Hủy
Tài Chính

Những yếu tố nào đang tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam?

Nhật Anh Chủ Nhật | 15/09/2024 20:17

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

 
 
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam chịu sự tác động đan xen của yếu tố tích cực và tiêu cực.

Thị trường ghi nhận những tín hiệu tích cực từ các yếu tố vĩ mô nội địa, cùng sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ quốc tế. Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro từ địa chính trị và suy thoái kinh tế vẫn tiềm ẩn, đòi hỏi nhà đầu tư phải thận trọng đánh giá và dự báo.

Trong báo cáo được công bố mới đây, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, công nghiệp, đầu tư và tiêu dùng trong nước hồi phục. Trong ngắn hạn, giai đoạn tháng 9 sẽ là thời điểm bức tranh kết quả kinh doanh quý III dần lộ rõ, qua đó thị trường sẽ thiết lập những kỳ vọng mới. 

Nhìn chung, các số liệu tăng trưởng vĩ mô trong tháng 8/2024 và quý II/2024 vẫn cho thấy sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô với các chỉ tiêu cho tín hiệu khả quan như tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất khẩu, chỉ số IIP, PMI, thu hút vốn FDI… Nền tảng vĩ mô vững chắc cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho xu hướng thị trường. 

 

Cùng với đó, nhiều khả năng FED sẽ có lần hạ lãi suất đầu tiên trong tháng 9. Tỉ giá USD/VND và chỉ số DXY cũng đã hạ nhiệt đáng kể trước kỳ vọng này. KBSV đánh giá đây sẽ là yếu tố hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc duy trì chính sách nới lỏng để hỗ trợ phát triển kinh tế và qua đó thúc đẩy đà tăng của thị trường chứng khoán. Ngoài ra, việc FED hạ lãi suất còn tác động tích cực đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường.

Tuy có nhiều yếu tố tích cực nhưng vẫn còn đó nhiều rủi ro có thể tác động tiêu cực đến xu hướng thị trường. 

Đầu tiên là tình hình xung đột tại khu vực Trung Đông và nhiều khu vực trên thế giới có xu hướng theo thang. KBSV đánh giá trong ngắn hạn, điều này có thể tác động tiêu cực tới nguồn cung dầu và giá cước vận tải, tăng nguy cơ lạm phát quay trở lại. Nếu xung đột lan rộng có thể ảnh hưởng đến tình hình địa chính trị trong khu vực và tác động xấu đối với các hoạt động kinh tế. 

 

Trên bình diện quốc tế, rủi ro suy thoái từ thị trường Mỹ vẫn còn đó khi thị trường lao động hạ nhiệt và dữ liệu kinh tế cho thấy dấu hiệu chậm lại. Nhu cầu tiêu thụ sụt giảm tại thị trường Trung Quốc ảnh hưởng đến giá hàng hoá và hoạt động xuất khẩu.

“Đánh giá về tác động của các yếu tố rủi ro này đến thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng tôi cho rằng yếu tố về địa chính trị hiện không có nhiều cơ sở để dự báo. Trong khi vấn đề suy thoái tại Mỹ mới chỉ dừng lại ở mức lo ngại, bởi số liệu hiện tại chưa cho thấy nhiều rủi ro với bối cảnh FED nhiều khả năng sẽ hạ lãi suất trong tháng 9. Nhu cầu sụt giảm tại thị trường Trung Quốc đã và đang phản ánh vào giá hàng hoá, ảnh hưởng ít nhiều đến tình hình xuất nhập khẩu của một vài mặt hàng. Điều này đã được phản ánh phần nào trong kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu của các doanh nghiệp chịu tác động. Nhu cầu chậm lại tại Trung Quốc đã diễn ra được một thời gian và tín hiệu trở lại của nhu cầu sẽ là yếu tố thay đổi giúp cải thiện kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này”, KBSV nhận định. 

Trên phương diện phân tích kỹ thuật, KBSV cho rằng xu hướng chủ đạo trong ngắn hạn của chỉ số vẫn là tăng điểm trong tháng 9. KBSV nghiêng về kịch bản (70% xác suất), VN-Index sẽ hồi phục trở lại tại vùng hỗ trợ quanh 1.260 (+-5), và có cơ hội vượt vùng đỉnh ngắn hạn 1.30x, trước khi gặp áp lực điều chỉnh rõ nét hơn tại vùng cản trung hạn quanh 1.330 (+-15). Trong kịch bản còn lại (30% xác suất) chỉ số có thể điều chỉnh sâu hơn, xuống vùng hỗ trợ kế tiếp tại 1.23x rồi mới xuất hiện nhịp hồi phục. 

Có thể bạn quan tâm 

Thị trường chứng khoán: Sức hút từ định giá


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới