Hủy
Thế giới

Nổ tung quả bom tài chính GE Capital

Thứ Hai | 25/05/2015 12:30

Việc GE tuyên bố sẽ bán hầu hết những khoản vay thuộc GE Capital đã chấm dứt một trong những thử nghiệm mạo hiểm nhất lịch sử ngành tài chính.
 

Hơn 10 năm về trước, những nhà đầu tư chuyên tìm kiếm những công ty yếu kém đã loan tin khắp phố Wall rằng GE Capital, dịch vụ cho vay khổng lồ của General Electric (GE), là một quả bom nổ chậm.

Khủng hoảng tài chính năm 2008 đã chứng minh tin đó là đúng. Và đến đầu tháng 5 vừa qua, GE cho biết sẽ bán hầu hết những khoản vay thuộc bộ phận tài chính GE Capital. Như vậy, tập đoàn này giờ chỉ còn hoạt động trong các mảng công nghiệp.

Dự kiến hoàn tất trước năm 2018, cuộc chuyển đổi của GE sẽ chấm dứt một trong những trải nghiệm mạo hiểm nhất trong lịch sử ngành tài chính. Kể từ năm 2008, đóng góp doanh thu của GE Capital đã giảm từ 42% xuống còn 28% trong tổng doanh thu của GE.

Cần chú ý đến một thuật ngữ quan trọng trong mô hình kinh doanh này là cấp vốn cả cục. Đây là cách nói của ngành để chỉ việc cho vay trong thị trường tài chính, đối lập với huy động vốn nhờ tiền gửi. Thị trường vay vốn ngắn hạn thực sự hấp dẫn bởi người cho vay có thể tìm được nguồn vốn rẻ hơn so với vốn dài hạn. Họ lấy nguồn vốn ngắn hạn và rẻ đó cho doanh nghiệp, cá nhân khác vay lại với lãi suất cao hơn.

Vì chiến lược này chỉ kiếm được lợi nhuận trong những thời kỳ nhất định nên khá bấp bênh và rủi ro. Trong khủng hoảng tài chính năm 2008, nhà đầu tư đã tháo chạy khỏi thị trường cho vay ngắn hạn, khiến các công ty tài chính cung cấp dịch vụ cho vay không tìm được thêm vốn. Vì thế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phải vào cuộc và bơm tín dụng ngắn hạn cho các công ty tài chính.

GE Capital có những khoản vay ngắn hạn chiếm tới gần 1/3 tổng giá trị tài sản bị rơi vào khủng hoảng và tất nhiên, phải phụ thuộc vào FED. Đó là giai đoạn đáng xấu hổ đối với một công ty từng đạt điểm tín nhiệm AAA.

Sự yếu kém của GE Capital và những tổ chức tài chính khác là hồi chuông cảnh tỉnh với các nhà hoạch định chính sách và Quốc hội Mỹ. Bởi những rủi ro mà các hãng tài chính có thể gây ra nếu không được quản lý chặt chẽ là quá lớn. Nhiều cải tổ đã diễn ra, dành thêm quyền cho FED lọc lại những công ty tài chính phi ngân hàng quan trọng và đưa vào kiểm soát giống ngân hàng.

Trước quyết định của GE, ông Dennis Kelleher, Chủ tịch Better Markets, một tổ chức chuyên đánh giá khiếm khuyết của các cuộc cải cách, nhận xét: “Quyết định của GE ngày hôm nay chứng tỏ rằng một số biện pháp cải cách tài chính của chính quyền đã bắt đầu phát huy tác dụng”.

Cho đến cuối năm ngoái, GE Capital có giá trị tài sản lên đến 500 tỉ USD, đứng thứ 7 trong số các doanh nghiệp tài chính lớn tại Mỹ. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 69 tỉ USD. Số tiền này tuy nhỏ hơn đáng kể so với thời kỳ trước khủng hoảng, nhưng vẫn là một khoản quá lớn. FED đang soạn thảo những quy định mới nhằm kiểm soát chặt hơn các doanh nghiệp tài chính đang cho vay quá nhiều theo kiểu cấp vốn cả cục.

Ở Mỹ, sau cuộc Đại khủng hoảng năm 1929, vấn đề liệu các doanh nghiệp có nên nhúng tay vào lĩnh vực tài chính hay không xem như đã được giải quyết khi việc lẫn lộn giữa kinh doanh thương mại và ngân hàng bị cấm. Nhưng GE và nhiều doanh nghiệp khác đã không hề không quan tâm và lách qua những quy định đó.

Với phần còn lại của thế giới, cuộc tranh cãi đã diễn ra hàng thập kỷ. Việc phân định có lý do rất rõ ràng: nhà quản lý doanh nghiệp giải quyết các rủi ro tài chính kém hơn nhà quản lý ngân hàng. Một tai họa ở mảng tài chính có thể làm tổn thương toàn bộ lĩnh vực kinh doanh chính của công ty. Và việc các ông trùm tư bản tiếp cận được với nguồn tiền gửi tiết kiệm sẽ dẫn đến hàng loạt cám dỗ nguy hiểm.

Bất chấp điều này, nhiều doanh nghiệp phi tài chính đã tham gia các hoạt động tài chính trên quy mô lớn. Lợi nhuận từ lĩnh vực tài chính của Mỹ chiếm tỉ lệ 33%, trong đó bao gồm mảng tài chính của các doanh nghiệp sản xuất. Tỉ lệ đó cao hơn nhiều so với mức 20% lợi nhuận được tạo ra bởi các ngân hàng và công ty bảo hiểm thuộc nhóm S&P 500. Ở quy mô toàn cầu, các công ty phi tài chính sở hữu 9.000 tỉ USD trong các hợp đồng tiền tệ phái sinh.

Có 4 cách để lách luật. Thứ nhất, các doanh nghiệp có thể làm dịch vụ cho vay lẻ, tức là cho khách hàng vay để mua sản phẩm của chính mình. Nhưng khách hàng có thể không đủ khả năng trả nợ. Motorola và Nokia đã mất tổng cộng 3 tỉ USD ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2001. Quy mô của hình thức cho vay lẻ này cũng rất đáng sợ. 5 công ty sản xuất ôtô lớn nhất, có giá trị tài sản của mảng tài chính lên đến 600 tỉ USD, đã tăng 20% quy mô cho vay theo hình thức này trong 2 năm trở lại đây.

Thứ hai, doanh nghiệp tiêu dùng có thể bán các dịch vụ tài chính bán lẻ cho khách hàng của họ. Walmart, một hệ thống siêu thị bách hóa, đã cung cấp những sản phẩm ngân hàng cho người mua sắm. Có rất ít thử nghiệm này tạo ra được lợi nhuận.

Cách tiếp cận thứ ba là tham gia mua bán. Glencore, một doanh nghiệp trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, đã kiếm được 42% lợi nhuận từ việc mua qua bán lại. BP, công ty dầu lửa lớn của Anh, có một quỹ riêng 8 tỉ USD cho mục đích thương mại.

Chiến lược mạnh bạo nhất là thành lập một chi nhánh tài chính độc lập, giống như GE đã làm. Đôi khi phương pháp này cũng phát huy tác dụng. Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett có riêng một quỹ bảo hiểm lớn để tài trợ tiền cho các khoản đầu tư của mình. Một số công ty có thể có mục tiêu ngầm là cho công ty tài chính con mở rộng các hoạt động kinh doanh chính của công ty mẹ và lách luật. Cú sốc với GE Capital năm 2008 không phải là trường hợp đầu tiên. Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, các tập đoàn lớn ở Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia đã bị tê liệt hoàn toàn do tổn thất của chi nhánh tài chính ngân hàng của họ gây ra.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn nổ ra, chính phủ các nước phương Tây đã kiểm soát chặt chẽ các ngân hàng luôn kín tiếng trong hoạt động kinh doanh. Nhưng ở những quốc gia khác, ý tưởng kết hợp thương mại với tài chính đã thịnh hành trở lại.

Năm ngoái, Trung Quốc đã cấp phép mở ngân hàng cho 2 công ty mạng internet và một hãng hàng không, cùng với nhiều công ty khác. Các ông trùm công nghiệp tại Ấn Độ cũng đang vận động hành lang để được phép mở ngân hàng. Họ nói rằng những doanh nghiệp tài chính này sẽ thúc đẩy cạnh tranh. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy kế hoạch này giống như việc trộn khí đốt với diêm - điều mà người tỉnh táo không nên làm.

Ngọc Trâm

Nguồn New York Times - The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới