Hủy
Bất động sản

Đầu tư cao tốc: 1 vốn 4 lời

Sơn Nguyễn Thứ Tư | 20/07/2022 14:00

Thị trường nhà ở trầm lắng khiến cho nhiều nhà đầu tư đang đổ xô tìm đến các kênh đầu tư mới. Ảnh: Lê Toàn

Bên cạnh lợi nhuận đầu tư ở mức 14-15%, chủ đầu tư cao tốc còn có thể hưởng lợi lớn từ những hiệu ứng khác.
 

Thị trường nhà ở trầm lắng khiến cho nhiều nhà đầu tư đang đổ xô tìm đến các kênh đầu tư mới, trong đó các tuyến cao tốc Bắc - Nam với tổng giá trị hàng tỉ USD đang là đích nhắm khi Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng bên cạnh lợi nhuận đầu tư ở mức 14-15%, chủ đầu tư cao tốc còn có thể hưởng lợi lớn từ những hiệu ứng khác.

Mới đây, liên doanh Vingroup và Techcombank đề xuất đầu tư tuyến cao tốc Chơn Thành - Đắk Nông theo hình thức đối tác công tư PPP. Tập đoàn T&T xin lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương cũng theo hình thức PPP, hay liên danh Hưng Thịnh - Đèo Cả muốn tham gia dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Tại Tây Ninh, Sun Group cho biết sẵn sàng tham gia tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Hay Bamboo Capital ký kết các thỏa thuận hợp tác chiến lược với Sóc Trăng và Bến Tre rót khoảng 20.000-30.000 tỉ đồng để phát triển các dự án trọng điểm tại địa phương này thông qua thành viên chuyên mảng hạ tầng là Tracodi.

 

Những tên tuổi khác quan tâm đến hạ tầng còn có Vinaconex, Licogi 16, CII, Him Lam, Hòa Bình, các Cienco, Coteccons, Thuận Việt. Cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đang ngày càng nóng lên. Đầu năm nay, Quốc hội đã thông qua gói kích thích kinh tế mới trị giá 347.000 tỉ đồng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nguồn vốn thực hiện nhóm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng lên đến 113.850 tỉ đồng. “2021-2030 là giai đoạn mà đầu tư hạ tầng giao thông sẽ phát triển mạnh mẽ khi Chính phủ, Quốc hội dành sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn”, ông Nguyễn Văn Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, nhận định.

Bộ Giao thông Vận tải đang đặt mục tiêu cả nước sẽ sở hữu 3.000 km cao tốc đến cuối năm 2025, tăng gần 3 lần so với con số hiện nay. Nhưng trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, việc thu hút được các nguồn lực ngoài Nhà nước tham gia đầu tư là rất cần thiết. Hiện Chính phủ đã loại phương án BT trong các hợp đồng PPP, vì vậy nhà đầu tư chỉ có thể tiếp cận dự án thông qua phương thức BOT, BOO, nhận nhượng quyền khai thác dự án...

Dù có lợi nhuận không quá lớn nhưng bù lại, các tuyến cao tốc mang đến sự yên tâm hơn về dòng tiền mỗi năm nhờ lưu lượng xe ổn định và thường tăng lên mỗi năm, tương tự như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. 

Thị trường nhà ở trầm lắng khiến cho nhiều nhà đầu tư đang đổ xô tìm đến các kênh đầu tư mới, trong đó các tuyến cao tốc Bắc - Nam với tổng giá trị hàng tỉ USD đang là đích nhắm khi Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: Lê Toàn
Thị trường nhà ở trầm lắng khiến cho nhiều nhà đầu tư đang đổ xô tìm đến các kênh đầu tư mới, trong đó các tuyến cao tốc Bắc - Nam với tổng giá trị hàng tỉ USD đang là đích nhắm khi Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: Lê Toàn

Lãnh đạo CII cho biết tuyến cao tốc BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ bắt đầu thu phí từ đầu tháng 7/2022. Dự án được kỳ vọng sẽ giúp củng cố tình hình tài chính trung hạn của Công ty khi tổng dòng tiền hằng năm đạt khoảng 1.400 tỉ đồng giai đoạn 2022-2025.

Nhưng lợi nhuận “tay trái” mới là động lực thúc đẩy doanh nghiệp săn lùng các dự án cao tốc. Lý do là với một số chủ đầu tư có thêm mảng vật liệu xây dựng thì việc tham gia các dự án hạ tầng còn giúp họ thu được lợi nhuận từ hoạt động bán cát, gỗ, đá… cho chính dự án. Trong năm nay, Tracodi cho biết làn sóng đầu tư công tác động tích cực đến công ty liên doanh khai thác và chế biến vật liệu xây dựng An Giang (công ty con của Tracodi). Riêng trong năm nay, sản lượng tiêu thụ đá được kỳ vọng tăng 20-30%.

 

Bất động sản và cơ sở hạ tầng là 2 thị trường thông nhau. Vì vậy, các dự án bất động sản của chính chủ đầu tư cao tốc tham gia mới là đích nhắm lớn nhất. Một dự án cầu đường 1.000 tỉ đồng chạy qua dự án, nếu đem so sánh lợi nhuận với các khu đô thị, khu du lịch mọc theo thì hoàn toàn không đáng kể.

Điển hình như Vinaconex trúng thầu thi công nhiều dự án đầu tư công quan trọng giai đoạn 2021-2025 thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam với tổng backlog khoảng 12.000 tỉ đồng và sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai. Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng Vinaconex có nhiều lợi thế nhờ tham gia vào nhiều dự án hạ tầng lớn như cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Song song với xây dựng, Vinaconex cũng phát triển mảng bất động sản với quỹ đất hơn 2.000 ha, giúp đảm bảo được nguồn thu trong 5 năm tiếp theo.

Quan sát khu vực Bình Phước, Đắk Nông hay Lâm Đồng cho thấy thời gian qua nhiều tập đoàn địa ốc lớn đã nhanh tay tích lũy quỹ đất, thậm chí có dự án quy mô hàng trăm hecta. Mảnh ghép còn thiếu đối với họ chính là một đề án quy hoạch và đầu tư hạ tầng nặng ký để tạo cú hích cho bất động sản. “Cánh cửa bất động sản bắt đầu khép lại thì cánh cửa cao tốc sẽ mở ra. Rồi cánh cửa cao tốc bắt đầu khép lại thì cánh cửa bất động sản sẽ mở ra”, một chuyên gia địa ốc cho biết.
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới