Hủy
Góc nhìn chuyên gia

Giải bài toán đầu tư của người trẻ: Tiền đâu đầu tư?

Thứ Ba | 25/03/2025 09:50

Ông Tạ Thanh Tùng, Phó Giám đốc Đầu tư Bất động sản, Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT. Ảnh: SSBM.

 
 
Để đạt mục tiêu tài chính dài hạn, người trẻ được khuyên cần có kỷ luật trong quản lý chi tiêu, tránh những cám dỗ và xu hướng tiêu dùng hiện đại.

“Khi nhắc đến đầu tư, nhiều người trẻ thường đặt câu hỏi: “Lấy đâu ra vốn để đầu tư?” Trừ khi bạn may mắn có sẵn một khoản tài sản hoặc nằm trong số ít có thể tích lũy nhanh chóng, thì  con đường duy nhất là sử dụng thu nhập cá nhân làm nền tảng”, ông Tạ Thanh Tùng, Phó Giám đốc Đầu tư Bất động sản, Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT chia sẻ tại buổi tọa đàm “Người trẻ nên đầu tư vào đâu?” do SSBM Việt Nam tổ chức mới đây. 

 

Theo ông Tùng, thu nhập chính là cơ sở để xây dựng tài sản. Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, mức thu nhập thường còn thấp, dẫn đến khả năng tích lũy hạn chế. Vì vậy, thay vì chỉ tập trung vào tiết kiệm, các bạn trẻ cần đầu tư vào năng lực tạo thu nhập của bản thân để có thể nâng cao mức thu nhập trong tương lai. Khi thu nhập tăng, tỉ lệ tiết kiệm cũng có thể tăng dần từ 10-20% lên 50-70%, giúp bạn có nguồn vốn tốt hơn cho đầu tư.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tài chính dài hạn, bạn cần có kỷ luật trong quản lý chi tiêu, tránh những cám dỗ từ quảng cáo và xu hướng tiêu dùng hiện đại. Những khoản chi không cần thiết có thể làm giảm khả năng tích lũy, cản trở quá trình đầu tư và gia tăng tài sản.

 

Chuyên gia của FIDT cho rằng, đối với những tài sản có giá trị lớn như bất động sản, việc sử dụng đòn bẩy tài chính có thể là một lựa chọn, nhưng cần hết sức thận trọng. 
Các bạn trẻ cũng cần phải cân nhắc khả năng thanh khoản của tài sản, đảm bảo rằng trong trường hợp cần thiết, các loại tài sản có thể chuyển đổi thành tiền để xử lý nghĩa vụ tài chính. Đồng thời, yếu tố thu nhập, sức khỏe tài chính cá nhân cũng cần được xem xét để tránh rủi ro.

“Đầu tư không chỉ đơn thuần là tìm kiếm cơ hội trên thị trường mà còn đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính cá nhân. Xây dựng nền tảng thu nhập vững chắc, quản lý tài chính hiệu quả và đưa ra quyết định đầu tư hợp lý chính là con đường giúp bạn gia tăng tài sản một cách bền vững”, ông Tùng chia sẻ. 

Liên quan đến việc sử dụng đòn bẩy, đại diện của FIDT cũng cho hay, tài chính cá nhân mang tính cá nhân hóa rất cao, vì vậy đối với mỗi người, việc vay nợ có thể mang ý nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào tình hình tài chính, thu nhập và khả năng thanh khoản của tài sản mà họ sở hữu. Việc vay nợ có lợi hay không còn phụ thuộc vào mục đích sử dụng vốn vay. 

Chẳng hạn, nếu vay để đầu tư vào bất động sản, cần cân nhắc nhiều yếu tố như lãi suất vay, khả năng trả nợ và tiềm năng tăng giá của tài sản. Hiện nay, một số ngân hàng cung cấp các gói vay lãi suất cố định khoảng 6-7%/năm trong ba năm. So với mức tăng trưởng trung bình của bất động sản khoảng 8-10%/năm, việc vay mua bất động sản có thể là lựa chọn hợp lý nếu người vay đảm bảo sử dụng đòn bẩy hợp lý, có dự phòng tài chính, thu nhập ổn định và chọn được bất động sản có giá trị thực, thanh khoản tốt. 

“Điều quan trọng là không nên coi vay nợ là một công cụ để làm giàu nhanh chóng mà cần nhìn vào bức tranh tài chính tổng thể, từ thu nhập, lãi suất, tốc độ tăng giá của tài sản đến tính ổn định của thị trường. Đối với những người có thu nhập ổn định, việc vay mua một bất động sản tại các thành phố lớn, phục vụ nhu cầu ở thực và có tính thanh khoản cao có thể là một quyết định hợp lý, nhưng vẫn cần quản trị rủi ro để đảm bảo chiến lược tài chính bền vững”, ông Tùng nói thêm.

Có thể bạn quan tâm 

Lời khuyên của nhà quản lý quỹ dành cho người trẻ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới