Hủy
Thế giới

Trung Quốc chưa tính kỹ khi lập vùng phòng không

Chủ Nhật | 01/12/2013 15:59

Việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông được nhận định là một bước đi chưa được suy tính kỹ càng.
 

Các vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc (đường nét liền màu đỏ), Nhật Bản (đường nét liền màu xanh) và Hàn Quốc (đường màu trắng). Phần tô màu sẫm trên biển là giếng khí đốt lớn Chunxiao (Xuân Hiểu), hay Sharabaki theo cách gọi của Nhật. Đồ họa: SCMP

Các vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc (đường nét liền màu đỏ), Nhật Bản (đường nét liền màu xanh) và Hàn Quốc (đường màu trắng). Phần tô màu sẫm trên biển là giếng khí đốt lớn Chunxiao (Xuân Hiểu), hay Sharabaki theo cách gọi của Nhật. Đồ họa: SCMP.

Theo tờ Tín báo của đặc khu hành chính Hong Kong, với việc thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ), Trung Quốc đã ở vào thế "cưỡi hổ", đồng thời còn trợ giúp Mỹ thực hiện chiến lược "trở lại châu Á". Tờ báo đánh giá việc đưa ra vùng phòng không của Bắc Kinh chưa được xem xét cẩn thận.

Thứ nhất là cơ sở vật chất phục vụ cho vùng này. Để thực thi nhiệm vụ của vùng nhận dạng phòng không, ngoài sự hỗ trợ của các căn cứ không quân, Nhật Bản còn xây dựng 28 căn cứ giám sát bằng radar chính xác cường độ mạnh. Riêng ở quần đảo Ryukyu, Nhật Bản thiết lập 4 trạm radar, trong đó một trạm đặt trên đảo Miyako, chỉ cách đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Bắc Kinh khoảng 200 km.

Phần cứng hỗ trợ thực thi nhiệm vụ của vùng nhận dạng phòng không do Mỹ thiết lập thậm chí còn mạnh hơn nhiều. Chỉ riêng ở miền đông, Mỹ đã xây dựng 178 trạm radar. Ngoài ra, ADIZ của Mỹ còn được trang bị máy bay cảnh báo sớm, kết hợp với 8 căn cứ không quân và hàng loạt căn cứ tên lửa đạn đạo dọc bờ biển hỗ trợ.

Hiện nay, người ta không rõ Trung Quốc có bao nhiêu phần cứng hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ của vùng nhận dạng phòng không. Tuy nhiên, từ những tin tức trên báo chí, kể từ khi tuyên bố thành lập vùng phòng không, Trung Quốc đã "điều hai đợt máy bay tuần tra".

Với diện tích mặt biển rộng hàng trăm nghìn km2 mà chỉ tuần tra như vậy thì không khác nào "mò kim đáy biển". Trừ trường hợp Trung Quốc không muốn xây dựng ADIZ thành hệ thống "một giọt nước cũng không lọt qua", nếu không, việc Bắc Kinh làm như vậy chỉ có thể mang lại sự răn đe nào đó chứ không đạt được hiệu quả đầy đủ của vùng nhận dạng phòng không.

Thứ hai, liệu Trung Quốc đã đủ năng lực chấp pháp để đối phó với nước lớn từ chối hợp tác hay chưa?

Giả thiết đặt ra là 99,99% máy bay của Mỹ tiến vào ADIZ do Trung Quốc thiết lập ở biển Hoa Đông sẽ không đi tiếp vào không phận của Trung Quốc. Nhưng nếu phán đoán sai lầm, hoạt động chấp pháp dẫn tới xung đột và xung đột leo thang thành chiến tranh khu vực. Hơn nữa, cuộc chiến tranh đó lại xảy ra ngay trước cửa ngõ của Trung Quốc còn lãnh thổ của Mỹ thì ở cách xa. Ai sẽ là người chịu thiệt?

Cuối cùng là về mặt kỹ thuật. Vì một nguyên nhân nào đó như khí tài bị hư hỏng, phương tiện bay tiến vào vùng phòng không do Trung Quốc thiết lập trên biển Hoa Đông không thể làm theo yêu cầu của phía Trung Quốc, không thể liên lạc vô tuyến được. Trong trường hợp đó, làm thế nào để bắn tín hiệu cảnh báo cho đối phương như chao nghiêng hay bật đèn sáng, tất cả đều phải làm rõ.

Trong trường hợp buộc phải hạ cánh, động tác chỉ thị và trả lời sẽ khá phức tạp, càng không thể không nói rõ.Tuy nhiên, văn bản chính thức do Trung Quốc đưa ra lại thiếu chỉ dẫn cho những trường hợp này. Đó cũng là một biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp.

Nguồn Vietnam+


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới