Hủy
Góc nhìn chuyên gia

Vì sao dòng vốn ngoại “miễn nhiễm” với tin tốt ở Việt Nam?

Bà Hồ Thúy Ái, CTCP Quản lý Quỹ Phú Hưng Thứ Tư | 04/12/2024 13:59

Bà Hồ Thúy Ái, Phó Tổng Giám đốc, CTCP Quản lý Quỹ Phú Hưng (PHFM). Ảnh: TL.

 
 
Chỉ còn 1 tháng nữa là khép lại năm 2024, liệu rằng dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài sẽ có diễn biến ra sao?

Năm 2024, câu chuyện bán ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục là chủ đề được các nhà đầu tư trong nước quan tâm. Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục đón những tin tức tốt như: Việt Nam thuộc nhóm số ít các nước có GDP tăng trưởng cao; triển vọng nâng hạng trong năm 2025 của thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng hiện hữu, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, hàng loạt các giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế (giảm thuế VAT, tăng lương, thúc đẩy đầu tư công),...

 

Trên bình diện quốc tế, FED và các Ngân hàng Trung ương khác cũng đang nới lỏng chính sách tiền tệ, đặc biệt là động thái giảm lãi suất của FED đã giúp giảm dần áp lực tỉ giá. Dẫu vậy, khối ngoại lại liên tục bán ròng ở thị trường chứng khoán Việt Nam, gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong nước. Lũy kế từ tháng 3/2024 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 110.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 4,4 tỉ USD. 

Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính, bà Hồ Thúy Ái, Phó Tổng Giám đốc, CTCP Quản lý Quỹ Phú Hưng (PHFM) cho rằng nhà đầu tư thường mong muốn đạt được lợi suất sinh lời cao khi quyết định đầu tư, và nhà đầu tư nước ngoài cũng như vậy. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã không mang đến suất sinh lợi cao cho nhà đầu tư nước ngoài. Đồng tiền cơ sở của họ không phải là VND, cho nên với diễn biến của tỉ giá USD/VND trong hai năm qua thì suất sinh lợi của nhà đầu tư nước ngoài thấp hơn hẳn so với nhà đầu tư trong nước. Điều này tiếp tục đặt ra một câu hỏi khác, rằng vì sao thị trường chứng khoán Việt Nam lại chưa có kết quả hoạt động tương xứng so với các thị trường chứng khoán trên thế giới. 

Theo bà Ái, ở góc độ ngắn hạn, có thể thấy đà tăng của các thị trường trên thế giới phần nhiều đến từ cổ phiếu liên quan đến AI, trong khi những cổ phiếu thuộc nhóm ngành khác cũng không có nhiều ấn tượng. Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam, thị trường lại có phần khá trầm lắng do không có nhiều cổ phiếu hưởng lợi từ dòng vốn “ưa chuộng AI”. 

Xét về mặt dài hạn, Đại diện của PHFM cho rằng những đợt IPO của thị trường Việt Nam còn hạn chế, và chính vì không có nhiều sản phẩm mới cho thị trường, dẫn đến khó thu hút dòng vốn mới để đầu tư. 

 

“Chúng tôi kỳ vọng nếu có nhiều cơ hội đầu tư sắp tới thì chắc chắn rằng dòng vốn sẽ quay trở lại”, bà Ái chia sẻ.  

Bên cạnh đó, Chuyên gia của PHFM cũng cho rằng có một yếu tố khác mang tính nền tảng hơn ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại, đó chính là sự bất cân đối giữa thị trường chứng khoán và cơ cấu của các ngành kinh tế của Việt Nam. 

Cụ thể, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu được hưởng lợi từ việc gia tăng xuất khẩu, đẩy mạnh sản xuất và tăng trưởng tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ngành tài chính, bất động sản, tiêu dùng chiếm hơn ¾ số lượng cổ phiếu trên thị trường. Trong khi đó, ngành sản xuất liên quan đến điện tử, công nghệ, phần mềm thì chỉ chiếm một tỉ lệ khá nhỏ.

“Sự bất cân đối đó cũng một phần khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng khi nhìn vào kinh tế vĩ mô của Việt Nam”, bà Ái nói thêm.

Có thể bạn quan tâm 

Năm 2025 sẽ là một năm bước ngoặt của thị trường chứng khoán Việt Nam

Nguồn Theo Talkshow Phố Tài chính


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới