Hủy
Tài Chính

Tín dụng tăng nhẹ trong tháng 4

Huy Võ Thứ Tư | 06/05/2020 17:25

Dư nợ tín dụng tiếp tục tăng chậm. Nguồn: Quý Hòa

 
 
Theo số liệu cập nhật tính đến ngày 28.4, tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm 2019.

Sáng ngày 5.5, tại Hà Nội đã diễn ra phiên họp thường kỳ của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm. Trong cuộc họp, Thống đốc Lê Minh Hưng báo cáo Chính phủ về vấn đề kiểm soát lạm phát, điều hành chính sách tiền tệ và an sinh xã hội thời gian qua.

Về tín dụng, theo số liệu cập nhật tính đến ngày 28.4 tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm 2019, chỉ tăng nhẹ so với con số 1,3% hồi cuối tháng 3. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến trong khoảng 11-14%.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đã triển khai cho trên 170.000 khách hàng với tổng dư nợ xấp xỉ 130.000 tỉ đồng, đã miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14.000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ 29.000 tỉ đồng. Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho khoảng 318.000 khách hàng với dư nợ trên 980.000 tỉ đồng (mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5-2%, thậm chí có một số tổ chức tín dụng đã hạ lãi suất từ 2,5-4%), cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch từ 1-2% cho khoảng 150.000 khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế kể từ ngày 23.1, trên 500.000 tỉ đồng.

 

Điều này cho thấy hệ thống ngân hàng đã vào cuộc rất trách nhiệm, nỗ lực lớn của hệ thống tổ chức tín dụng trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế và các ngành sản xuất.

Trên thực tế, trong những ngày qua, nhiều ngân hàng đã có những chính sách, chương trình giảm thêm lãi vay để kích cầu tín dụng. Bốn ngân hàng có vốn nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) giảm từ 1,5-2%/năm, với hàng chục ngàn tỉ đồng tín dụng ưu đãi.

Ngân hàng HDBank tung thêm gói 10.000 tỉ đồng, lãi vay giảm 2-4%/năm cho cá nhân và doanh nghiệp nhỏ; Nam Á Bank giảm thêm 2-2,5%/năm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch...

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020, một số ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng tốt, cao hơn 10% so với cùng kỳ chỉ có VPBank, KienLongBank. Ngoài ra, tăng trưởng ở mức 4-5% thì có TPBank, Nam Á Bank. Đa số các ngân hàng khác đều dưới mức này.

Ngân hàng Chính sách Xã hội đã cơ cấu lại nợ, cho vay mới đối với các khách hàng đối tượng chính sách với dự nợ 3.281 tỉ đồng cho khoảng 125.000 khách hàng. Ngân hàng Chính sách Xã hội đang khẩn trương thực hiện các quy trình để giảm lãi suất cho vay các đối tượng chính sách.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hy vọng tới đây, ngày 9.5, Thủ tướng sẽ tổ chức Hội nghị trực tiếp đối thoại với các doanh nghiệp thì các bộ, ngành cũng như ngành ngân hàng sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp để tháo gỡ các vấn đề theo kiến nghị của các Hiệp hội, các doanh nghiệp.

Từ đó, cùng với Chính phủ, các bộ, ngành và toàn bộ ngành kinh tế có những giải pháp quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, nhanh hơn trong thời gian tới, để thực hiện được những mục tiêu như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng trong việc chống dịch, cũng như đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội.

Nguồn Ngân hàng Nhà nước


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới