Nạn nhân "khổ" nhất trong khủng hoảng tắc đường ở kênh đào Suez
Các chủ tàu bị “cản trở” đi qua Kênh đào Suez dự kiến sẽ cố gắng khai thác bảo hiểm trách nhiệm. Ảnh: EPA.
Theo một nghiên cứu của công ty bảo hiểm Đức Allianz, việc tàu Ever Given chặn kênh đào Suez có thể gây tổn thất thương mại toàn cầu từ 6-10 tỉ USD mỗi tuần.
Hơn 3 tỉ USD tiền bảo hiểm đang được áp dụng cho các yêu cầu trách nhiệm
Những người phụ trách chương trình bảo hiểm của hãng tàu cho biết hơn 3 tỉ USD tiền bảo hiểm đang được áp dụng cho các yêu cầu trách nhiệm đối với chủ sở hữu của con tàu container Ever Given.
Không rõ liệu điều đó có đủ để bù đắp những tổn thất có khả năng xảy ra với một số trong số hơn 200 tàu đang mắc kẹt trong kênh, cộng với chủ hàng hóa mà họ đang chở hay không, nếu con tàu tiếp tục chặn kênh Suez.
Lối vào của Kênh đào Suez đã bị chặn bởi tàu container Ever Given trong suốt gần 1 tuần. Ảnh: Reuters. |
Sự chậm trễ trong giao nhận hàng hóa sẽ gây ra rất nhiều thiệt hại về kinh tế nếu tuyến đường quan trọng này không sớm thông thủy trở lại. Các lô hàng bị trì hoãn có thể dẫn đến việc các nhà sản xuất “không nhận được các bộ phận cần thiết cho dây chuyền lắp ráp hoặc các nhà bán lẻ không nhận được hàng để kịp thời đưa lên kệ”. Đồng thời, các chủ tàu cũng dự đoán việc sử dụng tàu của họ để chở hàng khác sẽ mất cơ hội khi những chiếc tàu này đang “nối dài” trong kênh.
Nhiều khả năng hàng ngàn hợp đồng bảo hiểm trong sự kiện khiến thương mại toàn cầu gián đoạn này có thể dẫn tới việc các hãng bảo hiểm sẽ phải thanh toán hàng tỉ USD.
Một lượng bảo hiểm bổ sung không xác định từ thị trường bảo hiểm trên toàn thế giới cũng được áp dụng thông qua các chính sách được thực hiện bởi các chủ hàng và các chủ tàu khác. Theo thông lệ của ngành, các chủ hàng tự mua bảo hiểm để bảo vệ khỏi rủi ro thiệt hại, thay vì dựa vào chủ tàu.
Tuy nhiên, đặc điểm của khoản bảo hiểm trách nhiệm pháp lý trị giá 3,1 tỉ USD dành cho tàu Ever Given là một thỏa thuận gộp giữa 13 Câu lạc bộ Bảo vệ và Bồi thường, để chi trả cho các yêu cầu bồi thường từ một sự cố lên tới 100 triệu USD.
Đền bù cho việc mất doanh thu và làm các tàu khác bị gián đoạn
Theo đó, chủ tàu Ever Given, công ty Nhật Shoei Kisen KK và các công ty bảo hiểm của nó, có thể phải đối mặt với yêu cầu bồi thường từ Ban điều hành kênh đào Suez vì mất doanh thu và làm các tàu khác bị gián đoạn.
Tính đến ngày 29.3, tàu Ever Given đã nổi lại một phần ở kênh đào Suez. Ảnh: AFP. |
Ngoài ra, chủ sở hữu hàng hóa trên tàu Ever Given và các tàu khác đang bị mắc kẹt trong kênh Suez sẽ yêu cầu các công ty bảo hiểm của họ thanh toán những tổn thất đối với hàng hóa dễ bị hỏng hoặc thời gian giao hàng bị trễ.
Một chuỗi dài kiện tụng diễn ra khi các công ty bảo hiểm cho hàng hóa trên container sẽ tìm đến chủ sở hữu của Ever Given để đòi bồi thường, trong khi đó công ty sở hữu Ever Given sẽ lại tìm đến công ty bảo hiểm của họ để được bảo vệ quyền lợi.
Theo ông Chris Grieveson, đối tác tại công ty luật chuyên về vận tải hàng hải Wikborg Rein LLP ở London, “Đó chắc chắn sẽ là một kịch bản rất phức tạp”.
Tàu Ever Given sẽ được chi trả các khoản bảo hiểm do thiệt hại xảy ra với chính con tàu và các thiệt hại khác mà con tàu này gây ra (bảo hiểm trách nhiệm).
Các thiệt hại của chính con tàu này bao gồm thiệt hại về thân vỏ, máy móc của con tàu cũng như chi phí cho hoạt động trục vớt. Theo đơn vị môi giới bảo hiểm và cố vấn rủi ro Marsh, số tiền được bảo hiểm cho 1 con tàu thường rơi vào khoảng từ 100-140 triệu USD. Tuy nhiên, số tiền phía bảo hiểm phải trả sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tai nạn.
Ông Marcus Baker, người đứng đầu toàn cầu về hàng hải và hàng hóa của nhà môi giới bảo hiểm Marsh, cho biết: "Sẽ vô cùng phức tạp để đưa ra được thỏa thuận bồi thường cuối cùng. Điều đó có nghĩa là sẽ phải mất nhiều năm để giải quyết xong mọi vấn đề giữa tất cả các bên".
Tuy, các chuyên gia trong ngành vẫn chưa đưa ra ước tính, nhưng khoản bồi thường cuối cùng cho con tàu sẽ trải dài trên toàn bộ các lĩnh vực bảo hiểm.
Bên cạnh đó, P&I có thể cũng phải chi trả cho chi phí cứu hộ và mất doanh thu. Đây hiện là ẩn số lớn nhất bởi chính xác khi nào con tàu sẽ được giải cứu vẫn chưa rõ ràng.
Theo trưởng bộ phận tư vấn rủi ro hàng hải Rahul Khanna tại Allianz SE, nếu buộc phải tháo dỡ bớt container trên tàu Ever Given để giải cứu, phía bảo hiểm sẽ còn phải chịu trách nhiệm lớn hơn nữa.
Lịch sử hàng hải thế giới từng chứng kiến vụ bồi thường bảo hiểm hàng hải khổng lồ là vụ lật tàu du lịch Costa Concordia, dẫn đến khoản chi 1,6 tỉ USD vào năm 2012. Mức độ của tàu Ever Given còn nghiêm trọng hơn bởi tàu Costa Concordia không hề làm gián đoạn thương mại toàn cầu.
Hiện, hơn 20 trong số 25 công ty tái bảo hiểm lớn nhất thế giới “chống lưng” cho tàu Ever Given.
Có thể bạn quan tâm:
► Kênh đào Suez bị phong tỏa sau khi tàu container khổng lồ mắc cạn
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư