Hủy
Góc nhìn chuyên gia

Chất lượng tài sản ngân hàng dưới áp lực mùa vụ và bất ổn vĩ mô

Thứ Sáu | 06/06/2025 07:50

Nếu tính cả nợ nhóm 2, tỉ lệ nợ dưới chuẩn cũng chỉ tăng 16 điểm cơ bản. Ảnh: TL.

 
 
Quý I/2025 chứng kiến sự suy giảm về chất lượng tài sản của các ngân hàng.

Cụ thể, dữ liệu từ báo cáo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho thấy, tỉ lệ nợ xấu (NPL) của các ngân hàng niêm yết tăng 19 điểm cơ bản so với quý IV/2024. Khi so với mức tăng cùng kỳ trong hai năm liền trước là 2024 (+24 điểm cơ bản) và 2023 (+32 điểm cơ bản), thì chất lượng danh mục cho vay giảm, phần nào bị tác động bởi yếu tố mùa vụ. Nếu tính cả nợ nhóm 2, tỉ lệ nợ dưới chuẩn cũng chỉ tăng 16 điểm cơ bản. 

Ngoài ra, tỉ lệ nợ xấu tăng cũng bị ảnh hưởng bởi dư nợ dưới chuẩn tại các ngân hàng lớn, trong đó bao gồm cả 3 ngân hàng quốc doanh. Với việc gia tăng tỉ trọng khách hàng cá nhân trong danh mục, nợ xấu phát sinh mới gia tăng là diễn biến thường thấy. Với bộ đệm dự phòng cao thì tỉ lệ nợ xấu gia tăng tại nhóm này cũng không quá đáng ngại. Một nguyên nhân cũng thường xuyên đề cập là việc nhảy nhóm của dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02, với tác động ít nhất sẽ kéo dài đến hết năm 2025. 

 

Theo cập nhật từ những ngân hàng thương mại trong đại hội cổ đông hay cập nhật kết quả kinh doanh quý, trong quý I/2025, số dư nợ này đã giảm đáng kể (có ngân hàng ghi nhận giảm lên tới 50% trong kỳ), với chỉ khoảng 7-10% trong số này chuyển sang nợ xấu.

“Rủi ro chính đối với chất lượng tài sản hiện nay chủ yếu đến từ các yếu tố bất ổn gia tăng đối với triển vọng vĩ mô”, Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định.  

 

Theo tổ chức này, mặt tích cực của việc duy trì lãi suất thấp ngoại trừ thúc đẩy nhu cầu là hỗ trợ chất lượng tài sản. Mặc dù lãi suất cho vay hiện kỳ vọng tăng khoảng 15-25 điểm cơ bản trong năm, mức tăng này sẽ không ảnh hưởng trọng yếu đến dòng tiền hay khả năng trả nợ của các thực thể kinh tế do mức độ tăng không lớn. Ngoài ra, mặc dù kỳ vọng nhóm khách hàng cá nhân hay vay thế chấp sẽ khởi sắc hơn trong nửa sau của năm, tỉ lệ hình thành nợ xấu mới sẽ không cao trên cơ sở thời gian ưu đãi lãi suất thường kéo dài 1-2 năm với mức lãi suất dễ tiếp cận. Về mặt chính sách cũng đang có hướng hỗ trợ cho khía cạnh này, có thể kể đến như việc luật hóa Nghị quyết 42/2017 hay ban hành Nghị quyết 170, không chỉ hạn chế nợ xấu hình thành mà còn đẩy nhanh quá trì thu hồi nợ xấu. 

Ngoài ra, nhiều dự án bất động sản lớn cũng được tháo gỡ vấn đề pháp lý, hỗ trợ gián tiếp cho chất lượng tài sản ngành khi dòng tiền doanh nghiệp được khơi thông. Tuy nhiên, điều kiện kinh doanh đang có phần giảm sút do các tác nhân liên quan đến thuế quan và xu hướng bảo hộ thương mại. 

Dù mức thuế quan có thể sẽ thấp hơn đề xuất ban đầu, nhưng sự bất định có khả năng khiến doanh nghiệp tạm hoãn kế hoạch đầu tư mới/mở rộng sản xuất. Đồng thời, việc đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao có thể vô tình dẫn đến vấn đề phân bổ vốn kém hiệu quả hoặc nới lỏng tiêu chuẩn giải ngân.

Có thể bạn quan tâm 

Lá chắn cổ tức trong thị trường biến động

Nguồn Theo Mirae Asset


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới