Lợi nhuận báo động của "công xưởng thế giới"
Một nhà máy của Shandong Iron & Steel, công ty dự báo thua lỗ ròng trong nửa đầu năm nay. Ảnh: Reuters.
Các dấu hiệu về áp lực giảm phát ở Trung Quốc đang gia tăng, khi các công ty cảnh báo rằng nhu cầu yếu đang đẩy giá các sản phẩm công nghiệp chủ chốt, từ hóa dầu và thép đến giấy và xi măng, xuống thấp.
Các công ty niêm yết, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp, đã đưa ra cảnh báo về lợi nhuận trong nửa đầu năm, đặt ra câu hỏi về cách nhìn lạc quan hiện tại của chính phủ Trung Quốc đối với nền kinh tế.
Ông Steven Sun, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại HSBC Qianhai Securities, cho biết sự phục hồi của các công ty cho đến nay vẫn còn yếu, gần 1/3 các công ty niêm yết ở đại lục đã công bố bản thông tin thu nhập nửa đầu năm, với hơn một nửa là thông tin tiêu cực.
Một trong những dấu hiệu cảnh báo lớn nhất liên quan đến nhu cầu thép, một thành phần quan trọng trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như sản xuất ô tô và xây dựng.
Angang Steel, một chi nhánh niêm yết chủ chốt của Tập đoàn Ansteel, nhà sản xuất thép lớn thứ ba thế giới tính theo khối lượng, cho biết thị trường thép suy yếu kể từ nửa cuối năm 2022, có nghĩa là ngay cả việc dỡ bỏ các hạn chế do COVID vào mùa thu năm ngoái cũng không thể thúc đẩy nhu cầu.
Công ty hiện dự kiến sẽ lỗ ròng 1,34 tỉ nhân dân tệ (189 triệu USD) trong sáu tháng đầu năm 2023, một sự đảo ngược mạnh mẽ so với khoản lãi 1,71 tỉ nhân dân tệ trong cùng kỳ năm trước.
Các công ty thép khác cũng đã đưa ra cảnh báo tương tự. Maanshan Iron & Steel cho biết phải đối mặt với khoản lỗ 2,23 tỉ nhân dân tệ trong 6 tháng, đồng thời viện dẫn nhu cầu đáng thất vọng ở thị trường sắt thép hạ nguồn. Shandong Iron & Steel, Chongqing Iron & Steel, cùng với một số công ty hạng trung, cũng dự báo thua lỗ ròng trong nửa đầu năm.
Trong bối cảnh đó, cục thống kê của Trung Quốc cho biết nền kinh tế đã tăng trưởng 5,5% theo năm, trong nửa đầu năm. Người phát ngôn của Cục, ông Fu Linghui lưu ý rằng con số này cao hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác, đồng thời cho biết thêm rằng động lực chung đang tăng lên. Tuy nhiên, trên cơ sở hàng quý, tăng trưởng chậm lại rõ rệt.
Bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương tại Natixis, nói rằng có nhiều khả năng biên lợi nhuận sẽ xấu đi, gây thêm áp lực lên chi tiêu vốn của công ty.
Sinopec Shanghai Petrochemical, một nhà sản xuất hóa dầu lớn, cho biết nhu cầu yếu đã đẩy giá các sản phẩm của họ xuống. Công ty hiện dự kiến sẽ lỗ ròng từ 900-1,1 tỉ nhân dân tệ, cao hơn gấp đôi so với khoản lỗ 436 triệu nhân dân tệ đã ghi nhận một năm trước.
Sinochem International, dự đoán khoản lỗ ròng lên tới 196 triệu nhân dân tệ, do nhu cầu hóa chất toàn cầu bị thu hẹp, đặc biệt là nhựa epoxy, được sử dụng rộng rãi trong sơn ô tô, bao bì bán dẫn và vật liệu xây dựng.
Nhu cầu đối với các mặt hàng cơ bản, như giấy, ở Trung Quốc trở nên mờ nhạt khi nền kinh tế phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch và triển vọng kinh tế bất ổn định. Ảnh: Getty Images. |
Trong một dấu hiệu đáng lo ngại đối với lĩnh vực xây dựng và nhà ở quan trọng, các nhà sản xuất xi măng cũng báo cáo nhu cầu yếu và giá lao dốc. Tập đoàn Xi măng Shanshui Trung Quốc có trụ sở tại Sơn Đông cho biết dự kiến sẽ lỗ ròng từ 214-238 triệu nhân dân tệ trong nửa đầu năm, đảo ngược lợi nhuận ròng 477 triệu nhân dân tệ một năm trước. Công ty cho biết nguyên do đến từ sự sụt giảm đáng kể trong giá bán xi măng.
Vật liệu xây dựng quốc gia Trung Quốc CNBM dự kiến lợi nhuận ròng nửa đầu năm sẽ giảm 80%, xuống còn khoảng 1,09 tỉ nhân dân tệ.
Nhu cầu về giấy, bao gồm cả bìa giấy được sử dụng trong nhiều loại bao bì sản phẩm, cũng bị đình trệ. Shandong Chenming Paper Holdings và Shandong Bohui Paper Industry đều dự báo lỗ ròng trong nửa đầu năm, cho biết nhu cầu yếu đang đè nặng lên giá cả. Cũng như các ngành khác, chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm không đủ bù đắp cho việc giá bán ra giảm.
Ông Eric Lau, nhà phân tích của Citi tại Hồng Kông, cho biết tại thời điểm này, thị trường đã tính đến tác động của "nhu cầu tiêu dùng trầm lắng ở Trung Quốc" trong giá cổ phiếu của công ty sản xuất giấy Lee & Man. Tuy nhiên, ông nói thêm, "Ngành giấy vẫn không được ưa chuộng trong năm nay do nhu cầu tiêu thụ chậm lại."
Triển vọng trong các lĩnh vực công nghiệp khác vẫn mờ mịt. Bà Rachel Zhang, nhà phân tích ngành thép tại Morgan Stanley, gần đây đã chứng kiến hàng tồn kho các sản phẩm thép dẹt tăng lên do nguồn cung vượt xa mức tiêu thụ. "Vì vậy, chúng tôi không kỳ vọng sẽ thấy bất kỳ sự phục hồi lợi nhuận nào trước quý cuối cùng của năm nay.”, bà nhận xét.
Có thể bạn quan tâm:
Hàng trăm triệu USD không có người kế thừa ở Nhật Bản
Nguồn Nikkei Asia
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Tuệ Anh (Nguồn: TTX)