Hủy
Tài Chính

Kịch bản lạc quan của VN-Index trong năm 2021

Minh Đức Thứ Hai | 11/01/2021 11:31

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Ở kịch bản lạc quan, năm 2021 chỉ số VN-Index có thể đạt mức 1.230 điểm.
 

Thời điểm đầu năm 2020, khi đại dịch bùng phát, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có lúc giảm điểm khá sâu, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khá nhiều nhưng sau đó đã phục hồi, phát triển bền vững và tăng trưởng ngoạn mục vào những tháng cuối năm 2020.

 

Khép lại năm COVID-19 đầy biến động, chỉ số VN-Index đạt mức tăng trưởng 14,9% so với đầu năm, tăng 67% so với thời điểm thấp nhất. Thanh khoản thị trường cổ phiếu tăng trưởng đột phá, đạt mức bình quân gần 7.400 tỉ đồng/phiên, trong đó các tháng 11, 12 lần lượt đạt mức trung bình 10.000 và 14.800 tỉ đồng/phiên, tăng hơn 2 lần so với mức bình quân năm 2019.

Làn sóng đầu tư mạnh mẽ của nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân đã đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng mạnh.

Nhà đầu tư cá nhân là động lực chính

Năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động của các làn sóng COVID-19 và đã có những khoảng thời gian điều chỉnh rất mạnh về vùng 6xx điểm. Cổ phiếu trên thị trường theo đó cũng về vùng giá hợp lý hơn và thu hút nhà đầu tư tham gia mạnh mẽ vào thị trường. Vào thời điểm tháng 4.2020, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới đạt mức cao nhất kể từ năm 2018, ghi nhận mức 36.721 tài khoản. Sau đó, làn sóng đầu tư có phần chậm lại ở những tháng 6, 7, 8, 9, nhưng vẫn duy trì ở mức cao.

Đến những tháng cuối năm 2020, số lượng tài khoản chứng khoán được mở mới tiếp tục đạt những mốc kỷ lục của lịch sử. Cụ thể, tháng 12.2020, có hơn 63.243 tài khoản giao dịch được mở mới, thiết lập kỷ lục trong lịch sử hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tại ngày 31.12 trên hệ thống của VSD đang quản lý hơn 2,73 triệu tài khoản giao dịch của nhà đầu tư trong nước, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.

Nhà đầu tư cá nhân là động lực chính trong sự tăng trưởng của VN-Index. Ảnh: MBS.
Nhà đầu tư cá nhân là động lực chính trong sự tăng trưởng của VN-Index. Ảnh: MBS.

Lũy kế cả năm 2020, đã có hơn 393.659 tài khoản của nhà đầu tư trong nước được mở mới, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân. Tuy số lượng tài khoản mở mới không hoàn toàn phản ánh số lượng nhà đầu tư mới, nhưng cũng phần nào thể hiện sức hút của thị trường chứng khoán đối với người dân Việt Nam.

Cũng trong tháng 12.2020, giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán cũng bùng nổ mạnh mẽ. Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE trong tháng 12 này cũng đạt hơn 11.000 tỉ đồng/phiên.

Giá trị giao dịch đẩy lên mức cao, trên sàn HOSE thường xuất hiện tình trạng nghẽn lệnh. Nhằm giảm tải áp lực lên hệ thống của sở, từ ngày 4.1.2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã chính thức áp dụng lô chẵn 100 cổ phiếu.

Kịch bản lạc quan của VN-Index

Trong kịch bản lạc quan thị trường chứng khoán Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, với thanh khoản cải thiện rõ rệt, nhờ sự tham gia tích cực hơn của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Với vị thế thị trường cận biên và triển vọng được nâng hạng lên thị trường mới nổi trước năm 2025, thị trường Việt Nam được đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển trên cơ sở thu hút cả dòng vốn đầu tư nội địa và nước ngoài.

 

Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo tăng trưởng EPS năm 2021 so với 2020 bình quân ở mức 16,7%. Trên cơ sở đó kịch bản cơ sở của năm 2021, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 965-1.165 điểm (tương đương mức P/E bình quân trong khoảng này 14,94 lần).

Với kịch bản lạc quan, MBS dự báo tăng trưởng EPS năm 2021 có thể đạt 19,4%. Trên cơ sở đó, kịch bản lạc quan trong năm 2021 chỉ số VN-Index có thể dao động trong khoảng 995-1.230 điểm.

Vì vậy, năm 2021, MBS cho rằng nhà đầu tư nên tập trung ưu tiên nhóm cổ phiếu đầu ngành lớn, được hưởng lợi từ đà phục hồi kinh tế và sức mua tiêu dùng trong nước, hưởng lợi từ đầu tư công, và định giá còn hấp dẫn bao gồm ngân hàng, ngành tiêu dùng, bán lẻ; ngành bất động sản; ngành thép và ngành dầu khí.

Đối với các nhóm ngành này, MBS đưa ra các cổ phiếu mà nhà đầu tư có thể theo dõi bao gồm: MBB, MWG, VNM, GTN, FPT, VHM, NLG, HDG, VRE, NTL, CTR, HPG, TCL, VTP, GAS, PVS, NT2, POW...

* Có thể bạn quan tâm 

►Thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng tiếp tục bứt phá năm 2021

►Dòng tiền dồi dào đẩy thị trường chứng khoán tăng mạnh


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới