Hủy
Thế giới

Lạm phát Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong 2 năm

Lam Ngọc Thứ Sáu | 12/05/2023 16:11

Các dữ liệu được công bố cho thấy tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 vẫn còn yếu. Ảnh: Reuters.

Giảm phát trở thành sức ép ngày một lớn đối với Trung Quốc trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng không đáng kể do nhu cầu nội địa vẫn yếu.
 

Theo báo cáo vừa được công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Trung Quốc hầu như không tăng trong bối cảnh nhu cầu nội địa suy yếu. Đây là tín hiệu cho thấy triển vọng kinh tế đang kém đi và cần nhiều kích thích hơn từ phía Ngân hàng Trung ương.

CPI tháng 4 do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. So với mức tăng 0,7% của tháng 3 thì CPI tháng tăng hầu như không đáng kể.

 

Theo các chuyên gia, số liệu bị ảnh hưởng phần lớn do đà tăng của thực phẩm và dịch vụ. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 3,6% trong tháng 4. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 5/2020. PPI của Trung Quốc đã đi xuống 7 tháng liên tiếp. Ngoài ra, lạm phát lương thực giảm 0,4% trong tháng 4 từ mức 2,4% trong tháng 3.

Các chỉ số cho thấy tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 vẫn còn yếu. Những số liệu này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các quyết sách sắp tới của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhanh hơn trong quý I/2023 do các lệnh hạn chế liên quan đến dịch bệnh được dỡ bỏ và người tiêu dùng đã chi tiêu nhiều hơn vào ngành du lịch và dịch vụ, nhưng những số liệu gần đây cho thấy hoạt động sản xuất đang bị thu hẹp quy mô trong tháng 4. Trong khi đó, cả 2 hoạt động xuất - nhập khẩu cũng chứng kiến tăng trưởng chậm lại và có dấu hiệu đang trên đà đi xuống.

Bất chấp việc Chính phủ Trung Quốc giảm lãi suất, bơm tiền vào hệ thống tài chính để thúc đẩy nền kinh tế, giá cả hàng hóa, dịch vụ tại nước này vẫn đang ngừng tăng hoặc giảm xuống. Theo phân tích của các chuyên gia, so sánh 2 thời điểm của hiện tại và trước đại dịch thì vẫn còn một khoảng cách lớn về nhu cầu và xu hướng tiêu dùng. Kỳ vọng nhu cầu nội địa có thể được cải thiện trong thời gian tới là một điều khó khăn.

 

Không dừng lại đó, nhịp đập sức khỏe của nền kinh tế hiện còn yếu do giá bất động sản và tài sản tài chính vẫn chưa tăng lên, mở ra một bức tranh ảm đạm về triển vọng kinh tế hiện tại của đất nước tỉ dân.

Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, hoạt động cho vay cũng đang chứng kiến sự sụt giảm. Cung tiền M2 (gồm tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi trong ngân hàng) tăng kỷ lục khi đạt 5.600 tỉ USD trong 15 tháng qua. Cung tiền nhiều chưa từng có trong tiền lệ kết hợp với xu hướng giảm giá cả hàng hóa khiến các nhà kinh tế cho rằng quá trình giảm phát tại Trung Quốc đã bắt đầu. 

Hiện tại, giới chức Trung Quốc vẫn giữ quan điểm duy trì ủng hộ tăng trưởng kinh tế thông qua hỗ trợ chính sách tiền tệ và tài khóa bất chấp nhu cầu trong nước suy giảm, đầu tư bất động sản yếu, tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm thanh niên tăng cao.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa nếu đây là điều cần thiết giữa bối cảnh một số Ngân hàng Trung ương gần đây đã giảm lãi suất tiền gửi và Cục Dự trữ Liên bang đã có những tín hiệu về khả năng tạm ngừng tăng lãi suất.

Có thể bạn quan tâm:

Giá bất động sản cao cấp toàn cầu lần đầu giảm trong vòng 14 năm

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới