Hủy
Tài Chính

Tiền tỉ phú dò đáy VN-Index

Vũ Hoài Thứ Ba | 05/07/2022 07:30

Ảnh: Quý Hòa.

Thị trường chứng khoán biến động đã khiến giá trị tài sản ròng của các tỉ phú USD Việt Nam bốc hơi 1,1 tỉ USD trong tháng 6.
 

Thị trường chứng khoán biến động đã khiến giá trị tài sản ròng của các tỉ phú USD Việt Nam bốc hơi 1,1 tỉ USD trong tháng 6.

Trong tháng 6/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có nhiều biến động, chỉ số VN-Index nhiều lần giảm sâu, xuống dưới mức 1.200 điểm. Lũy kế từ đầu tháng 6 hết phiên giao dịch 29/6, VN-Index đã giảm hơn 74 điểm. 

Sự sụt giảm của thị trường cũng làm giảm đáng kể giá trị tài sản ròng của các tỉ phú. Theo số liệu của Forbes tại ngày 29/6, tổng giá trị tài sản ròng của 7 tỉ phú giàu nhất Việt Nam đạt 18,4 tỉ USD, giảm 1,1 tỉ USD so với hồi đầu tháng 6/2022. Trong đó, 5/7 tỉ phú đều ghi nhận sự sụt giảm về tài sản trong tháng 6 này. 

 

Dẫn đầu là tỉ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vingroup với mức giảm 500 triệu USD  về giá trị tài sản ròng trong tháng 6. Tỉ phú này đang là người đàn ông giàu nhất Việt Nam và cũng là nhân vật kỳ cựu của Việt Nam trong danh sách những tỉ phú giàu nhất thế giới do Forbes thống kê. Trong tháng 6, cổ phiếu VIC của Vingroup cũng không đứng ngoài vòng xoáy của thị trường với mức giảm 6,9%. Thị giá của cổ phiếu VIC đang tương đương với vùng giá hồi tháng 7/2020. 

Tỉ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG), cũng chứng kiến giá trị tài sản ròng bốc hơi đáng kể, kéo theo sự tụt hạng trong “bảng vàng” của Forbes. 2020-2021 được xem là giai đoạn hoàng kim của HPG khi cổ phiếu liên tục bứt phá, kéo theo sự tăng vọt về giá trị tài sản của ông Long. Từ đầu tháng 4/2021, ông Long đã lọt vào Top 2 những tỉ phú giàu nhất Việt Nam, chỉ đứng sau tỉ phú Phạm Nhật Vượng. 

 

Tuy nhiên, kể từ nửa cuối năm 2021, đà tăng của cổ phiếu HPG bắt đầu chững lại và phần lớn thiên về chiều hướng giảm. Kết quả là giá trị tài sản ròng của ông Trần Đình Long đã giảm 300 triệu USD lũy kế từ đầu tháng 6 đến hết phiên 29/6, trong bối cảnh HPG giảm 13,4%, mạnh nhất trong số những cổ phiếu của các tỉ phú. 

Ở mức độ ảnh hưởng ít hơn là trường hợp của tỉ phú Bùi Thành Nhơn, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air và ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Techcombank với mức sụt giảm 100 triệu USD trong tháng 6. Ngược lại, giá trị tài sản ròng của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang và tỉ phú Trần Bá Dương được bảo toàn trong cơn sóng điều chỉnh của thị trường chứng khoán tháng 6 vừa qua. 

Ảnh: Quý Hòa
Ảnh: Quý Hòa.

Theo báo cáo Wealth Report của Knight Frank được công bố hồi tháng 3/2022, số người siêu giàu tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 26% từ nay đến năm 2026. Bà Victoria Garrett, Trưởng Bộ phận Bất động sản nhà ở của Knight Frank châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: “Bất chấp tốc độ tăng trưởng chậm trong năm 2021, châu Á - Thái Bình Dương vẫn giữ vững vị thế là một trong những trung tâm tài sản thịnh vượng hàng đầu thế giới. Xu hướng này tiếp tục thể hiện trên quỹ đạo phát triển của khu vực, được minh chứng bằng dự báo tăng trưởng dân số giàu và siêu giàu trong giai đoạn 2021-2026. Số lượng tỉ phú ở khu vực này cũng được dự đoán sẽ tăng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu trong cùng giai đoạn”.

Ông Alex Crane, Giám đốc Điều hành Knight Frank Việt Nam, nhận định “Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành một trong những tiêu điểm của báo cáo này trong những năm tới dựa trên nền tảng kinh tế cũng như vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Chúng tôi đã và đang chứng kiến giá bán căn hộ cao cấp vượt mức 10.000 USD/m2 trong năm nay do nhu cầu trong nước tăng cao cũng như ước tính dân số siêu giàu Việt Nam tăng 26% trong giai đoạn 2021-2026 ngang ngửa với Hồng Kông và Đài Loan. Do đó, chúng tôi hoàn toàn có thể thấy tiềm năng tăng trưởng vượt bậc trong tương lai”.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới