Hủy
Tài Chính

Tìm lực đẩy cho quý II

Minh Đức Thứ Hai | 08/05/2023 07:00

GDP quý I tăng 3,3% so với cùng kỳ, mức tăng quý I thấp thứ 2 kể từ năm 2011. Ảnh: Quý Hoà.

Tình hình kinh doanh sa sút trong quý đầu năm khiến doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào quý II lạc quan hơn.
 

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I cho thấy một bức tranh không mấy lạc quan của nhiều doanh nghiệp. Theo báo cáo của FiinGroup, lợi nhuận sau thuế của 10/27 ngân hàng đại diện 70,6% vốn hóa ngành ngân hàng ước tăng 13,9% so với cùng kỳ. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế của 79 doanh nghiệp chiếm 22% vốn hóa nhóm phi tài chính giảm mạnh 31,2% so với cùng kỳ.

 

Với khối doanh nghiệp, tính đến ngày 17/4, 79 doanh nghiệp đã có ước tính kết quả kinh doanh với tổng lợi nhuận sau thuế giảm 31,2% so với cùng kỳ trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều bất lợi, xuất khẩu kém đi do rủi ro suy thoái ở các thị trường lớn và cầu trong nước suy yếu. Trong đó, có 54 doanh nghiệp báo lỗ hoặc ước tính lợi nhuận sụt giảm, chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc những ngành có nền tăng trưởng cao trong quý I/2022 như phân bón (DPM, DCM), hóa chất (DGC), bán lẻ (DGW, FRT)... Thậm chí, dù đã khả quan hơn nhưng Tập đoàn Hòa Phát có doanh thu quý I đạt 26.865 tỉ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 383 tỉ đồng, giảm tới 95% và chỉ mới đạt 5% so với kế hoạch năm.

Tình hình trên phản ánh bức tranh chung không mấy tích cực của nền kinh tế trong quý I. Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý I tăng 3,3% so với cùng kỳ, mức tăng quý I thấp thứ 2 kể từ năm 2011. Tăng trưởng kinh tế chậm lại do nhu cầu bên ngoài suy yếu tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. “Tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay chậm lại một phần là do nhu cầu đối với các sản phẩm Made in Vietnam của người tiêu dùng Mỹ giảm”, ông Michael Kokalari, CFA,  Kinh tế trưởng VinaCapital, nhận định.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những thách thức do đơn hàng sản xuất và xuất khẩu giảm, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt và thị trường bất động sản trong nước suy thoái, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 xuống 5,5% so với dự báo trước đó là 6,2%.

Thực tế, trong quý đầu năm, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, thương mại công bố kết quả kinh doanh giảm sâu do nhu cầu tiêu thụ lao dốc, kéo lùi doanh số bán hàng. Chẳng hạn, doanh thu từ chuỗi Thế Giới Di Động trong quý I đạt hơn 6.639 tỉ đồng, giảm mạnh so với mức 10.137 tỉ đồng của quý I/2022. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, phụ trách chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, cho biết thị trường điện thoại, điện máy ở trong nước và thế giới đều đang khó khăn và tình hình kinh doanh trong vài quý tới sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, nhu cầu mua sắm sẽ tăng lên, thị trường có thể khôi phục ở nửa cuối năm 2023.

 

Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích của VNDirect, lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 2-3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2022 là 30%. Tuy nhiên, với điều kiện lãi suất thấp và môi trường kinh doanh cải thiện hơn, khả năng doanh nghiệp sẽ lấy lại tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn so với quý đầu năm, từ quý II/2023.

Cùng với các chính sách mở rộng tài khóa cũng như nới lỏng tiền tệ được triển khai gần đây, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn từ quý II trở đi, do đó hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể được cải thiện. Xu hướng lãi suất đang giảm trở lại cũng sẽ tác động tích cực lên sức tiêu thụ sản phẩm cũng như giúp giảm bớt chi phí tài chính. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát sẽ giảm trong quý II nhờ 2 yếu tố: (1) CPI nhóm lương thực và thực phẩm giảm và (2) áp lực nhập khẩu lạm phát giảm nhờ giá hàng hóa thế giới giảm và tỉ giá hối đoái ổn định.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, nhìn nhận dù còn khó khăn nhưng doanh nghiệp đã có thêm đơn hàng. Nếu quý I lượng đơn hàng giảm 30-40% so với cùng kỳ, sang quý II đã cải thiện hơn khi chỉ giảm khoảng 20%, một số ít doanh nghiệp có đơn hàng bằng khoảng 90% so với năm trước. 

“Sau thời gian dài cắt giảm chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thời trang như dệt may, da giày tại nhiều quốc gia đang từng bước có dấu hiệu phục hồi”, ông Hồng cho biết. Bà Lệ Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cũng nhận định xuất khẩu thủy sản có thể hồi phục dần từ quý II, sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và EU thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam.

“Chúng tôi tin rằng các nhà hoạch định chính sách có thể khắc phục tình trạng tăng trưởng chậm và kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023 mặc dù sẽ khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay”, ông Michael Kokalari dự báo.

Có thể bạn quan tâm:

Chiến lược giao dịch chứng khoán ở phiên cuối tuần


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới