Ngân hàng dẫn sóng, VN-Index tăng gần 15 điểm

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh ở phiên 30/8. Ảnh: SSI.
Khi bóng đen nợ xấu đè nặng, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã liên tục điều chỉnh giảm trong thời gian qua. Từ đầu tháng 7 đến hết phiên giao dịch 27/8, gần như toàn bộ cổ phiếu ngành ngân hàng đều giảm ghi nhận mức giảm trên 10%. Trong đó, ghi nhận mức giảm mạnh nhất so với mặt bằng chung của ngành là cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam với mức giảm hơn 27%, cổ phiếu như CTG của Ngân hàng VietinBank hay cổ phiếu EIB của Ngân hàng Eximbank cũng ghi nhận mức giảm trên 20% trong thời gian qua.
Ở phiên giao dịch 30/8, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã đồng loạt tăng mạnh trở lại. Trong đó, dẫn đầu đà tăng là cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) với mức tăng trần. Các cổ phiếu như CTG, EIB, BVB cũng đạt mức tăng 3,7% ở phiên giao dịch này, các cổ phiếu còn lại cũng đạt mức tăng hơn 1,1%.
![]() |
Độ rộng thị trường đang nghiêng về bên mua với số lượng mã tăng chiếm ưu thế. Ảnh: FireAnt. |
Vốn dĩ là một ngành có tỉ trọng vốn hóa lớn nhất trên thị trường, nên việc nhóm ngân hàng thu hút dòng tiền đã có sự tác động tích cực đến thị trường chứng khoán. Dưới sự dẫn dắt của nhiều cổ phiếu ngân hàng như CTG, VCB, TCB, BID, LPB cùng cổ phiếu đầu ngành thép HPG đã giúp VN-Index đóng cửa tăng điểm mạnh mẽ. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch 30/8, VN-Index đóng cửa tăng gần 14 điểm, lên mốc 1.328 điểm, độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên mua với 334 mã tăng và chỉ có 63 mã giảm.
Thanh khoản trên thị trường duy trì ở mức cao với giá trị giao dịch ở sàn HOSE đạt gần 21.400 tỉ đồng. Dòng tiền cũng cho thấy sự lan tỏa ở các nhóm cổ phiếu, và không còn tập trung ở các cổ phiếu trụ. Điều này đã phần nào thể hiện ở việc giá trị giao dịch của nhóm VN30 chỉ đạt hơn 8.300 tỉ đồng, tức là chưa bằng ½ tổng giá trị giao dịch ở sàn HOSE.
![]() |
Nhìn nhận về nhóm ngân hàng, mặc dù rủi ro về nợ xấu đang dần lộ rõ nhưng một điểm tích cực là trong 6 tháng đầu năm, trước khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhiều ngân hàng đưa tỉ lệ bao phủ nợ xấu đạt trên 100%, thậm chí một số ngân hàng đạt trên 200-300%. Chẳng hạn, tính đến thời điểm 30/6, tỉ lệ bao phủ nợ xấu tại Vietcombank là 352%, tức cứ 100 đồng nợ xấu thì ngân hàng này đã dự phòng tới 352 đồng. VietinBank, Agribank, BIDV cũng đã đưa tỉ lệ bao phủ nợ xấu lên lần lượt là 129%, 131% và 131%.
Ở góc độ phân tích, Công ty Chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng chất lượng tài sản của nhóm ngân hàng chưa chuyển biến xấu khi các ngân hàng vẫn được phép tái cơ cấu nợ cho nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đến hết 2021.
Thêm vào đó, công ty chứng khoán này đánh giá nhóm ngân hàng vẫn là điểm sáng về lợi nhuận trong bối cảnh dịch bệnh, lợi nhuận của ngành nhìn chung được kỳ vọng duy trì mức tăng trưởng hai con số trong năm 2021 nhờ kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm. Trong bối cảnh các ngân hàng đang bắt đầu tiến hành cắt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng trong 5 tháng cuối năm 2021 theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, Mirae Asset kỳ vọng sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các ngân hàng, trong đó nhóm ngân hàng vừa và nhỏ dự phóng có mức tăng ấn tượng hơn với điều kiện đi kèm là chất lượng tài sản tốt.
Có thể bạn quan tâm
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Văn Kim