Chủ tịch ECB: Cần có quy định mới về cải cách kinh tế
Sự khác biệt về khả năng cạnh tranh cũng như tỷ lệ nợ của 18 nền kinh tế đã trở thành mối đe dọa lớn đối với sự tồn tại của nền kinh tế khu vực đồng euro, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi nhận định trong quá trình dự thảo đề xuất mới.
ECB từ lâu đã thúc giục các nền kinh tế khu vực thực hiện cải cách cơ cấu nhằm thu hẹp khoảng cách về hiệu quả kinh tế giữa 18 nước thành viên. Tuy nhiên, ông Draghi vẫn chưa thể đưa ra kế hoạch rõ ràng về vấn đề này.
Khủng hoảng bùng nổ tại khu vực đồng euro chủ yếu là do chính phủ một số nước không thể tiếp tục vay vốn trên thị trường trái phiếu quốc tế khi tỷ lệ nợ đã tăng lên quá cao. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân sâu sa của cuộc khủng hoảng này chính là những khác biệt về kinh tế của các nước thành viên.
Doanh nghiệp và công nhân tại những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng đã mất khả năng cạnh tranh, dẫn tới thâm hụt tài khoản vãng lai tăng mạnh.
Ông Draghi cũng đưa dẫn chứng về sự khác biệt của các nền kinh tế trong khu vực. Mặc dù Phần Lan xếp thứ 3 thế giới về khả năng cạnh tranh nhưng Hy Lạp lại đứng ở thứ hạng 91, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Tương tự, trong khi Ireland đứng thứ 15 thế giới về mức độ thuận lợi cho kinh doanh thì Malta chỉ xếp hạng 103, theo World Bank.
Ông Draghi nhận định, những điểm khác biệt trên đã gây ra tình trạng mất cân bằng giữa các nền kinh tế thành viên và cải cách cơ cấu chính là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này.
Việc thiết lập các quy định mới - hướng tới nâng cao khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế - sẽ tăng cường tính đoàn kết trong khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân; đồng thời, đưa ra định hướng cho chính phủ các nước khi thực hiện những cải cách cần thiết.
Các quy định kiểm soát hoạt động vay vốn của chính phủ trong khu vực cũng phải được giám sát chặt chẽ, theo ý kiến của ông Draghi.
Ngoài ra, chủ tịch ECB tiếp tục nhấn mạnh tình hình giảm phát của khu vực và cho biết, ECB luôn sẵn sàng sử dụng bộ công cụ phi chuẩn khi cần thiết.
Nguồn Theo DVO/ Market Watch
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư