Hủy
Thế giới

Đàm phán ngân sách Mỹ tiếp tục là tâm điểm của phố Wall tuần này

Thứ Hai | 26/11/2012 06:43

Phố Wall tiếp tục hướng về các cuộc đàm phán ngân sách nhằm tránh "bờ vực tài khóa" - vấn đề có thể khiến kinh tế Mỹ suy thoái trong năm 2013.
 

Tuần này, tổng thống Barack Obama và các nhà lập pháp Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục nối lại các cuộc thảo luận về ngân sách cùng biện pháp tránh "bờ vực tài khóa" do chương trình tăng thuế và cắt giảm chi tiêu gây ra - có nguy cơ đẩy kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái mới.

Như các nhà phân tích nhận định, kết quả của các cuộc đàm phán này sẽ có tác động rất lớn tới thị trường chứng khoán Mỹ.

Trong thời gian qua, chỉ số đo lường mức độ biến động của thị trường hợp đồng quyền chọn của sở giao dịch chứng khoán Chicago, còn gọi là chỉ số VIX, đã liên tục giảm, với đường trung bình trượt 200 ngày ở mức thấp nhất 5 năm.

Chỉ số VIX tăng cao, thể hiện tâm lý lo ngại về bất ổn của nhà đầu tư và điều ngược lại cho thấy các họ ít lo lắng hoặc bận tâm về thị trường. Giá trị thấp cũng có thể phản ánh tâm lý hài lòng nảy sinh từ tâm lý tự tin thái quá vào tương lai của thị trường, hoặc sự hưng phấn quá độ. Trong thời kì suy sụp của thị trường chứng khoán vào tháng 10/1987 (còn được gọi là Cơn hoảng loạn 1987), chỉ số VIX đã vọt lên mức cao kỷ lục 172 từ mức 24-26 trong tuần trước đó.

Chính vì vậy, mặc dù liên tục giảm trong thời gian qua, song các nhà phân tích cảnh báo VIX có thể tăng đột biến nếu các cuộc đàm phán tại Washington không tìm được lối thoát.

Người đứng đầu tại công ty đầu tư ACE Investment ở Virginia, ông Yuu Dee Chang, nhận định: "Nếu bờ vực tài khóa xuất hiện, rất nhiều tài sản lớn sẽ bị giảm trong ngắn hạn bởi sự sợ hãi và hoảng loạn của thị trường".

Ông Chang cũng nhận định cơ hội để kinh tế Mỹ vượt qua bờ vực tài khóa chỉ khoảng 5%.

Nhiều nhà phân tích đồng tình với quan điểm rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ đạt được một số thỏa thuận về ngân sách, qua đó giúp thị trường tăng trở lại. Tuy nhiên, chặng đường đàm phán còn rất dài và ẩn chứa nhiều rủi ro khi các thành viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa chỉ chú trọng vào bảo vệ vị thế của mình tại quốc hội trong cuộc bầu cử vừa qua.

Những người theo phe tự do muốn đánh thuế mạnh vào giới giàu nhất nước Mỹ trong khi tiếp tục bảo vệ những tiến bộ trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe. Còn nhóm bảo thủ lại muốn cắt giảm mạnh các chương trình phúc lợi cho người nghèo, đồng thời mở rộng cơ sở thuế để tăng doanh thu chính phủ mà không cần phải nâng mức thuế suất.

Giám đốc đầu tư của U.S. Bank Wealth Management tại San Francisco, ông Tim Leach, cho rằng: "Cả hai đảng sẽ tìm cách chiếm ưu thế và gây áp lực với bên còn lại, và điều đó sẽ khiến thị trường trở nên lo lắng và bất an hơn".

Theo các nhà phân tích, bên cạnh sự bế tắc trong đám phán ngân sách của Washington, căng thẳng ở Trung Quốc và các cuộc đàm phán không hồi kết của châu Âu về gói viện trợ cho Hy Lạp cũng có thể góp phần làm tăng lo ngại và bất ổn trên phố Wall.

Ông Tim Leach nhận định: "Những cuộc xung đột trên quy mô lớn chắc chắn sẽ áp đảo những dữ liệu kinh tế cơ bản tại nước Mỹ. Cần phải hiểu rằng, rất nhiều yếu tố như vậy kết hợp lại sẽ gây nên một sự biến động lớn hơn đối với thị trường".

Tuần này cũng là tuần có khá nhiều số liệu kinh tế, đặc biệt là về lĩnh vực nhà ở. Các số liệu kinh tế đáng chú ý trong tuần này có thể kể đến như doanh số bán nhà mới và doanh số nhà chờ bán trong tháng 10. Ngoài ra, số đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền về niềm tin tiêu dùng trong tháng 11 cũng là những số liệu nhận được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, một số dữ liệu sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều bởi trận siêu bão Sandy, tàn phá bờ biển Đông nước Mỹ 3 tuần trước khiến hơn 100 người thiệt mạng và gây thiệt hại hàng tỷ USD, các nhà phân tích nhận định.

Bảng sự kiện

Nguồn Reuters/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới