Hủy
Góc nhìn chuyên gia

Những điểm sáng trong bức tranh quý IV của các doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, VDSC Thứ Năm | 19/10/2023 10:21

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Ảnh: PV.

 
 
Khi nhu cầu được xoay vòng trở lại thì doanh nghiệp nên thực hiện các chiến lược bán hàng có tính cạnh tranh cao.

Hiện trạng các doanh nghiệp hiện nay 

Chia sẻ về bức tranh kinh tế quý III/2023, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, trong cấu phần tăng trưởng kinh tế quý III có sự phục hồi khá tích cực ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp và chế biến, chế tạo, trong đó có sự đóng góp lớn từ khu vực FDI cũng như là một số nhóm ngành xuất khẩu. Đồng thời VDSC cũng ghi nhận sự đảo chiều tăng trưởng từ âm sang dương của một số ngành xuất khẩu như là sản xuất linh kiện điện tử, dệt may và sự cải thiện ở nhóm ngành sản xuất, chế biến thực phẩm, hóa chất.

Ở chiều ngược lại thì nhóm ngành bất động sản vẫn chưa phục hồi và vẫn đang ở trong trạng thái tăng trưởng âm. Bên cạnh đó, các lĩnh vực xuất khẩu như dệt may, da giày mặc dù đã chuyển từ trạng thái tăng trưởng từ âm sang dương nhưng mức độ phục hồi còn khá là yếu.

 

“Chúng tôi cho rằng khó khăn của doanh nghiệp mang yếu tố chu kỳ kinh tế nhiều hơn, sau đó thì đáy của chu kỳ đang hình thành. Tuy nhiên, sự phục hồi mang dáng dấp của chữ U hơn là chữ V. Và trong diễn biến phục hồi như vậy thì khó khăn lớn cho cả khu vực FDI cũng như là khu vực trong nước, bởi vì nhu cầu tiêu thụ còn yếu cả trong nước và cả thế giới nữa”, bà Phương Lam chia sẻ. 

Ngoài khó khăn kể trên thì việc tiếp cận vốn đang thừa của hệ thống ngân hàng thương mại cũng là một vấn đề khi mà các doanh nghiệp được hoãn, giãn nợ thì lại khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay mới. 

Ngoài ra thì theo khảo sát của VCCI, chi phí sản xuất kinh doanh tăng lên đang làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp như là chi phí lao động tăng, chi phí chính thức hoặc không chính thức liên quan đến các nghĩa vụ thuế, chi phí vận tải, logistics thì cũng đang khá là cao.

 

Doanh nghiệp cần làm gì để “bứt tốc”? 

Góc nhìn về mặt chính sách, bà Phương Lam chia sẻ, những thành tựu của chính sách có thể kể đến đầu tiên, đó là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đã cao hơn so với các năm trước khá là nhiều. Cụ thể thì đến cuối tháng 9/2023 thì tổng vốn đầu tư công giải ngân đạt hơn 393.000 tỉ đồng, tăng khoảng 37,5 % so với cùng kỳ. Điều này là đang từng bước phản ánh vào kết quả tăng trưởng quý III và kỳ vọng sẽ có tác động rõ rệt hơn trong quý IV. Bên cạnh đó thì gói giảm thuế VAT 2% cũng đã góp phần kìm hãm đà giảm trong tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng.

“Ở khía cạnh chính sách tiền tệ, chúng tôi kỳ vọng do độ trễ thì lãi suất cho vay sẽ giảm tốc nhanh hơn, thẩm thấu tốt hơn trong quý IV. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng vấn đề căn cơ chính là thị trường bất động sản phải phục hồi, nếu không thì có thể ảnh hưởng đến nợ xấu của ngành ngân hàng cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, bà Phương Lam chia sẻ. 

Bên cạnh các chính sách nhằm thúc đẩy đầu tư công và duy trì môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát thì đại diện của VDSC cho rằng là sẽ cần có rất nhiều nhiệm vụ mà các bộ, ban, ngành cần phải phối hợp thực hiện để giảm tải những ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ nâng cao năng suất lao động và định hướng phù hợp để doanh nghiệp đón nhận được làn sóng dịch chuyển vốn trong tương lai.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Phương Lam cho rằng quý cuối năm có một điểm tương đối là tích cực, đó là thị trường thế giới sẽ có những chuyển biến nhất định khi lượng hàng tồn kho cũ đã được các đối tác nước ngoài giảm bớt, và khi nhu cầu được xoay vòng trở lại thì doanh nghiệp nên thực hiện các chiến lược bán hàng có tính cạnh tranh cao. Ngoài ra thì đa dạng hóa thị trường, phát triển thị trường ngách cũng như nâng cấp chất lượng dịch vụ và sản phẩm.

“Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ không đảo chiều chính sách tiền tệ mà thay vào đó sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát. Đồng thời, các hoạt động kinh tế sôi động trở lại cũng sẽ giúp cho vòng quay tiền có sự cải thiện trong quý IV và như vậy thị trường chứng khoán vẫn sẽ là nơi đầu tiên được hưởng lợi. Đặc biệt khi mà mức định giá của thị trường sau nhịp điều chỉnh vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 đang trở lại nguồn đầu tư hấp dẫn nếu nhìn dài hạn”, bà Phương Lam chia sẻ. 

(Bài viết được thuật lại từ chia sẻ của bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tại Talkshow Phố Tài chính). 

Có thể bạn quan tâm 

Cần làm gì để thu hút hơn nữa dòng vốn FDI vào Việt Nam?

Nguồn Theo Talkshow Phố Tài chính


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới