Hủy
Đi cùng F0

F0 vẽ lại bản đồ chứng khoán

Vũ Hoài Thứ Ba | 24/08/2021 13:30

Bước sang năm 2021, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục khiến thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận những kỷ lục.

Sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân trong nước là động lực rất lớn để thị trường chứng khoán Việt Nam thiết lập những kỷ lục.
 

Những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này có thể thấy rõ qua số lượng công ty Việt Nam có vốn hóa thị trường trên 1 tỉ USD đã tăng từ 10 công ty vào năm 2015 lên gần 50 công ty hiện nay và tổng giá trị vốn hóa thị trường tăng mạnh từ 30% lên 90% GDP, tương đương với các nước trong khu vực.

Gần đây, việc số lượng nhà đầu tư cá nhân tăng đột biến đã góp thêm động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán. Thuở ban sơ, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ vỏn vẹn có gần 3.000 tài khoản của nhà đầu tư, nhưng đến ngày 30/7/2021 số lượng tài khoản đã lên tới gần 3,5 triệu tài khoản, tức gấp hơn 1.166 lần con số của năm 2000, trong đó chủ yếu là tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Trong chuỗi tăng trưởng về số lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán (được gọi là nhà đầu tư F0), thì năm 2020 là một cột mốc quan trọng của những kỷ lục.

 

COVID-19 xuất hiện, xác lập lại mặt bằng giá mới của các cổ phiếu quanh khu vực nền 65x của chỉ số VN-Index, cùng với đó là môi trường lãi suất thấp, đã thúc đẩy nhà đầu tư tham gia mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán. Kể từ tháng 3/2020, số lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường tăng trưởng đột biến và liên tục lập những kỷ lục. Chỉ tính riêng nhà đầu tư trong nước, trong năm 2020 đã có hơn 393.000 tài khoản được mở mới trên hệ thống của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Đi cùng với sự bùng nổ về số lượng tài khoản mở mới, thanh khoản trên sàn HOSE cũng lần đầu tiên cán mốc trên 10.000 tỉ đồng mỗi phiên từ cuối tháng 11/2020. Và cũng từ đây, lần đầu tiên nghẽn lệnh trở thành “đặc sản” của sàn HOSE khi  số lượng lệnh của nhà đầu tư khiến hệ thống bị quá tải.

Bước sang năm 2021, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục khiến thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận những kỷ lục. Vùng giá 1.200 điểm vốn được coi là “thánh địa” khi trong lịch sử hàng chục năm qua, nhiều lần VN-Index đã thất bại thảm hại trước ngưỡng này. Dưới sự dẫn dắt của dòng tiền trong nước, chỉ số VN-Index đã công phá thành công khung thành 1.200 điểm, viết lại đỉnh mới của thị trường quanh mốc 1.420 điểm (tháng 7/2021).

 

Có thể nói, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán chưa bao giờ mạnh mẽ đến thế. Những phiên giao dịch tỉ USD không còn là mong ước mà đã trở thành điều hết sức bình thường của thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE), giá trị giao dịch cổ phiếu đạt mức 18.554 tỉ đồng/phiên trong 6 tháng đầu năm 2021, con số cao nhất trong lịch sử hơn 21 năm của thị trường. 

Nửa đầu năm 2021, giá trị giao dịch của nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 83,9% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong khi con số này của những năm trước chỉ quanh mốc 70%. Kể từ năm 2020, giá trị giao dịch của nhà đầu tư cá nhân đã chiếm tỉ trọng ngày một lớn trong cơ cấu giao dịch. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 8,6% giá trị giao dịch toàn thị trường trong nửa đầu năm 2021; con số này của những năm trước khoảng 14-15%. 

Từ đây có thể thấy, ở giai đoạn hiện tại nhà đầu tư cá nhân được ví von như “người làm chủ cuộc chơi” ở thị trường chứng khoán trong nước. Trong bối cảnh không có nhiều giải pháp đầu tư khác hấp dẫn hơn, ngày càng có nhiều người gửi tiết kiệm trong nước chuyển sang thị trường chứng khoán và sự nhiệt tình của các nhà đầu tư F0 đang bao trùm toàn bộ thị trường chứng khoán. 

Theo đánh giá của ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital, dù có sự gia tăng mạnh mẽ trong 2 năm gần đây, số lượng người có tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% dân số cả nước và con số này tương đương với tỉ lệ người dân Đài Loan có tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân vào năm 1986. Đối chiếu với các thị trường chứng khoán trong khu vực, ông Michael Kokalari cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của một quá trình tăng trưởng kéo dài nhiều thập kỷ.

“Chúng tôi cho rằng sự nhiệt tình hiện tại của các nhà đầu tư cá nhân là một dấu hiệu tích cực về xu hướng tiếp tục phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Với tỉ lệ tham gia của các nhà đầu tư cá nhân hiện tại vẫn còn rất thấp so với quy mô dân số, có thể thấy sự phát triển ổn định của thị trường chứng khoán trong tương lai”, ông Michael Kokalari nhận định. 

Đối chiếu với các thị trường chứng khoán trong khu vực, ông Michael Kokalari cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của một quá trình tăng trưởng kéo dài nhiều thập kỷ.
Ông Michael Kokalari cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của một quá trình tăng trưởng kéo dài nhiều thập kỷ. Ảnh: Quý Hoà

Đồng quan điểm, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Chiến lược đầu tư của Dragon Capital, cũng cho rằng việc số lượng tài khoản nhà đầu tư tăng đột biến trong thời gian qua khá hợp lý và điều đó không chỉ dừng lại trong ngắn hạn mà sẽ còn tiếp diễn trong 5 năm tới. Theo ông Tuấn, bên cạnh việc thu nhập gia tăng, người dân không phải lo lắng các nhu cầu thiết yếu và bắt đầu nghĩ đến các sản phẩm đầu tư tài chính thì sự hỗ trợ của chương trình mở tài khoản trực tuyến eKYC cũng là yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư dễ dàng tham gia vào thị trường chứng khoán. 

“Với độ sâu thị trường như hiện nay, việc 1 tháng có 60.000-80.000 tài khoản mở mới là câu chuyện hết sức bình thường trong giai đoạn 5 năm tiếp theo”, ông Tuấn nhận định.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới