nhà đầu tư không còn quá mặn mà với chứng khoán.
Thay vào đó, nhà đầu tư ngoại đang dần lấy lại ưu thế khi giá trị giao dịch của họ chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong tổng giá trị giao dịch của cả thị trường. Số liệu trên Website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 11/2022, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng đạt trên 64.028 tỉ đồng, chiếm hơn 12,71% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Trong khi đó, 2 năm 2020-2021, có thời điểm khối này chỉ chiếm khoảng 4-5% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Có thể bạn quan tâm
4 kênh đầu tư tài chính phổ biến ở Việt Nam
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư