Vì sao người Ấn Độ đổ xô đầu tư vào chứng khoán?
Hiện tại, có hơn 90 triệu tài khoản cá nhân đăng ký trên NSE. Ảnh: The Economist.
Cuối tháng 3/2020, số lượng cá nhân đăng ký giao dịch với Sở Giao dịch Chứng khoán Quốc gia Ấn Độ (NSE) là khoảng 31 triệu người, một con số nhỏ nếu so với tổng dân số 1,4 tỉ người của quốc gia này. Tuy nhiên, trong vòng 12 tháng tiếp theo, số lượng đăng ký đã tăng lên 40 triệu, tạo ra xu hướng tăng bất ngờ cho giới đầu tư.
Hiện tại, có hơn 90 triệu tài khoản cá nhân đăng ký trên NSE. Trong giai đoạn từ năm 2019-2023, số lượng tài khoản đăng ký tăng gần gấp ba lần, từ 41 triệu lên 140 triệu, theo The Economist. Chỉ số hàng đầu của NSE, Nifty 50 liên tục ghi nhận mức cao nhất mọi thời đại, thời điểm đạt kỷ lục gần nhất của chỉ số này là vào ngày 7/3 vừa qua.
Sự bùng nổ của các nhà đầu tư bán lẻ cho thấy sự thay đổi lớn trong văn hoá tiết kiệm của tầng lớp trung lưu Ấn Độ. Nếu trước đây người Ấn Độ thường đầu tư vào các tài sản có mức độ rủi ro thấp như vàng, chiếm tỉ trọng gần 16% trong tài sản của mỗi hộ gia đình, thì trong năm 2023, tỉ trọng này đã giảm xuống gần 50%, xếp sau các loại tài sản khác. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu, chỉ chiếm một phần nhỏ trong danh mục đầu tư của các hộ gia đình, đang tăng nhanh chóng, từ 2,2% năm 2013 lên 4,7% sau một thập kỷ.
Theo The Economist, có ba nguyên do đằng sau làn sóng đổ xô đầu tư vào chứng khoán của người Ấn Độ. Thứ nhất là sự phát triển ấn tượng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trong suốt hơn một thập kỷ qua của quốc gia tỉ dân. Kể từ năm 2016, năng lực truy cập Internet đã được mở rộng đáng kể. Điều này được hỗ trợ bởi những chính sách của chính phủ, giúp rút ngắn thời gian mở tài khoản ngân hàng và giao dịch từ vài ngày xuống còn vài phút, cùng với hệ thống thanh toán kỹ thuật số trơn tru cho phép chuyển khoản ngay lập tức.
Thứ hai là đại dịch COVID-19. Dịch bệnh cùng xu hướng thiếu hụt các loại tài sản cạnh tranh đã thúc đẩy sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư sang thị trường chứng khoán. Các hộ gia đình Ấn Độ muốn khoản tiền tiết kiệm của mình hoạt động hiệu quả hơn, khi đại dịch đè nặng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Vào thời điểm đó, các ứng dụng đầu tư như Groww và Zerodha đã giúp cho việc đăng ký và bắt đầu trên sàn chứng khoán trở nên dễ dàng hơn. Zerodha có 1,3 triệu khách hàng trước khi dịch bệnh bùng phát, và đến cuối năm 2022, con số này đã tăng lên gần 10 triệu. Đại diện Zerodha khi ấy cho biết mỗi ngày họ phải xử lý nhiều giao dịch hơn cả những nền tảng phổ biến nhất của Mỹ. Ngoài ra, Stockal, một nền tảng giúp các nhà đầu tư Ấn Độ mua cổ phiếu của Mỹ, đã chứng kiến mức tăng 50% số nhà đầu tư trẻ trong giai đoạn từ tháng 4 - 9/2020, với khối lượng giao dịch tăng 300% lên mức 160 triệu USD.
Cuối cùng là những hoạt động quảng cáo của các quỹ tương hỗ đã khiến nhiều người dân Ấn Độ tin rằng cổ phiếu là cách để nhanh chóng làm giàu. Tài sản đầu tư vào các quỹ tương hỗ đã tăng gấp ba lần từ năm 2009 đến năm 2020, và tiếp tục tăng thêm 33% trong ba năm tiếp theo.
Đà suy thoái do đại dịch gây ra chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, những con số GDP ấn tượng cùng với niềm tin nền kinh tế tăng trưởng đã làm tăng thêm sự phấn khích của người dân. Tháng 1/2024, thị trường chứng khoán Ấn Độ vượt qua Hồng Kông, trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ 4 thế giới, với giá trị thị trường vào khoảng 4.330 tỉ USD.
Tuy nhiên, việc này cũng làm dấy lên mối lo ngại với giới quan sát thị trường. Có nhiều yêu cầu các nhà quản lý tài sản cảnh báo các nhà đầu tư về rủi ro tiềm tàng khi đổ tiền vào các công ty vốn hoá nhỏ kém thanh khoản. Các chuyên gia cũng cho rằng nhiều công ty đại chúng đang được định giá quá cao, gây nên sự mất cân bằng thị trường. Không chỉ vậy, việc nhiều cá nhân có sức ảnh hưởng trên thị trường tài chính cố tạo ra những kỳ vọng không thực tế đang tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định của thị trường chứng khoán.
Số lượng người mới gia nhập thị trường hàng tháng đang ở mức cao chưa từng có, vượt xa mức đỉnh điểm trong thời kỳ đại dịch. Từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, 1, có đến 58 triệu nhà đầu tư mới đăng ký trên NSE, con số tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, khi đó chỉ có khoảng 33 triệu người. Điều này gợi lên nỗi lo ngại số lượng người mới tham gia lớn và không có kinh nghiệm, rủi ro của việc giao dịch chứng khoán càng lớn hơn.
Và nếu những người chơi mới này gặp phải sai lầm không biết xử lý dẫn đến tổn thương không muốn quay lại thị trường chứng khoán, sẽ gây ra thiệt hại lớn và cần nhiều thời gian để khắc phục hơn so với tình hình hiện tại.
Có thể bạn quan tâm:
Khủng hoảng năng lực cạnh tranh ở châu Âu
Nguồn The Economist
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư