Hủy
Tài Chính

Nhà đầu tư nên ứng phó ra sao giữa lúc dịch virus corona hoành hành?

Vũ Hạo Thứ Hai | 02/03/2020 13:34

Ảnh: Internet.

Trong bối cảnh dịch virus corona hoành hành, nhiều nhà đầu tư khó có thể giữ cái đầu lạnh và thường hành động thái quá.
 

Nỗi sợ hãi thường lây lan nhanh hơn so với chính bản thân virus. Dù một khu vực chưa xuất hiện ca nhiễm bệnh, nhưng có lẽ nỗi lo sợ đã sớm nảy mầm ở nơi đó.

“Em có nên bán ra cắt lỗ không mọi người” là câu hỏi thường thấy của một nhà đầu tư cá nhân trên diễn đàn chứng khoán trong những đợt bán tháo hoảng loạn.

Trong bối cảnh dịch virus corona hoành hành, nhiều nhà đầu tư khó có thể giữ cái đầu lạnh và thường hành động thái quá. Thật vậy, lo sợ về sự lây lan của dịch bệnh chính là nguyên nhân dẫn đến làn sóng bán tháo của cả nhà đầu tư nội, ngoại trong ngày thứ Sáu (28/02), trong phiên có lúc chỉ số VN-Index về mốc 872 điểm.

Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, ông Lawrence Gostin, Giám đốc của Viện Luật Y tế Quốc gia và Toàn cầu O’Neill thuộc Đại học Georgetown, đánh giá: “Chúng ta thường đi từ tự mãn sang hoảng loạn và làm những thứ thái quá và không dựa trên bằng chứng có thật, từ đó gây tác động khổng lồ lên nền kinh tế”.

Và trong một tình huống không biết chính xác về dịch bệnh, chúng ta thường giả định kịch bản tệ nhất sẽ xảy ra.

Nhà đầu tư nên ứng phó ra sao?

Phần lớn các chuyên gia đều cho rằng nhà đầu tư nên duy trì tâm lý thận trọng và chờ đến khi có số liệu thực tế về tác động của virus corona.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới tại Mirae Asset Việt Nam, nhận định: “Hệ quả thật sự của dịch bệnh này sẽ đến khi có những kết quả sơ bộ trả về trong cuối tháng 2 này. Vì vậy tôi nghiêng về lựa chọn phòng thủ tại thời điểm này vì cẩn trọng với hiệu ứng vết dầu loang. Hãy chờ đợi mọi thứ rõ ràng hơn như tín hiệu tạo đỉnh dịch ở các nước lớn còn lại như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu hay lượng hoá các thiệt hại vào nền kinh tế toàn cầu và từng nhóm ngành. Lúc đó bức tranh định giá sẽ rõ ràng hơn và chiến lược đầu tư cũng sẽ được cụ thể hoá”.

Tương tự, – cho rằng: "Nhà đầu tư nên quan sát tình hình diễn biến của dịch, khả năng kiểm soát của các quốc gia đang có dịch và tin tức về các loại thuốc điều trị hay vắc xin phòng chốngdịch. Thứ hai, trong trường hợp chưa có dấu hiệu khởi sắc từ việc phòng chống dịch covid-19,nhà đầu tư nên chờ đợi số liệu từ Tổng cục thống kê trong quý 1 và kết quả kinh doanh quý 1/2020 của các doanh nghiệp niêm yết để thấy rõ hơn tác động của dịch đối với hoạt động kinh doanh".

Đầu tư gì giữa thời virus corona?

Lịch sử cho thấy dịch bệnh nào cũng sẽ qua và nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại và mạnh mẽ hơn trước, đúng như câu nói “sau cơn mưa trời lại sáng”. Do đó, việc tìm kiếm cơ hội đầu tư khi thị trường giảm mạnh vì dịch bệnh có thể được tưởng thưởng xứng đáng trong tương lai.

Ông Trần Xuân Bách, Chuyên viên Phân tích và Chiến lược Thị trường của CTCK Bảo Việt (BVS), nhận định: “Trong ngắn hạn, sự sụt giảm mạnh của thị trường lại đang mở ra các cơ hội đầu tư khi mặt bằng giá nhiều nhóm cổ phiếu đang giảm về các vùng giá tương đối hấp dẫn về mặt định giá”.

Tại một hội thảo chứng khoán gần đây, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới tại Mirae Asset Việt Nam, cho rằng cơ hội đầu tư xuất hiện tại những ngành, những doanh nghiệp có triển vọng phục hồi. Theo đó, ông nhận định ở những giai đoạn khó khăn như thế này, Chính phủ thường sử dụng tới công cụ chính sách tài khóa để đầu tư vào những ngành cần vốn lớn, cần năng lực điều tiết của Chính phủ và thường những ngành được đầu tư nhiều nhất là cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến ngành du lịch. Khi khách du lịch đến Trung Quốc giảm mạnh và Việt Nam kiểm soát dịch khá tốt, Việt Nam có thể nhân cơ hội này để trở thành trung tâm du lịch ở Đông Nam Á.

Và trong bối cảnh tình trạng sản xuất tại Trung Quốc ngưng trệ vì dịch virus corona, Việt Nam sẽ là địa điểm đến tin cậy của các dòng vốn tìm kiếm nơi sản xuất thay thế. Ngành được hưởng lợi sẽ là bất động sản khu công nghiệp và bất động văn phòng cho thuê.

Ông Bách cho rằng: “Các nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt có thể xem xét thực hiện giải ngân mang tính dò đáy với tỷ trọng hợp lý khi VN-Index giảm về vùng hỗ trợ 850-870 điểm, tập trung vào các nhóm ngành như ngân hàng, công nghệ thông tin, điện…”.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới