Hủy
Thế giới

Mỹ - mối đe dọa của kinh tế toàn cầu trong 2 năm tới

Thứ Tư | 20/11/2013 15:06

Theo OECD, chính những vấn đề của Mỹ là rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu, bao gồm quá trình cắt giảm QE và khủng hoảng trần nợ Mỹ.
 

Sự không chắc chắn của chính sách tài khóa cũng như chính sách tiền tệ của Fed đang đặt nguy cơ ngày càng lớn đối với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, vốn đã suy yếu do tăng trưởng chậm lại ở nhiều nền kinh tế phát triển.

Gafin-Stats
Nguồn: OECD Economic Outlook

Trong bản báo cáo lần này, OECD đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới. Cụ thể, kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng 2,7% trong năm nay và 3,6% năm tới, thay vì mức tăng tương ứng 3,1% và 4% được đưa ra trong dự báo cách đây 6 tháng.

Nhận định trên được trích từ Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, vừa được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố hôm qua 19/11 tại Paris, Pháp.

Theo tổ chức này, trần nợ của Mỹ nên được bãi bỏ và thay thế bằng "một kế hoạch đáng tin cậy nhằm củng cố ngân sách trong dài hạn cùng với sự hỗ trợ vững chắc về mặt chính trị."

Báo cáo lần này đánh dấu sự thay đổi đáng kể của OECD khi dịch chuyển mối quan tâm từ khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sang mối đe dọa trực tiếp nhất đối với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu hiện nay, với những vấn đề trọng tâm đến từ Mỹ.

OECD cho rằng, một loạt các sự kiện đã làm suy yếu niềm tin và sự ổn định trong những tháng gần đây, trong đó bao gồm những phản ứng "rất ngạc nhiên" của giới đầu tư vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm bắt đầu "rút dần cho đến hết" (taper) chương trình mua tài sản trị giá 85 tỷ USD hàng tháng.

Thị trường trái phiếu tại các nền kinh tế mới nổi mất điểm kể từ khi Chủ tịch Fed hé lộ khả năng cắt giảm QE3. (Nguồn: OECD)
Thị trường trái phiếu tại các nền kinh tế mới nổi mất điểm kể từ khi Chủ tịch Fed
hé lộ khả năng cắt giảm QE3. (Nguồn: OECD)

Có thể thấy phát biểu đầu tiên của Chủ tịch Fed, ông Ben Bernanke về khả năng có thể rút dần chương trình nới lỏng định lượng (QE), đã khiến thị trường chứng khoán hoảng loạn. Chỉ số trái phiếu tại thị trường mới nổi đã giảm đến 17% và cho đến hiện tại, vẫn chưa lấy lại mức ban đầu hồi cuối tháng 5 vừa qua.

Điều này liên quan đến vấn đề tiếp theo, đó là cuộc khủng hoảng "thảm họa tiềm tàng" đến từ các cuộc tranh cãi về trần nợ của hai đảng tại Mỹ. Chuyên gia kinh tế trưởng của OECD, ông Pier Carlo Padoan nhấn mạnh những sự kiện như vậy, có thể làm trật bánh xe của sự phục hồi kinh tế toàn cầu thêm một lần nữa. Ngoài ra, OECD cũng nhấn mạnh những nguy hiểm phát sinh từ trần nợ của Mỹ sẽ đưa chính nền kinh tế số một thế giới vào một cuộc suy thoái sâu.

Nguồn OECD/Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới