Hủy

"Room" đã nới, nhà đầu tư nước ngoài vẫn ngại

Thứ Hai | 19/10/2015 10:07

Quy định về tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các DN trong nước có hiệu lực từ tháng 9, nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn tỏ ra nghi ngại...
 

Đối với ông Bill Stoops, Giám đốc đầu tư của quỹ Dragon Capital, Nghị định 60/2015/NĐ-CP là một tín hiệu tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng tăng tỷ lệ nắm giữ tại các doanh nghiệp trong nước. Nhưng đó là cách đây mấy tháng, hiện tại ông cho rằng, câu hỏi lớn nhất lại là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Hiện tại, Dragon Capital đang nắm giữ khoản tiền đầu tư khoảng 1,15 tỷ USD và 90% trong số đó được đầu tư vào các doanh nghiệp. Chính vì vậy, điều ông Stoops quan tâm bây giờ là quy định trên của Chính phủ sẽ được thực hiện khi nào và như thế nào?

Chờ đợi danh mục

Nghị định 60/2015/NĐ-CP thực tế đã có hiệu lực từ ngày 1/9/2015. Tuy nhiên, để nghị định này thực sự có hiệu lực, cần phải có thông tư hướng dẫn từ hai bộ là Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hiện tại chỉ có Bộ Tài chính hoàn thành Thông tư 123/2015/TT-BTC hướng dẫn trình tự thủ tục doanh nghiệp thực hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán. Còn danh mục cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp thì lại chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành.

Theo ông Kevin Snowball, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ PXP Việt Nam, các ngân hàng đầu tư nước ngoài hoặc các quỹ đầu tư vào các thị trường mới nổi có thể sẽ mua nhiều cổ phiếu hơn tại các doanh nghiệp trong nước nếu như họ được phép. Và nếu như những rào cản được rỡ bỏ, ông tin rằng Việt Nam sẽ đón nhận một số lượng lớn các nhà đầu tư tiềm năng.

Tuy vậy, việc phải chờ đợi các văn bản hướng dẫn lâu đã khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra nghi ngại về việc thực hiện quy định của Chính phủ. Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng ban đầu tư tại Công ty Quản lý quỹ VinaCapital, chia sẻ rằng, nhà đầu tư nước ngoài muốn có tỷ lệ sở hữu cao hơn tại các doanh nghiệp nhà nước, cùng với đó là tham gia vào quá trình quản trị điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ cổ phiếu bán ra cho nhà đầu tư nước ngoài ở hầu hết các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn hiện đều ở mức “nhỏ giọt”, từ 3-5%.

Rõ ràng, điều này cũng đang ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiêp nhà nước và cả việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Trường hợp của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có thể coi là một ví dụ. Sau một thời gian dài tiến hành IPO, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, ngân hàng vẫn chưa thể tìm được cổ đông chiến lược nước ngoài. Theo ông Phương, cũng đã có vài đối tác tìm đến BIDV nhưng tất cả đều đang trong quá trình nghiên cứu.

Không chỉ có BIDV, Vietnam Airlines đã thực hiện IPO cách đây 1 năm, nhưng đến nay cũng chưa tìm được đối tác chiến lược nước ngoài. Trong báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương mới công bố, Ngân hàng Thế giới cũng nhận định tiến trình thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước đang bị chậm lại.

Cần minh bạch hơn

Thiếu danh mục tỷ lệ sở hữu nước ngoài cụ thể tại các doanh nghiệp chưa phải là rào cản duy nhất. Kể cả khi danh mục này được ban hành, ông Sandeep Mahajan – chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank tại Việt Nam – cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài muốn tăng tỷ lệ sở hữu sẽ gặp khó khăn trong việc phân tích các bản báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Đó là vì những bản báo cáo đó không theo các tiêu chuẩn kế toán quốc tế.

Lo ngại này cũng được thể hiện trong kết quả khảo sát của Grant Thonton quý II vừa qua, khi có tới 20% ý kiến của các nhà đầu tư đánh giá quản trị công ty là mối quan ngại lớn nhất khi đầu tư vào Việt Nam. Tiếp đến là tính minh bạch, với 19% ý kiến phản hồi.

“Hai lĩnh vực này vẫn luôn được xem là các vấn đề quan ngại hàng đầu trong các kỳ khảo sát trước đây của chúng tôi, theo đó cho thấy thông điệp khẩn thiết cần phải có sự cải tiến ở phía các công ty tại Việt Nam nếu các công ty này muốn trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt của các nhà đầu tư,” Grant Thonton nhận định trong bản báo cáo.

Theo ông Mahajan, nâng cấp tiêu chuẩn về báo cáo tài chính là việc cần thiết phải làm ngay với các doanh nghiệp trong nước nếu như muốn thu hút thêm dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù tán thành với ý kiến trên của ông Mahajan, nhưng ông Adam McCarty, chuyên gia kinh tế trưởng của Mekong Economics tại Hà Nội quan ngại rằng, có thể phải mất hàng thập kỷ trước khi các tiêu chuẩn kế toán của Việt Nam được cải thiện. Và nếu như các bản báo cáo không theo tiêu chuẩn quốc tế, việc đánh giá giá trị thực của doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ trở lên khó khăn hơn.

Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới