Hủy
Thế giới

Nhật chi 13 tỉ USD thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn

Lam Ngọc Thứ Tư | 15/11/2023 11:07

Ưu tiên mục tiêu đảm bảo ổn định nguồn cung chip. Ảnh: Bloomberg.

Chính phủ Nhật tăng cường đầu tư nhằm lấy lại vị thế cường quốc ngành công nghiệp bán dẫn trên bản đồ thế giới.
 

Để lấy lại vị thế là cường quốc ngành công nghiệp bán dẫn, chính phủ Nhật đang chuẩn bị gói hỗ trợ bổ sung trị giá gần 2.000 tỉ yen (13 tỉ USD) cho năm tài chính hiện tại, nhằm hỗ trợ thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chip.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật (METI) đã đề xuất gói trợ cấp 1.850 tỉ yen cùng với số tiền chưa chi cho các khoản trợ cấp liên quan đến ngành chip. Mặc khác, truyền thông Nhật đưa tin một số quỹ dự kiến được tận dụng để hỗ trợ các công ty sản xuất chất bán dẫn như TSMC và liên doanh sản xuất chip Rapidus.

 

Chính quyền Tokyo đã quyết định thông qua gói hỗ trợ 50% chi phí xây dựng nhà máy sản xuất chip của TSMC ở tỉnh Kumamoto, phía Tây Nam Nhật, bên cạnh việc đàm phán về mức ngân sách có thể hỗ trợ cho nhà máy chip thứ 2 của Tập đoàn Đài Loan này. Được biết hồi đầu năm nay, TSMC đã phát đi thông tin có kế hoạch đầu tư hơn 1.000 tỉ yen (6,6 tỉ USD) để xây dựng nhà máy sản xuất chip thứ 2 tại Nhật. Nhà máy này dự kiến được sử dụng để sản xuất chip cao cấp kích cỡ 5 nanometer (nm) và 10 nm.

Ngoài TSMC, chính phủ Nhật cũng hỗ trợ khoảng 1,5 tỉ USD cho kế hoạch mở rộng quy mô nhà máy của Micron Technology, hãng sản xuất chip lớn nhất của Mỹ, ở thủ phủ Hiroshima. Bên cạnh đó, hồi cuối năm 2022, chính quyền Tokyo đã cho biết sẽ đầu tư 70 tỉ yen (462 triệu USD) vào Rapidus, startup chuyên về chất bán dẫn và là một công ty liên doanh giữa Toyota, Sony và 6 công ty khác gồm hãng chip Kioxia, hãng điện tử và bán dẫn Tokyo Electron, Tập đoàn đầu tư SoftBank, Công ty phụ tùng ô tô Denso, hãng viễn thông NTT, Tập đoàn công nghệ thông tin và điện tử NEC, thông qua tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới. Mục tiêu của khối liên doanh này là phát triển những sản phẩm chip cao cấp thế hệ tiếp theo có kích cỡ 2 nm.

Việc đầu tư vào Rapidus thể hiện tham vọng muốn phát triển năng lực sản xuất chip cao cấp, có khả năng cạnh tranh trực tiếp với các “ông lớn” trong ngành như TSMC và Samsung Electronics. Theo chia sẻ từ ông Tetsuro Higashi, Chủ tịch của Rapidus, công ty sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất chip cao cấp vào năm 2027, với mục tiêu góp phần củng cố nền kinh tế Nhật thông qua đảm bảo nguồn cung ổn định. 

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu đang tập trung vào khu vực châu Á, METI cho biết việc đảm bảo nguồn cung chất bán dẫn cao cấp ổn định là vấn đề được ưu tiên nhất, đặc biệt là khi quá trình số hóa ngày càng tăng tốc và nhu cầu chip được dự báo sẽ tăng trong trung và dài hạn.

Những động thái của chính phủ Nhật cùng với khoản viện trợ trị giá 46,5 tỉ yen (306 triệu USD) được công bố trước đó cho thấy nỗ lực của quốc gia này trong việc giữ vững vị thế cường quốc bán dẫn. Các công ty nhận gói hỗ trợ của chính phủ phải cam kết tăng sản lượng khi thiếu nguồn cung, tất cả vì mục tiêu nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung chip nội địa.

Có thể bạn quan tâm:

Startup GenAI dẫn đầu làn sóng kỳ lân mới

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới