Vì sao phương Tây nhất quyết tấn công Syria?
AP
Tổng thống Donald Trump tối ngày 13/4 loan báo Mỹ, Pháp và Anh đã cùng nhau phát động các cuộc tấn công quân sự ở Syria để trừng phạt Tổng thống Bashar al-Assad về việc ông ta bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân, và để răn đe những vụ tấn công tương tự trong tương lai. Những vụ nổ rực sáng trên bầu trời thủ đô của Syria vào lúc ông Trump loan báo các cuộc không kích.
Truyền hình Syria đưa tin hệ thống phòng không của Syria đã đáp trả cuộc tấn công. Sau khi cuộc tấn công chấm dứt và bầu trời sáng sớm tối trở lại, những chiếc xe với loa phóng thanh chạy khắp đường phố Damascus phát những bài hát khơi gợi tinh thần dân tộc, AP tường trình.
"Vụ tấn công độc ác và xấu xa đã làm cho cha mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, quằn quại đau đớn và thở hổn hển. Đây không phải là những hành động của một con người mà là những tội ác của một con quái vật," ông Trump nói trong một bài diễn văn phát trực tiếp trên truyền hình từ Nhà Trắng.
Tổng thống tuyên bố Mỹ sẵn sàng "duy trì" áp lực lên ông Assad cho đến khi ông ta kết thúc điều mà Tổng thống gọi là kiểu hành vi phạm tội sát hại người dân của chính ông ta bằng vũ khí hóa học bị quốc tế ngăn cấm.
Ông Trump không cung cấp chi tiết về vụ tấn công chung của Mỹ-Anh-Pháp, nhưng nó có thể bao gồm một loạt các phi đạn hành trình phóng từ ngoài không phận Syria. Ông mô tả mục đích chính là xác lập một "sự răn đe mạnh mẽ" chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học. Chính phủ Syria đã nhiều lần phủ nhận họ sử dụng vũ khí bị cấm.
Ông Trump đả kích hai đồng minh chính của Syria là Nga và Iran về vai trò của họ trong việc yểm trợ "các nhà độc tài sát nhân," và lưu ý rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đảm bảo rằng một thỏa thuận quốc tế năm 2013 buộc ông Assad loại bỏ tất cả vũ khí hóa học. Ông kêu gọi Moscow thay đổi đường hướng và cùng phương Tây tìm kiếm một chế độ có trách nhiệm hơn ở Damascus.
Quyết định không kích, được đưa ra sau mấy ngày bàn luận kỹ càng, đánh dấu lần thứ hai ông Trump ra lệnh tấn công Syria. Ông đã ra lệnh phóng một loạt các phi đạn hành trình Tomahawk để tấn công đúng một phi trường của Syria vào tháng 4 năm 2017 để trả đũa việc ông Assad sử dụng khí sarin nhắm vào thường dân.
Bộ Quốc phòng Anh đã đưa ra tuyên bố về các cuộc không kích ở Syria, nói rằng họ đã tham gia vào cuộc liên minh với "một cuộc tấn công chính xác vào các thiết bị của Syria liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học đối với người dân của họ". Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố "cộng đồng quốc tế đã phản ứng dứt khoát" và cho biết, đã sử dụng tên lửa Storm Shadow để tấn công cơ sở quân sự cách Homs khoảng 24km về phía tây.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố: "Lằn ranh đỏ do nước Pháp thiết lập vào tháng 5 năm 2017 đã bị vượt qua. Vì vậy, tôi đã yêu cầu các lực lượng vũ trang Pháp can thiệp như là một phần của một hoạt động quốc tế trong liên minh với Hoa Kỳ và Anh Quốc và chống lại kho vũ khí hóa học bí mật của chế độ Syria ".
Vì sao Phương Tây, và đặc biệt là Pháp và Mỹ nhất thiết trừng phạt chế độ của Tổng thống Bashar al Assad?
Theo nhận định chung, ngoài các "lý do nhân đạo" còn có những nguyên do địa chính trị. Một trong những lý do có thể được nêu lên đó là bài học rút ra từ trường hợp CHDCND Triều Tiên. Do phương Tây và Hoa Kỳ không can thiệp dứt khoát, để cho ngày nay, Triều Tiên có thể được xem là đã sở hữu bom nguyên tử, trở thành một mối đe dọa khiến cho các nước khác ngần ngại khi nuôi ý định dùng vũ lực đối với nước này.
Việc Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama để mặc chính quyền của Tổng thống Assad hai lần vượt quá giới hạn "lằn ranh đỏ" trong cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học năm 2011 và 2013, cũng như để Nga qua mặt trong cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín địa chính trị mà Mỹ đã duy trì từ những năm 1990 như một biểu tượng cho vai trò lãnh đạo toàn cầu của Washington.
Trong trường hợp của Syria, mối nguy không phải là hạt nhân mà là vũ khí hóa học. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã vạch ra lằn ranh đỏ về vũ khí hóa học mà theo ông, chế độ al Assad không thể vượt qua. Ông từng tuyên bố: “Khi đặt ra lằn ranh đỏ mà không thể kiểm soát chúng một cách nghiêm khắc, thì đó là một sự yếu kém. Mà sự yếu kém thì không phải là một lựa chọn của tôi".
Chuyên gia François Heisbourg, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS, cho rằng, chính vì đã đặt ra lằn ranh đỏ đó mà ông Macron sẽ không thể lùi bước. Tổng thống Macron không muốn phạm phải sai lầm của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2013, cũng vạch ra lằn ranh đỏ với Syria, để rồi lại lùi bước vào giờ chót, khiến cho uy tín của Mỹ tại vùng Trung Cận Đông bị suy sụp.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Tướng Joseph Dunford thông báo trước báo giới sau vụ tấn công rằng, lực lượng Nga tại Syria đã không được thông báo trước về các mục tiêu mà Mỹ nhắm tới. Tuyên bố này của ông Dunford giống như xác nhận chính thức của Mỹ về vụ tấn công Syria, vốn sẽ đánh một dấu mốc leo thang tột độ trong cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này và nghiêm trọng hơn là nguy cơ chạm trán của lực lượng Nga-Mỹ tại mặt trận Syria.
Vì vậy, cuộc tấn công Syria của phương Tây cũng là một đòn đánh "vỗ mặt" đối với Nga, nhằm giành lại ảnh hưởng của phương Tây tại Trung Đông trước sức mạnh quân sự của người Nga đang lên.
Bởi vì, can thiệp vào Syria nhiều năm trước là cơ hội để Tổng thống Vladimir Putin thể hiện sự mạnh mẽ của Nga trên bàn cờ chính trị quốc tế. Thông qua cuộc chiến tại Syria, Kremlin muốn gửi thông điệp rằng trái ngược với Mỹ và đồng minh châu Âu, Nga kiên định với mục tiêu chính là chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và biết làm thế nào để thực thi mục tiêu này. Tuy nhiên, không giống Mỹ, Nga đã đi đến cùng trong việc bảo vệ đồng minh Bashar al-Assad cùng lực lượng quân đội chính phủ Syria.
“Ưu tiên trước mắt là tránh nguy cơ chiến tranh”, BBC dẫn lời Đại sứ của Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia ngày 12.4. Ông cáo buộc Mỹ đẩy hòa bình quốc tế vào rủi ro và cho rằng tình hình đang “rất nguy hiểm”. Các cường quốc phương Tây được cho là đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Syria, trong khi Nga - đồng minh của Syria - phản đối hành động như vậy. "Không may là chúng tôi không thể loại trừ bất kỳ khả năng nào", ông Nebenzia nói với các nhà báo sau một cuộc họp kín tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Kể từ khi nổ ra nội chiến vào tháng 3/2011, đã có hơn 250.000 người chết tại Syria, khiến 5 triệu người sống lưu vong và buộc 7 triệu người khác phải tản cư, nền kinh tế giờ đây thực sự tơi tả. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước nhiều dầu mỏ này từng đạt mức 60,2 tỷ USD vào năm 2010. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết rằng trên khắp đất nước, hai phần ba số người Syria đang sống trong nghèo đói cùng cực - tăng từ khoảng 12% trước chiến tranh. |
Chính phủ Syria có sử dụng vũ khí hóa học không? Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đã nhiều lần bác bỏ việc sử dụng vũ khí hoá học và cáo buộc những người nổi dậy “ngụy tạo" ra sự việc ở Douma vào tuần trước. Chính phủ Syria nhấn mạnh rằng toàn bộ kho vũ khí hóa học đã bị phá hủy sau một cuộc đàm phán do Mỹ và Nga dàn xếp vào tháng 8/2013. Sau đó, tên lửa chứa chất độc thần kinh Sarin đã được bắn vào một số khu vực do lực lượng đối nghịch nắm giữ, ở ngoại ô của Damascus, giết chết hàng trăm người. Tuy nhiên kể từ đó, các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Cấm vũ khí nguyên tử (OPCW) báo cáo với chính phủ là đã xác nhận được bốn cuộc tấn công hóa học, trong đó có cuộc tấn công vào một trong những thành phố nổi loạn của Khan Sheikhoun vào tháng 4/2017, cũng liên quan đến chất độc Sarin, khiến 80 người chết. |
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Ông Trần Đức Anh, Chứng khoán KB Việt Nam