Hủy
Thế giới

Các ngân hàng lớn trên thế giới sa thải 160.000 lao động từ 2011 tới nay

Thứ Sáu | 16/11/2012 21:03

Tái cơ cấu và những yêu cầu chặt chẽ hơn từ các nhà quản lý là lý do khiến nhân sự ngân hàng ra đi hàng loạt.
 

Theo một bản báo cáo phân tích của Reuters, từ đầu năm 2011 cho đến nay các ngân hàng lớn trên thế giới, từ Mỹ sang châu Âu và tới châu Á, đã cắt giảm khoảng 160.000 việc làm. Khu vực được coi là quan trọng tại các nền kinh tế đang tái cơ cấu và lượng người ra đi nhiều gấp đôi số người tới.

Sa thải nhiều nhất trong số này phải kể tới ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ là UBS khi năm 2012 họ quyết định đóng cửa chi nhánh ngân hàng đầu tư khiến 10.000 người gia nhập đội quân thất nghiệp. Trước đó, trong năm 2011, UBS đã lên kế hoạch cắt giảm 3500 nhân sự.

Bản báo cáo cũng cho biết trong số 29 ngân hàng lớn, các ngân hàng tại châu Âu sa thải nhiều nhân viên hơn so với hệ thống ngân hàng châu Á và Mỹ.

Con số 160.000 người mới thất nghiệp từ khu vực ngân hàng vẫn chưa đủ do các ngân hàng nhỏ hơn không được khảo sát cũng như một số ngân hàng không cung cấp số liệu.

Số liệu trên cũng không bao gồm đợt cắt giảm tới 6000 nhân sự của Commerzbank của Đức vì ngân hàng này không khẳng định thông tin trên.

Chính phủ thất thu

Thường thì những nhân viên ngân hàng có lương cao so với mặt bằng chung và nhiều người thất nghiệp sẽ khiến số thu thuế tại các quốc gia giảm sút.

Đơn cử như trường hợp của Anh, nơi hệ thống tài chính chiếm tới 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Năm nay, số thu thuế từ khu vực tài chính - ngân hàng của Anh theo ước tính sẽ giảm xuống chỉ còn 40 tỷ bảng Anh (63 tỷ USD) so với con số 70 tỷ bảng Anh (hơn 110 tỷ USD) thời điểm 2007/2008, theo nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR).

Với yêu cầu chặt chẽ hơn về vốn và kiểm soát rủi ro, các doanh nghiệp có lẽ sẽ phải thu hẹp hoạt động của nhánh đầu tư, thậm chí có nơi phải đóng cửa như UBS.


Kiếm việc

Khi hệ thống ngân hàng co hẹp lại, những người phải ra đi sẽ càng khó tìm việc hơn. Các quỹ đầu tư hay quỹ tương hỗ đều cần những người có chuyên môn rất cao.

Ngay cả những giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A), nơi có thể được coi là điểm đến của những người không trụ được trong hệ thống ngân hàng, cũng đang bó hẹp khi chi phí hoa hồng cho các thương vụ M&A đã giảm 21% xuống gần 14 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, theo Thomson Reuters.

Những nhân viên cấp cao còn khó tìm việc hơn nữa vì họ khó có thể chấp nhận những công việc nhỏ nhặt mà những công việc lương cao thì cạnh tranh rất khó khăn. Chính vì thế, những nhân vật như vậy thường mở doanh nghiệp tư vấn của riêng mình hoặc chuyển sang lĩnh vực khác.

Nguồn CNBC/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới