Đi tìm câu chuyện tăng trưởng cho thị trường chứng khoán 2025

Thị trường chứng khoán của Việt Nam năm 2025 tiếp tục duy trì gam màu tươi sáng bởi nhiều yếu tố hỗ trợ. Nguồn ảnh: UOBAM
“Để có động lực tăng trưởng, thị trường chứng khoán tìm câu chuyện mới mỗi năm. Câu chuyện của năm nay là chính sách nới lỏng tiền tệ và nâng hạn thị trường”, ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Đầu tư UOB Asset Management Việt Nam (UOBAM) chia sẻ tại sự kiện: “Cập nhật thị trường: Triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam 2025”, được Ngân hàng UOB Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 2/2025.
Nhờ câu chuyện này, trong năm 2025, đại diện UOBAM nhận định tích cực về triển vọng của nhóm ngành dịch vụ tài chính, trong đó có ngân hàng và công ty chứng khoán. Ngành Ngân hàng với tỷ trọng cao nhất trong VN-Index vẫn sẽ là ngành dẫn dắt chỉ số. Tăng tưởng tín dụng cao năm 2025, với mục tiêu là 16%, sẽ là động lực cho ngành ngân hàng năm nay. Mặt khác, khi thị trường tăng, công ty chứng khoán sẽ hưởng lợi chính nhờ khối lượng giao dịch và cho vay ký quỹ tăng.
Mặc dù ngành bất động sản chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc, nhưng ông Hưng đặc biệt chú ý đến bất động sản khu công nghiệp. “Những doanh nghiệp cao su có quỹ đất lớn sẽ có khả năng mở rộng hoạt động vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp đang còn dư địa phát triển nhờ làn sóng đầu tư của FDI”, ông Hưng phân tích.
Theo Giám đốc Đầu tư của UOBAM, thị trường chứng khoán của Việt Nam năm 2025 tiếp tục duy trì gam màu tươi sáng bởi nhiều yếu tố hỗ trợ. Về vĩ mô, tiêu dùng nội địa và chính sách mở rộng đầu tư công, xu hướng phát triển công nghệ cao và chuyển đổi số nhanh chóng.
Về thị trường, lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng trưởng (tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu - EPS) với định giá chiết khấu (P/E và P/B) là yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường. Ngoài ra, hệ thống giao dịch chứng khoán mới KRX dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 5/2025; và tiềm năng nâng hạng thị trường Việt Nam lên thị trường mới nổi năm 2025 bởi FTSE giúp định giá P/E tiệm cận hơn với mức thị trường mới nổi.
![]() |
Theo ông Hưng, Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh từ đầu quý II/2023, suốt năm 2024 do thị trường Mỹ tăng vượt trội so các thị trường khác và đồng USD mạnh lên. Ngoài ra trong thời gian dài, thị trường Việt Nam không có một đợt IPO lớn để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu được FTSE tăng hạng thì thị trường Việt Nam sẽ được phân bổ một hạng mức đầu tư nhất định và đảo chiều dòng vốn rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài. “Số tiền chảy vào không lớn so với quy mô giao dịch hàng ngày của thị trường, nhưng sẽ có tác dụng tâm lý, là vốn mồi để nhà đầu tư trong nước đi theo như giai đoạn vào WTO năm 2008”, đại diện UOBAM phân tích.
Tại kịch bản lạc quan nhất, UOBAM dự báo VNIndex sẽ có thể tăng trưởng 21,3% so với cuối năm 2024, ở mức hơn 1.500 điểm. Tại mức dự báo này, thu nhập trên mỗi cổ phiếu EPS sẽ tăng trưởng 20% và chỉ số P/E tăng 15%.
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi thì yếu tố rủi ro với thị trường chứng khoán năm nay sẽ nằm ở áp lực tỷ giá và áp lực thuế quan Mỹ sẽ tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường và nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng.
Về hoạt động của các quỹ do UOBAM quản lý, ông Hưng chia sẻ kết quả tích cực trong năm 2024, NAV (net asset value)/ unit của Quỹ UVEEF tăng 21%. Với tình hình kinh tế và thị trường chứng khoán có nhiều động lực tăng trưởng tốt trong năm 2025, ông Hưng cho biết kỳ vọng mục tiêu năm 2025 cho Quỹ này sẽ đạt mức tăng trưởng vượt trội so với thị trường.
Có thể bạn quan tâm:
Giải bài toán đầu tư của người trẻ: Tiền đâu đầu tư?
Nguồn UOB Asset Management Việt Nam
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Kim Dung