Hủy
Thế giới

Phát triển hạ tầng kiểu Trung Quốc: Giá cao, hiệu quả thấp

Thứ Năm | 08/09/2016 16:54

Từ chỗ chỉ chiếm 2,1% vốn đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu hồi năm 1982, tới năm 2014 Trung Quốc đã chiếm 25%.
 

Theo lý thuyết kinh tế chính thống, việc Nhà nước mạnh tay đầu tư cho cơ sở hạ tầng có thể tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ và châu Âu tăng trưởng chưa được như mong muốn trong những năm gần đây, nhiều người đã nhìn sang mô hình đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc để so sánh và cho rằng nên học theo kinh nghiệm của nước này.

Ngay cả Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng khen Trung Quốc cách đây vài năm: “Làm sao chúng ta có thể ngồi yên và nhìn Trung Quốc với châu Âu xây dựng nên những cây cầu, đường sắt cao tốc, và sân bay tốt nhất thế giới?”. Gần đây, một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ là Jim Millstein cũng bình luận trên Washington Post: “Một chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng được thiết kế tốt sẽ là chất xúc tác cho nền kinh tế Mỹ thoát khỏi tăng trưởng chậm chạp”.

Tuy nhiên, nếu bỏ qua những ấn tượng bề ngoài và tìm hiểu thực tế, thì mới thấy rằng phương pháp đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc là rất có vấn đề: chi phí thì cao, hiệu quả lại không như hứa hẹn. Trong rất nhiều trường hợp, các dự án cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc bị chi phối bởi nhóm lợi ích, thiết kế rất kém, hoặc chất lượng xây dựng rất tồi. Đó là chưa kể, các chính sách giải tỏa đất đai của Trung Quốc còn gây ra nhiều vấn đề xã hội khác.

Phat trien ha tang kieu Trung Quoc: Gia cao, hieu qua thap
Một cây cầu trị giá 300 triệu USD tại Cáp Nhĩ Tân bị sập vào tháng 11/2012, sau khi được thi công xong chỉ trong vòng 18 tháng. Ảnh: NPR

Mới đây, một công trình nghiên cứu của 4 vị giáo sư tại Đại học Oxford (Anh) đã khẳng định rằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc thường xuyên bị đội giá, không mang lại kết quả như đã hứa, và thực ra không đóng góp nhiều vào tăng trưởng GDP như vẫn tưởng. Các giáo sư Atif Ansar, Bent Flyvbjerg, Alexander Budzier và Daniel Lunn kết luận: “Trung Quốc không phải là mô hình nên học hỏi với các nền kinh tế khác, dù là phát triển hay đang phát triển, mà thực ra là một mô hình nên tránh noi theo”.

Khi tìm hiểu những dự án xây dựng đường nhựa và đường sắt tại Trung Quốc từ năm 1984 tới năm 2008, sau đó so sánh chúng với những dự án tương tự ở các nước phát triển, nhóm nghiên cứu phát hiện ra chúng chẳng khác gì nhau. 3/4 số dự án ở Trung Quốc bị đội giá ở mức bình quân 30%, tương tự Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Các giáo sư nhận định: “Phát hiện này đặt ra câu hỏi với một giả thuyết thường hay được nhắc đi nhắc lại là các chế độ chính trị theo hướng tập trung cao như Trung Quốc sẽ có lợi thế trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng”.

Nhóm nghiên cứu cũng phủ nhận vai trò của đầu tư cơ sở hạ tầng lên sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc để trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Theo đó, họ chỉ ra rằng Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng mạnh ngay từ lúc mức đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn còn rất thấp, và thực ra các cải cách pháp lý và tự do hóa nền kinh tế đóng vai trò quan trọng hơn nhiều.

Phat trien ha tang kieu Trung Quoc: Gia cao, hieu qua thap
Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào tín dụng để kích thích tăng trưởng. Từ chỗ chỉ cần 1-2 đồng tín dụng để tạo ra thêm 1 đồng GDP, sau đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 thì tỷ lệ này đã tăng lên thành 3:1. Ảnh: MarketWatch

Mối lo lớn nhất hiện tại là chính phủ Trung Quốc lại đang dùng việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giữ đà tăng trưởng kinh tế, nhưng lại không thể hoặc không muốn nhìn nhận kết quả thực tế thu được. Từ chỗ chỉ chiếm 2,1% vốn đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu hồi năm 1982, tới năm 2014 Trung Quốc đã chiếm tới 25%. Vì thế, tỷ lệ nợ công và nợ doanh nghiệp quốc doanh so với GDP của Trung Quốc hiện tại cao hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào, ngoại trừ Nhật Bản.

Các giáo sư Oxford tuyên bố: “Chúng tôi phủ định lý thuyết chính thống rằng đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng sẽ tạo ra tăng trưởng. Trừ phi Trung Quốc chuyển hướng để đầu tư ít hơn và có chất lượng cao hơn, nước này sẽ đi thẳng đến khủng hoảng tài chính và kinh tế, từ đó có thể sẽ trở thành khủng hoảng quốc tế do tầm ảnh hưởng của Trung Quốc”.

Ý kiến này cũng không phải là ngoại lệ. Một bài viết mới đây trên website của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho rằng Trung Quốc cần phải cải tổ rất nhiều. Theo nhà kinh tế Longmei Zhang của IMF thì “Kinh tế Trung Quốc tựa như một con tàu lớn với động cơ rất khỏe và vẫn đang chạy cực nhanh, nhưng đang bị nghiêng dần và ngày càng bị ngập thêm nhiều nước”.

Tuấn Minh

Nguồn MarketWatch


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới