Hủy
Tài Chính

Lãi vay đánh bay lợi nhuận

Tuệ Lâm Thứ Ba | 09/01/2024 07:30

Nhóm doanh nghiệp xây dựng cũng gặp khó khăn khi tốn hàng trăm tỉ đồng để trả lãi vay trong 9 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Quý Hòa

 
 
Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm cộng thêm chi phí lãi vay tăng mạnh đã thổi bay lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp.

Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, mặc dù đạt mức cao nhất nhiều năm trong quý II/2023, chi phí lãi vay vẫn kéo dài xu hướng đến quý III/2023 khi tiếp tục tăng thêm 0,2 điểm phần trăm so với quý trước lên 6,8%. Trong khi đó, tỉ lệ đòn bẩy đạt mức thấp kỷ lục 60,7% trong quý III, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với quý trước do các công ty đều tập trung vào trả nợ.

Điều đó cho thấy việc cắt giảm lãi suất nhiều lần kể từ tháng 3 của Ngân hàng Nhà nước cũng như việc lãi suất huy động đã trở lại mức trước COVID-19 vẫn chưa tạo ảnh hưởng tích cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Tổng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn (HOSE, HNX, UPCoM) giảm 5,5% so với cùng kỳ trong quý III/2023, ghi nhận quý giảm thứ 4 liên tiếp.

Chưa vơi gánh nặng 

Dư nợ vay tài chính lớn, chi phí lãi vay từ lâu đã là một chỉ số đáng chú ý trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản. Hiện nay Novaland có gần 59.000 tỉ đồng nợ vay tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2023 khoản nợ này đã gánh gần 530 tỉ đồng chi phí lãi vay, tương đương 2 tỉ đồng mỗi ngày. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Novaland lỗ 958 tỉ đồng sau 3 quý.

Nhóm doanh nghiệp xây dựng cũng gặp khó khăn khi tốn hàng trăm tỉ đồng để trả lãi vay trong 9 tháng đầu năm 2023. Vinaconex trong 9 tháng đã tốn 638 tỉ đồng cho chi phí này, trong khi Hòa Bình phải chi hơn 418 tỉ đồng, tăng 2 con số so với cùng kỳ năm 2022. Tương tự, doanh nghiệp lớn ngành thép Hòa Phát cũng đang chịu áp lực trả lãi vay lên đến gần 2.900 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023, cao hơn 700 tỉ đồng so với năm 2022. Bình quân mỗi tháng Hòa Phát phải trả khoảng 322 tỉ đồng tiền lãi.
Tình trạng này không chỉ xảy ra với nhóm doanh nghiệp thường xuyên sử dụng đòn bẩy như bất động sản và xây dựng, mà nhiều doanh nghiệp ngành khác cũng bị bào mòn lợi nhuận vì chịu chi phí lãi vay cao. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Nông nghiệp BAF ghi nhận chi phí tài chính tăng mạnh từ 162 triệu đồng lên 109 tỉ đồng, do chi phí lãi vay tăng hơn 15 lần. Đại gia ngành chăn nuôi Dabaco (DBC) cũng phải trả 199 tỉ đồng lãi vay, tăng 48% so với cùng kỳ.

Ngay cả những ngành đang kinh doanh thuận lợi vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí lãi vay. Kết quả kinh doanh quý III/2023 của Tập đoàn Lộc Trời khiến giới đầu tư thất vọng khi công bố con số thua lỗ kỷ lục gần 328 tỉ đồng, bất chấp nhiều kỳ vọng từ việc xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng nhờ nhu cầu tăng cao từ các nước trong khu vực và cuộc chạy đua giá gạo trên toàn cầu. Theo đó, chi phí lãi vay 9 tháng đầu năm 2023 của doanh nghiệp này lên tới 438 tỉ đồng, gấp 2,8 lần so với mức 158 tỉ đồng cùng kỳ năm 2022.

Phân tích báo cáo tài chính của Lộc Trời cho thấy các khoản vay nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng gấp đôi so với đầu năm 2023. Thêm vào đó, lãi suất các khoản vay bằng tiền đồng của doanh nghiệp này cũng dao động quanh mức 6-9,5%. Đáng chú ý, có một số khoản vay ngắn hạn có lãi suất lên đến 11-12,28%.

Yếu tố bắt buộc

Trong bối cảnh các giải pháp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đều nhắm đến tháo gỡ khó khăn dòng tiền cho doanh nghiệp giúp nền kinh tế tiếp cận được vốn vay tín dụng, mặt bằng lãi suất thấp là yếu tố bắt buộc phải được duy trì. Đà giảm lãi suất cho vay sẽ nhanh hơn lãi suất huy động do các ngân hàng quốc doanh vẫn tích cực giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn. Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm từ 1-1,5 điểm phần trăm trong năm 2024. Trong đó, các ngân hàng sẽ cân nhắc hạ lãi suất cho một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Theo đánh giá mới nhất của VNDIRECT, với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không còn đề cập khả năng tăng lãi suất điều hành và dự báo có thể cắt giảm lãi suất trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cắt giảm lãi suất chính sách 50 điểm cơ bản vào năm 2024 trong trường hợp FED cắt giảm lãi suất theo kế hoạch và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thấp hơn dự kiến. Do đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp khoảng 5%/năm đến cuối năm 2024. Kéo theo đó lãi suất cho vay tiếp tục duy trì xu hướng giảm nhờ chi phí vốn của các ngân hàng thương mại giảm nhanh trong thời gian gần đây.

Theo xu hướng lãi suất cho vay duy trì giảm, ngành bất động sản được đánh giá sẽ hưởng lợi rõ rệt nhờ lãi suất thấp có tác động tích cực đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp bất động sản nhằm triển khai các dự án mới. Với áp lực tài chính giảm bớt, các chủ đầu tư cũng có thể rút ngắn thời gian triển khai dự án và nâng cao nguồn cung cho thị trường. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mua nhà trong bối cảnh chủ đầu tư và ngân hàng tăng cường ưu đãi trong chính sách bán hàng. Theo sau là các doanh nghiệp sản xuất có thể cải thiện chi phi tài chính nhờ chi phi lãi vay hạ nhiệt và cải thiện đà tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới