Tiêu dùng hồi phục, cổ phiếu nào sẽ "hút tiền"?
Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.
Động lực từ tiêu dùng
Ngành dịch vụ hiện đóng góp tỉ trọng lớn nhất vào GDP Việt Nam, chiếm tới 41,6% GDP danh nghĩa trong năm 2019. Tuy nhiên, đây là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect, ngành dịch vụ chỉ ghi nhận tăng trưởng 2,5% so với cùng kỳ trong năm 2020 so với con số 7,3% ghi nhận trong năm 2019. Tuy nhiên, VNDirect tin rằng ngành dịch vụ sẽ phục hồi mạnh mẽ trở lại và ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2021, chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phục hồi của tiêu dùng nội địa.
Cụ thể, VNDirect kỳ vọng tiêu dùng sẽ phục hồi về lại mức trước đại dịch với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 8,5-9% so với cùng kỳ trong năm 2021.
Sự kỳ vọng của VNDirect dựa trên tăng trưởng thu nhập người dân cao hơn trong năm 2021 nhờ cải thiện tăng trưởng GDP danh nghĩa và áp lực lạm phát thấp. Thêm vào đó là niềm tin của người tiêu dùng cao có thể thúc đẩy sự phục hồi chi tiêu sau khi kinh tế tăng trưởng trở lại.
Đồng thời, VNDirect cho rằng ngành du lịch quay lại đà tăng trưởng sau khi các đường bay quốc tế được cấp phép khai thác với mục đích thương mại kể từ quý II/2021, từ đó dẫn tới sự phục hồi của các mảng du lịch, lưu trú và dịch vụ ăn uống, dân số trẻ chiếm tỉ trọng lớn với hiểu biết tốt hơn về công nghệ. Và cuối cùng là đô thị hóa gia tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng ở các trung tâm đô thị lớn.
Do đó, VNDirect đưa ra dự báo ngành dịch vụ sẽ tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ trong năm 2021.
Xuất khẩu tích cực nhờ Trung Quốc
Theo VNDirect, triển vọng ngành xuất khẩu của Việt Nam sẽ tích cực hơn trong năm 2021 nhờ thương mại toàn cầu phục hồi. Theo IMF, nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ đạt tăng trưởng 5,2% so với cùng kỳ trong năm 2021. Nền kinh tế Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, được dự báo sẽ tăng 8,2% so với cùng kỳ trong năm 2021, chủ yếu nhờ thúc đẩy đầu tư công và nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng trở lại.
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc sẽ dần tăng tốc trong năm 2021. Bên cạnh đó, sự mạnh lên của đồng nhân dân tệ (Rmb) sẽ có tác động lớn đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. VNDirect dự báo đồng Rmb sẽ tiếp tục tăng 2-3% so với đồng USD trong năm 2021, trong khi đồng Việt Nam sẽ tăng thấp hơn.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Ảnh: VNDirect. |
Do đó, VNDirect cho rằng các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ duy trì được sức cạnh tranh so với các mặt hàng xuất khẩu Trung Quốc trong năm 2021. Bên cạnh đó, dựa vào lợi thế địa lý gần Trung Quốc, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2021, đặc biệt là các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản, thép và sản phẩm điện tử.
Cổ phiếu nào hút tiền?
VNDirect cho biết họ lạc quan về triển vọng xuất khẩu thép và thủy hải sản trong năm 2021, chủ yếu nhờ nhu cầu tại thị trường Trung Quốc ngày càng gia tăng. VNDirect đồng thời cho rằng các ngành bán lẻ và thực phẩm đồ uống (F&B) cũng sẽ hưởng lợi từ triển vọng tiêu dùng tích cực.
Công ty chứng khoán này đặt kỳ vọng ngành F&B của Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững trong năm 2021 nhờ thu nhập của người dân cao hơn và tỉ lệ đô thị hóa ngày càng gia tăng. Đồng thời, VNDirect cũng kỳ vọng vào triển vọng tăng trưởng của các nhà bán lẻ trong năm 2021 nhờ phục hồi nhu cầu tiêu dùng nội địa, kết hợp cùng dân số trẻ và việc thay đổi về lối sống của người tiêu dùng khi có xu hướng lựa chọn các kênh bán lẻ hiện đại hơn so với các kênh bán lẻ truyền thống.
Trong bối cảnh này, 3 cổ phiếu MWG, VRE và VHC là 3 cổ phiếu được đánh giá tích cực khi triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng, được thúc đẩy bởi sự gia tăng nhu cầu từ thị trường bên ngoài và tiêu dùng nội địa phục hồi.
* Có thể bạn quan tâm
►Thị trường chứng khoán: Lời khuyên cho người cầm “cổ” và cầm “tiền”
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư