Hủy
Thế giới

Bài học từ sự đổ vỡ (2): Khi các nhà lập pháp "ngủ gật"

Thứ Ba | 17/09/2013 09:02

Thất bại về tài chính là tâm điểm của sự đổ vỡ. Nhưng ngân hàng không phải là đối tượng duy nhất để đổ lỗi mà ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý cũng phải chịu trách nhiệm.
 

Sai lầm của các cơ quan quản lý là việc không giữ được sự cân bằng của nền kinh tế và không thực hiện giám sát các tổ chức tài chính một cách hợp lý.

Nhưng lỗi lầm lớn nhất của các nhà quản lý là để cho Lehman Brothers phá sản, bởi sự việc này đã làm cho những hoảng loạn trong thị trường được nhân lên gấp bội. Và đột nhiên, không ai còn tin tưởng bất cứ ai, vì thế không ai muốn cho vay. Các công ty phi tài chính, không thể dựa vào khả năng vay mượn để trả tiền cho nhà cung cấp hoặc người lao động, họ đành phải đóng băng chi tiêu để tích trữ tiền mặt, gây ra một cơn chấn động trong nền kinh tế thực. Trớ trêu thay, quyết định cho phép Lehman phá sản đã dẫn đến việc phải gia tăng sự can thiệp của chính phủ. Để ngăn chặn khủng hoảng lan rộng, cơ quan quản lý đã phải giải cứu nhiều công ty khác.

Nhưng từ lâu, các nhà quản lý đã phạm phải sai lầm chứ không phải đợi đến khi Lehman phá sản, đáng chú ý nhất là sự mất cân bằng tài khoản vãng lai toàn cầu và bong bóng nhà đất mà họ đã góp phần thổi phồng lên.

Ngân hàng trung ương từ lâu đã bày tỏ lo ngại về tình trạng thâm hụt ngân sách lớn của Mỹ và các dòng vốn bù đắp từ việc tiết kiệm dư thừa của châu Á. Ben Bernanke đã nhấn mạnh rằng, thị trường lâm vào tình trạng tiết kiệm dư thừa trong đầu năm 2005, một năm trước khi ông chính thức nhậm chức Chủ tịch Fed từ người tiên nhiệm Alan Greenspan. Nhưng sự tập trung vào các dòng vốn ròng từ châu Á đã để lại một “điểm mù” cho các dòng vốn tổng lớn hơn nhiều từ các ngân hàng châu Âu. Họ mua rất nhiều chứng khoán của Mỹ và cũng chi trả phần lớn bằng cách vay mượn từ chính các quỹ trên thị trường tiền tệ của Mỹ.

Nói cách khác, mặc dù châu Âu tuyên bố là nạn nhân vô tội của trường phái Anglo-Saxon, nhưng các ngân hàng của họ đã chìm sâu vào vấn đề này. Sự ra đời của đồng euro đã thúc đẩy sự mở rộng đặc biệt của ngành tài chính cả trong khu vực đồng tiền chung châu Âu lẫn các trung tâm ngành ngân hàng lân cận như London và Thụy Sĩ. Nghiên cứu gần đây của Hyun Song Shin, một nhà kinh tế tại Đại học Princeton, đã tập trung vào vai trò của châu Âu trong kích động cuộc khủng hoảng. Ông đưa ra kết luận, không phải do tiết kiệm dư thừa mà lỗi lầm chính do các ngân hàng toàn cầu.

Hơn nữa, châu Âu cũng gặp phải sự mất cân bằng trong nội bộ, được đánh giá là nghiêm trọng không kém gì tình trạng của Mỹ và Trung Quốc. Các nền kinh tế Nam Âu phải chịu trách nhiệm lớn trong việc khiến cho thâm hụt tài khoản vãng lai của khu vực eurozone tăng cao trong thập kỷ đầu tiên của trong khi thặng dư, bất chấp sự bù đắp từ các nước Bắc Âu. Sự mất cân đối bởi dòng vốn tín dụng từ chính khu vực eurozone đã chảy vào thị trường nhà đất đang rất nóng của các nước như Tây Ban Nha và Ireland.

Cuộc khủng hoảng đồng euro trong hoàn cảnh này là một sự tiếp nối của cuộc khủng hoảng tài chính trước đó, khi thị trường đã xoáy vào những điểm yếu của các ngân hàng châu Âu khi phải gánh thêm các khoản nợ xấu sau khi bất động sản vỡ nợ.

Ngân hàng trung ương đáng lẽ có thể làm nhiều hơn để giải quyết tất cả điều này. Fed đã không cố gắng để ngăn chặn bong bóng nhà đất. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã không làm gì để hạn chế tăng tín dụng và nhầm tưởng rằng, sự mất cân bằng tài khoản vãng lai không quan trọng trong một liên minh tiền tệ. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã đánh mất vai trò kiểm soát và giám sát ngân hàng khi trở nên độc lập vào năm 1997. Họ đã lấy một cái nhìn hạn hẹp và sai lầm về trách nhiệm của mình để duy trì sự ổn định tài chính.

Ngân hàng trung ương nhấn mạnh rằng rất khó khăn để làm dịu bớt sự bùng nổ nhà ở và tín dụng thông qua điều hành gia tăng lãi suất. Có lẽ vậy, nhưng họ còn có công cụ quản lý khác, chẳng hạn như giảm tỷ lệ cho vay đến giá trị tối đa cho vay thế chấp, hoặc đòi hỏi các ngân hàng phải trích lập thêm vốn.

Tỷ lệ vốn lỏng lẻo chính là sự thiếu sót lớn nhất. Kể từ năm 1988, một ủy ban của ngân hàng trung ương và các cơ quan giám sát họp tại Basel đã đàm phán về các quy tắc quốc tế cho số vốn tối thiểu mà các ngân hàng vốn phải có liên quan đến tài sản của họ. Nhưng những quy định này đã không đủ chặt chẽ.

Dưới áp lực tăng lợi nhuận từ các cổ đông, ngân hàng đã hoạt động với vốn chủ sở hữu tối thiểu, điều này khiến cho ngân hàng dễ bị tổn thương hơn. Từ giữa những năm 1990, ngân hàng đã được cho phép sử dụng mô hình nội bộ để đánh giá rủi ro, dẫn đến việc tự thiết lập yêu cầu về vốn và cho phép bảng cân đối kế toán phồng lên mà không có một sự gia tăng tương xứng về vốn.

Ủy ban Basel cũng không thực hiện bất kì quy tắc nào liên quan đến việc một phần tài sản của ngân hàng phải bằng tiền mặt. Ủy ban cũng thất bại trong việc thiết lập một cơ chế cho phép một ngân hàng quốc tế lớn sụp đổ mà không gây ảnh hưởng đến phần còn lại của hệ thống.

Tuy nhiên không chỉ tìm thấy những đánh giá thiếu chính xác tại các cơ quan quản lý và các ngân hàng, cơ quan xếp hạng tín dụng cũng “đồng lõa” trong việc đánh giá quá cao các sản phẩm phái sinh vốn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.

Giai đoạn ổn định lâu dài của giá cả và nền kinh tế đã khuyến khích những hành vi chấp nhận nhiều rủi ro. Kết cục đổ vỡ là điều thường xuyên xảy ra trong lịch sử của các cuộc khủng hoảng và những người tiêu dùng bình thường cũng tham gia vào tập thể những con người ảo tưởng về sự thịnh vượng lâu dài, có thể được xây dựng trên những khoản nợ lớn chưa từng có.

Nguồn The Economist/Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới