Đánh mất tình bạn Myanmar, Trung Quốc đã sai ở đâu?
Đến thủ đô Naypyidaw của Myanmar, người ta khó bỏ lỡ trung tâm hội nghị do công ty quốc doanh Trung Quốc xây dựng và làm quà tặng cho chính quyền Myanmar cách đây vài năm để thể hiện tình hữu nghị.
Tuy nhiên, đầu tháng này, trong số hơn 900 đại biểu từ các nước trên thế giới nhóm họp tại Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức tại Myanmar, chỉ có 16 đại diện của Trung Quốc.
Nhiều thập kỷ sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn bị ám ảnh bởi câu hỏi: “Ai để mất Trung Quốc”. Ngày nay, lãnh đạo Trung Quốc lại phải đặt câu hỏi “Ai để mất Myanmar”.
Từ một chế độ độc tài, Myanmar đã bắt đầu mở cửa với hàng loạt cải cách. Các nước phương Tây cũng dỡ bỏ dần lệnh trừng phạt với quốc gia Đông Nam Á này, nhà đầu tư quốc tế cũng bắt đầu đổ xô tới thị trường đầy tiềm năng này.
Đến ngày thứ 2 của hội nghị, các diễn đàn đồng loạt đưa tin China Mobile đã từ bỏ kế hoạch kế hợp với Vodafone để mở rộng mạng lưới di động tại Myanmar vì không có hy vọng chiến thắng.
Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc vẫn còn ảnh hưởng đối với Myanmar và can thiệp sâu vào các hoạt động liên doanh ở đó. Rất nhiều vấn đề liên quan đến quan hệ song phương được xử lý bởi chính quyền địa phương và tướng lĩnh quân đội của Vân Nam – tỉnh có đường biên giới với Myanmar nhưng chưa được quản lý. Thậm chí, ngày này, tất cả các chuyến bay giữa Myanmar và Trung Quốc đều phải quá cảnh ở Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam mặc dù đã có đường bay thẳng từ Yangon tới Seoul, Singapore, Bangkok, Hong Kong, TPHCM và một số địa điểm khác.
Các tướng lĩnh Myanmar nhận ra rằng họ không cần quá chịu ơn Trung Quốc, cách tốt nhất là nên đa dạng hóa bạn bè. Điều này không có nghĩa chính quyền Myanmar quay lưng hoàn toàn với Bắc Kinh. Ví dụ, đường ống dẫn khí đốt mới sẽ bắt đầu vận chuyển khí đốt Myanmar sang Trung Quốc trong vài tháng tới và các công ty Trung Quốc vẫn có khởi đầu thuận lợi sau khi Myanmar chịu lệnh trừng phạt nhiều năm qua của phương Tây.
Lãnh đạo đảng đối lập ở Myanmar, bà Aung San Suu Kyi đã đưa ra chiến lược ứng xử thông minh với các mối quan hệ quốc tế nhằm cân bằng quan hệ với tất cả các bên đang muốn đầu tư vào Myanmar.
Để khôi phục lại tầm ảnh hưởng đã phai nhạt, Bắc Kinh sẽ phải tìm ra nguyên nhân tại sao họ để mất Myanmar và rút ra bài học cho chính mình. Nhưng không may, tất cả những cuộc thảo luận sâu về cải cách chính trị Myanmar đều bị cấm trên truyền thông chính thống Trung Quốc, thậm chí, bộ phim Hollywood “The Lady” nói về cuộc đời bà Suu Kyi cũng bị cấm trình chiếu.
Nguồn FT/Dân Việt
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư