Hủy
Thế giới

Cuộc chiến trần nợ Mỹ và kẻ thắng cuộc?

Thứ Bảy | 19/10/2013 15:18

Một cuộc chiến thông thường sẽ khép lại với người thắng và kẻ thua. Tuy nhiên, cuộc chiến chính trị không đơn giản tại Washington vừa qua đã tạm khép lại mà chẳng có bên nào thắng cuộc.
 

7 tháng và 16 ngày định mệnh

Nếu ai đó cho rằng cuộc chiến ngân sách và trần nợ chỉ kéo dài 16 ngày thì có lẽ nên đứng ở hiện tại và nhìn xa hơn về quá khứ. Ngày 23/3/2013, Thượng viện Mỹ nơi đảng Dân chủ chiếm đa số đã bỏ phiếu luật ngân sách cho năm tài khóa 2014, bắt đầu từ ngày 1/10 năm nay nhưng các đại diện đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã bác bỏ.

Như rất nhiều lần đã xảy ra, ý muốn tăng thuế của đảng Dân chủ thêm gần 1000 tỷ USD trong vòng 10 năm, đã vấp phải phản đối mạnh mẽ từ đảng Cộng hòa. Đương nhiên, mong muốn tăng thuế của đảng Dân chủ ngay lập tức làm dấy lên làn sóng phản đối khác, không chỉ đến từ đối thủ truyền thống là đảng phái mang biểu tượng "con voi", mà còn là nhiều phong trào khác mà tiêu biểu nhất là Tea Party.

Sau đó, vào ngày 10/4 những mục tiêu càng bị chia rẽ khi Nhà Trắng nêu ra mục tiêu ngân sách cho năm 2014 là dựa trên mức thâm hụt 744 tỷ USD, tương đương 4,4% GDP.

Mục tiêu chính là nhằm giảm 1800 tỷ USD thâm hụt ngân sách trong vòng 10 và hai phần ba trong số đó sẽ đến từ việc cắt giảm chi tiêu và một phần ba đến từ những khoản thuế bổ sung mới. Dự kiến, thâm hụt ngân sách sẽ ở 2,8% trong năm 2016 giảm xuống mức 1,7% trong năm 2023. Mục tiêu trên của Nhà Trắng một lần nữa gây ra sự bi quan đối với quan điểm chính trị của đảng Cộng hòa.

Chương trình Obamacare không bị ảnh hưởng có đảm bảo cho chiến thắng của tổng thống Obama?
Những mâu thuẫn cần phải giải quyết, nhưng không thể là những cái tên chung của các đảng phái hay phong trào, mà cần có một người đứng ra "nổ tiếng súng khai chiến" đầu tiên cho cuộc chiến ngân sách và trần nợ lần này và không ai khác người đó chính là Ted Cruz. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa mới được bầu không ít lâu sau đó đã có bài diễn thuyết dài 21 giờ 19 phút về chương trình cải cách y tế của tổng thống Mỹ Barack Obama, Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền thường được biết với tên gọi "Obamacare". Thượng nghị sĩ Ted Cruz được xem là người thân với phong trào Tea Party đã lên tiếng chỉ trích những hạn chế và hậu quả đối với nước Mỹ khi Obamacare được thực hiện.

Còn một người nữa cũng âm thầm khiến cho cuộc chiến ngày càng nóng bỏng là Mark Meadows, người đã thuyết phục 79 thành viên đảng Cộng hòa ký vào lá như bác bỏ Obamacare và dự luật tài trợ kinh phí hoạt động cho chính phủ trong năm tới.

Đằng sau tất cả, có thể là anh em nhà tỷ phú Koch: David Koch và Charles Koch. Trước những lời bóng gió của tổng thống Obama khi đã nhắc đến họ như “những người đàn ông giàu nhất nước Mỹ đã thuyết phục giới trẻ từ chối bảo hiểm y tế”, anh em nhà Koch đã gửi thư phủ nhận cáo buộc của giới chính trị gia thuộc đảng Dân chủ nhưng có một điều ai cũng biết chắc chắn: đã từ lâu họ chính là những người đứng sau tài trợ cho đảng Cộng hòa và những phong trào và luồng tư tưởng họ đang kiểm soát - “Kochtopus”.

Anh em nhà Koch: những tỷ phú đứng sau "đạo diễn" cho sự đóng cửa của chính phủ Mỹ
Anh em nhà Koch: những tỷ phú đứng sau "đạo diễn" cho sự đóng cửa của chính phủ Mỹ

Cho đến ngày 1/10, khi chính phủ Mỹ tuyên bố đóng cửa trong sự bàng hoàng của dân chúng, thì giới chính trị gia có vẻ vẫn đủng đỉnh trước câu hỏi trần nợ 16,7 nghìn tỷ nợ công và hạn chót 17/10 bao giờ mới nới đi vì phải chăng đối với họ, "vòng chung kết" bây giờ mới thực sự bắt đầu.

Sau đó, giới truyền thông vất vả chạy theo từng kiến nghị của lưỡng viện, nhưng cứ hội đàm, kiến nghị rồi bác bỏ như một vòng trong luẩn quẩn.

Hàng loạt tổ chức tài chính quốc tế từ WB, IMF, ... nhiều lần cảnh báo cuộc chơi chính trị ở Mỹ đang đẩy nước Mỹ và nền kinh tế thế giới đến "thời khắc vô cùng nguy hiểm". Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch cũng cảnh báo hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nếu Mỹ không nâng trần nợ trước ngày 17/10.

Nhưng ai cũng hiểu, nguy cơ vỡ nợ của Mỹ chỉ là vỡ nợ "kỹ thuật", sẽ chẳng ai để cho Mỹ thực sự phá sản và nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng không muốn bẽ mặt với vị thế của đất nước có trách nhiệm cao nhất và đã luôn muốn dẫn dắt cả thế giới.

Nhưng những ký ức gần nhất, Mỹ hiểu rằng mình đã từng thất bại khi là đầu tàu dẫn nền kinh tế toàn cầu xuống vực thẳm. Mùa thu năm 2008, thời điểm Lehman Brothers phá sản và mùa thu năm 2013, nếu Mỹ cũng phá sản, có lẽ chu kỳ kinh tế Mỹ đã bị rút gắn, chưa kịp đi hết pha phục hồi đã lâm vào khủng hoảng.

Nếu kết cục cuộc đấu tranh chính trị đưa kinh tế Mỹ suy thoái thì nước Mỹ nên chuẩn bị trước cho những lần suy thoái tiếp theo sẽ xảy ra định kỳ hai năm một lần. Những nỗ lực hồi phục trở lại của nền kinh tế Mỹ bốc chốc bị thổi bay hàng chục tỷ đô-la để đổi lấy điều gì, hay không gì cả?

Bên thắng cuộc?

Như chính tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát biểu ngay sau khi ký thông qua dự luật ngân sách tạm thời (cho phép Bộ Tài chính nước này tiếp tục vay nợ đến 7/2/2014 và tài trợ cho các hoạt động của chính phủ đến 15/1 năm sau), có hai điều ông Obama nhấn mạnh trong khoảnh khắc cuộc đấu tranh chính trị vừa kết thúc. Thứ nhất, "Người dân Mỹ đã hoàn toàn chán ngấy với Washington" và thứ hai "Không có ai là người thắng cuộc".

Trước tiên, chắc chắn bên thắng cuộc không thể là đảng Cộng hòa hay phong trào Tea Party, như chính lãnh đạo của đảng này tại Hạ viện, ông John Boehner đã nói: “Chúng tôi đã có một trận chiến tốt. Chỉ có điều chúng tôi không thể chiến thắng”. Cay đắng hơn, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham thừa nhận: “Hai tuần qua thật sự tồi tệ đối với đảng Cộng hòa” và Thượng nghị sĩ John McCain khẳng định cuộc chiến ngân sách là “một trong những điều xấu hổ nhất mà ông từng chứng kiến trong thời gian làm Thượng nghị sĩ”.

Mục tiêu trì hoãn thậm chí xóa bỏ chương trình Obamacare của đảng Cộng hòa đã phá sản hoàn toàn. Có chăng một chút nhượng bộ của đảng Dân chủ là giữ nguyên mức chi tiêu chính phủ hiện tại, hiện khoảng 60 triệu USD/ngày.

Nhưng một câu hỏi khó hơn đó là, liệu rằng ông Obama và đảng Dân chủ đã là những người thắng? Thực ra không phải.

Dominique Moisi, cố vấn đặc biệt tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp đã khẳng định trên truyền hình Les Echos: "không có người thắng thật sự rõ ràng", mà chỉ có thể nói "tổng thống Obama và đảng Dân chủ đã mất ít hơn đảng Cộng hòa".

Kết quả điều tra tỷ lệ ủng hộ đối với tổng thống Barack Obama, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa

(Nguồn: ABC, Washington Post)

Thậm chí, số liệu do ABC và Washington Post điều tra còn chỉ ra sự thật: tất cả đều là người thua cuộc. Để giữ nhưng mục tiêu đã đề ra và chương trình cải cách lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Obama đã phải đánh đổi bằng sự suy giảm 3% trong tỷ lệ ủng hộ của cử tri, từ 45% xuống 42%. Sự giảm sút này ngang bằng với sự tổn thất trong tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với đảng Cộng hòa, bên được xem là thua cuộc hoàn toàn.

Tương tự như tổng thống Obama, sau cuộc tranh đấu chính trị, đảng Dân chủ cũng không tránh khỏi sự suy giảm lòng tin khi tỷ lệ ủng hộ đối với đảng này cũng giảm 2% từ 35% xuống 33%.

Tỷ lệ ủng hộ cử tri đều giảm sút là điều có thể giải thích được. 16 ngày chính phủ đóng cửa, gần 1 triệu nhân viên chính phủ phải nghỉ việc không lương, hoạt động kinh doanh của công ty liên quan đến chính phủ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nhân sự trong lĩnh vực tư nhân được tính toán cắt giảm trong vòng 6 tháng tới.

Tình trạng căng thẳng trong trần nợ khiến cho nước Mỹ phải đi vay nợ "đắt đỏ" hơn. Theo số liệu tổng hợp của Financial Times, chi phí trực tiếp sau cuộc chiến trần nợ mà Mỹ phải gánh chịu là 73 triệu USD do lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng vọt. Khoản tiền này có giá trị tương đương tổng mức lương hàng năm của tất cả thành viên tại Hạ viện hay ngang bằng với chi phí điều hành của Tòa án Tối cao Pháp viện Mỹ.

Đáng chú ý hơn, khoản tổn thất do S&P ước tính lên đến 24 tỷ USD sẽ buộc tất cả người dân Mỹ cùng phải trả. GDP quý IV sẽ mất đi 0,6% và đà phục hồi tốt của kinh tế Mỹ có nguy cơ bị chặn lại, nếu niềm tin kinh doanh và tiêu dùng tại Mỹ có dấu hiệu giảm sút do những cú sốc chính sách của chính phủ.

Như vậy, không có bên thắng cuộc, bởi cái giá đánh đổi cho những tham vọng chính trị đã vượt quá giá trị hiện tại của chính nó. Nếu muốn thắng, tổng thống Obama và đảng Dân chủ phải chứng minh những giá trị lớn cho toàn xã hội mà chương trình Obamacare sẽ đem lại. Có điều, ngay tại thời điểm này, dù Obamacare vẫn được tiếp tục, nhưng tranh cãi xung quanh hiệu quả của chương trình cải cách trên vẫn đang còn nhiều tranh cãi.

Khác với tất cả các cuộc chiến khác, cuộc chiến chính trị tại Washington đã kết thúc không thắng, không thua cũng không hòa bởi tất cả đều là bên thua cuộc, ít nhất trong mắt nhiều chuyên gia quan sát và đa số người dân Mỹ. Khởi nguyên khi một nền chính trị ra đời là để duy trì trật tự của xã hội và thi thoảng, chính nó lại làm xã hội bỗng nhiên đảo lộn.

Nguồn CNN, Washington Post, Les Echos/Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới