Ngày 9/8, Ba Lan đã đề nghị Mỹ nhanh chóng mở cửa thị trường của nước này đối với táo của Ba Lan, do sản phẩm này đang bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc Nga cấm nhập khẩu lương thực và nông sản của Liên minh châu Âu (EU) liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo hãng tin PAP của Ba Lan, trong cuộc gặp một quan chức cấp cao của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Đại sứ Ba Lan tại Mỹ Ryszard Schnepf cho biết hai bên đã thảo luận những bước đi cần thiết nhằm mở cửa thị trường Mỹ cho các mặt hàng nông sản Ba Lan, bất chấp Washington cũng đang phải đối mặt với lệnh trừng phạt của Moskva.

Mỹ trước nay rất hạn chế nhập khẩu rau quả từ các nước thành viên EU, trong đó Ba Lan. Trong khi đó, Ba Lan là nước xuất khẩu táo hàng đầu châu Âu, trước cả Italy và Pháp. Hiện, 20% rau quả xuất khẩu của Ba Lan là sang Nga. Ngoài ra, nền kinh tế của Ba Lan cũng phụ thuộc nhiều vào Nga, thị trường đem lại 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Trước đó, ngày 6/8, Tổng thống Nga đã ký sắc lệnh "Về áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt riêng rẽ nhằm bảo đảm an ninh Liên bang Nga."

Một ngày sau đó, lệnh "cấm toàn diện" đối với thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, cá, phô mai, sữa và các sản phẩm từ sữa, rau quả nhập khẩu từ các nước Australia, Canada, Liên minh châu Âu, Mỹ và Na Uy, những quốc gia đã áp đặt trừng phạt kinh tế chống lại các pháp nhân và thể nhân của Nga, hoặc những quốc gia đã ủng hộ quyết định trừng phạt này, chính thức có hiệu lực và kéo dài trong một năm.

Động thái này được xem là một phần trong một loạt những biện pháp trả đũa của Nga đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây áp dụng đối với Nga, trước cáo buộc chính quyền Moskva có vai trò trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Trước lệnh cấm trên của Moskva, các nhà sản xuất châu Âu đã thừa nhận bị ảnh hưởng lớn từ các biện pháp này và tỏ ra hết sức quan ngại như Đan Mạch, Đức, Mỹ, Canada, Hà Lan, Phần Lan, Đức, Tây Ban Nha, Italy, Pháp,... và đặc biệt là Ukraine, nền kinh tế của nước này có thể sẽ không thể hồi phục vì 84% kim ngạch xuất khẩu rượu vang của Kiev phụ thuộc vào Nga.

EU là đối tác thương mại hàng đầu của Nga với kim ngạch xuất khẩu lương thực của EU vào Nga trong năm 2013 đạt hơn 7 tỷ USD. Giới phân tích cho rằng lệnh cấm của Nga có thể gây thiệt hại khoảng 16 tỷ USD đối với EU, đồng thời đẩy khu vực này càng lún sâu vào khủng hoảng.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên bang Nga, ông Georgy Petrov cho rằng trong những năm tới, châu Âu có thể thiệt hại hơn 100 tỷ USD do các biện pháp trừng phạt của Nga mà Ủy ban châu Âu (EC) không có khả năng bù đắp./.