Hủy
Thế giới

Nga đối mặt với làn sóng phá sản

Thứ Ba | 13/01/2015 16:13

Theo một quan chức tài chính cấp cao của Nga, nước này sẽ hứng chịu làn sóng phá sản nếu nước này không sớm hạ lãi suất.
 

Theo Anatoly Aksakov, Chủ tịch hiệp hội ngân hàng khu vực của Nga kiêm Phó chủ tịch Ủy ban thị trường tài chính trong Quốc hội Nga, các doanh nghiệp nước này đang ngày càng cạn kiệt tiền mặt.

Trong một bức thư gửi cho ngân hàng trung ương Nga, ông Aksakov viết: "Các quan chức ngân hàng hiện nay đều cho rằng, nếu chính phủ cứ duy trì lập trường chính sách như hiện nay, Nga sẽ phải hứng chịu làn sóng phá sản, từ các cơ sở cho vay đến hàng loạt doanh nghiệp khác."

Theo ông Aksakov, ngân hàng trung ương Nga phải hạ lãi suất ngay trong tháng này từ 17% xuống 15%, sau đó giảm dần xuống còn 10,5% - mức lãi suất ban đầu trước khi Nga rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua. Lãi suất thấp sẽ kích thích hoạt động cho vay đối với khối doanh nghiệp và cá nhân.

Lời đề nghị này được đưa ra ngay sau khi Fitch tuyên bố hạ xếp hạng tín nhiệm của Nga xuống BBB- với triển vọng tiêu cực vào cuối tuần trước. Tin tức này càng gây sức ép lớn lên lĩnh vực tài chính của Nga.

Mới đây, chính phủ Nga đã phải chi hàng tỷ USD để cứu trợ cho một số ngân hàng như, VTB, Gazprombank và Trust Bank. Theo tính toán của BNP Paribas, các ngân hàng Nga cần phải được hỗ trợ 45 tỷ USD vốn trong năm nay để duy trì hoạt động cho vay, tránh thua lỗ và thêm 11,5 tỷ USD khác để giảm bớt thiệt hại về tỷ giá ngoại tệ.

 

Trước đó, Nga vốn đang chật vật với cuộc khủng hoảng tiền mặt khi phương Tây siết chặt trừng phạt nhằm hạn chế khả năng huy động vốn của nhiều doanh nghiệp Nga ở nước ngoài.

Ngày 12/1, hãng hàng không Ak Bars Aero của Nga cho biết sẽ ngừng hoạt động đến tận tháng 3. Trước đó, một số hãng hàng không khác của Nga cũng quyết định ngừng hoạt động do gặp phải nhiều vấn đề tài chính và ruble lao dốc quá sâu.

Kể từ sau khi Nga bị hạ xếp hạng tín nhiệm, ruble lại đối mặt với nguy cơ giảm sâu. Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, ruble giảm 1,3% so với USD do giá dầu tiếp tục lao dốc. Chỉ trong năm 2014, ruble đã giảm khoảng 50% so với USD và ngân hàng trung ương Nga phải bơm hơn 120 tỷ USD ra thị trường để kìm hãm đà lao dốc của nội tệ. Hiện nay, dự trữ ngoại hối của Nga đã giảm xuống còn 388,5 tỷ USD.

Nguồn DVO/CNN Money


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới