Hủy
Góc nhìn chuyên gia

Lãi suất tăng, các doanh nghiệp vẫn có sự tăng trưởng

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, BSC Thứ Tư | 05/10/2022 08:00

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC). Ảnh: PV.

 
 
Chính sách hiện tại của các quốc gia, đa số là theo hướng thắt chặt, Việt Nam thì cũng khó có thể nằm ngoài xu hướng chung này.

Lãi suất tăng, các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng ra sao, và chiến lược nào cho nhà đầu tư trong giai đoạn này? Dưới đây là phần chia sẻ của ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) tại Talkshow Phố Tài chính. 

GDP quý III/2022 của Việt Nam rất tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế cũng đã được đảm bảo. Ông đánh giá như thế nào về điều này? 

Mức GDP tăng cao trong quý III/2022 phần nào đi đúng với kỳ vọng của rất nhiều nhà nghiên cứu trên thị trường. Năm 2021, do ảnh hưởng của COVID-19, GDP quý III/2021 sụt giảm khoảng 6,5%. Do vậy, khi năm nay tăng trưởng trở lại hơn 13,6% thì mức trung bình tăng trưởng để bỏ những yếu tố này ra thì sẽ rơi vào khoảng 6,5%, khá là sát với kỳ vọng.

 

Ngoài ra, đối với yếu tố về lạm phát, tôi nghĩ đây là một trong những chỉ tiêu mà Việt Nam đang làm tốt hơn khá nhiều so với phần còn lại của các quốc gia khác. Lạm phát ở Mỹ, đặc biệt là lạm phát ở châu Âu tăng lên rất là nhanh và chưa dừng lại khi bước vào mùa đông của năm nay. 

Tôi nghĩ rằng chu kỳ thị trường cũng như nền kinh tế thế giới cũng đang trải qua một giai đoạn khó khăn nhưng mà Việt Nam đang làm tốt hơn, nó phản ánh đúng là những chính sách mà chúng ta đã thực hiện trong suốt quá trình vừa qua.

Mới đây Ngân hàng Nhà nước cũng đã chính thức tăng lãi suất. Theo ông thì điều này có làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của kinh tế trong thời gian tới hay không?

Hiện tại các quốc gia xung quanh Việt Nam cũng như các quốc gia ở châu Âu hay, Mỹ đều tăng lãi suất và không chỉ tăng một lần mà tăng 3 - 4 lần từ đầu năm đến nay. Chúng ta sẽ cần phải nâng lãi suất lên vì thị trường tài chính có sự liên thông rất là cao. Khi chúng ta duy trì một chính sách ngược lại với chính sách của Ngân hàng Trung ương của các quốc gia khác thì họ cũng sẽ đưa ra những ảnh hưởng nhất định. Do vậy, đây là việc mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng không có nhiều lựa chọn, mà buộc phải đưa ra một chính sách phù hợp chung với thế giới hiện nay. 

Đương nhiên khi lãi suất tăng thì các hoạt động kinh tế có xu hướng là chậm lại, vì thế mà tăng trưởng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trước mắt tôi nghĩ sẽ không có ảnh hưởng quá nhiều, còn trong tương lai sắp tới thì ảnh hưởng nó sẽ lớn hơn. Thông thường, chính sách tiền tệ không có tác động ngay lập tức mà sẽ rơi vào tầm 3 tháng đến 6 tháng, chúng ta mới nhìn thấy rõ ảnh hưởng của sự thay đổi chính sách vào doanh nghiệp và nền kinh tế

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào trong bối cảnh tăng lãi suất hiện nay? 

Quý III/2022 là thời gian chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Như mọi năm mùa mà xuất nhập khẩu tốt nhất thường rơi vào mùa Giáng Sinh. Để có được mùa đó thì những đơn hàng đã phải phát sinh trước đó từ 1-2 quý. Năm nay là năm mà khó khăn đối với các quốc gia phát triển, lạm phát tăng cao nên người dân phải cân nhắc chi tiêu thì điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp của chúng ta tham gia vào chuỗi xuất khẩu hàng hóa của toàn cầu. 

Thứ hai là những yếu tố mà liên quan đến lãi suất, lãi suất điều hành mới tăng và thị trường cũng bắt đầu thấy những dấu hiệu khó khăn trong vòng khoảng tầm một quý trở lại đây rồi. Tôi nghĩ rằng giai đoạn này các doanh nghiệp vẫn có sự tăng trưởng, nhưng mức độ tăng trưởng sẽ chậm dần so với kỳ vọng trước đây.

 

Bước vào giai đoạn tăng lãi suất, thị trường chứng khoán sẽ ra sao? 

Chính sách hiện tại của các quốc gia, đa số là theo hướng thắt chặt, Việt Nam thì cũng khó có thể nằm ngoài xu hướng chung này. Đến thời điểm hiện tại thì diễn biến chứng khoán toàn cầu khá là xấu và đi xuống, còn đối với nội tại Việt Nam thì cũng đang gọi là may mắn hơn một chút khi không phải quá mạnh mẽ cắt giảm lãi suất trong giai đoạn dịch bệnh hay là trong việc thi hành chính sách tiền tệ nới lỏng. 

Do vậy, chúng ta vẫn còn những dư địa tăng trưởng cũng như vẫn còn một phần rất là quan trọng liên quan đến đầu tư công. Những yếu tố này có thể dự trữ cho Việt Nam trong tương lai 1-2 năm tới khi mà kinh tế toàn cầu có rơi vào suy thoái hay là tăng trưởng, thì chúng ta vẫn còn room chính sách để thúc đẩy tăng trưởng. Còn đối với doanh nghiệp thì đương nhiên là sẽ phải thích nghi với một môi trường mới khi mà lãi suất gia tăng.

Đối với nhà đầu tư, ở một giai đoạn thị trường chung biến động lớn cộng với cả những yếu tố bên ngoài không xác định được, thì các hoạt động đầu tư ngắn hạn tôi nghĩ là nên hạn chế hoặc là chỉ nên duy trì một mức độ nhất định theo khả năng kiểm soát rủi ro của chính nhà đầu tư. 

Đối với nhà đầu tư dài hạn, giai đoạn này cũng là một giai đoạn thử thách với nhà đầu tư, có thể cân nhắc đến những ngành nào mà ít chịu ảnh hưởng chung bởi lãi suất hay là những yếu tố bên ngoài; những ngành bán lẻ, tiêu dùng. Còn về mặt dài hạn mà nói thì đối với cả Việt Nam, mức P/E của thị trường chung rơi vào mức khoảng tầm 10 lần là một mức khá là hấp dẫn.

Có thể bạn quan tâm 

Sân chơi chính của các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ là trái phiếu được phát hành ra công chúng


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới