Hủy
Bất động sản

Định hình diện mạo tương lai của Thành phố Thủ Đức

Nguyễn Sơn Thứ Ba | 26/04/2022 15:00

Thủ Đức còn cần bổ sung thêm các loại hình du lịch giải trí đặc sắc để xứng tầm với vị thế của đại đô thị. Ảnh: Lê Toàn

Sau 1 năm hình thành, đại đô thị Thủ Đức vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể trở thành khu đô thị kiểu mẫu.
 

Sau 1 năm hình thành trên cơ sở gộp chung 3 quận khu Đông, đề án “City in City” Thủ Đức đã có một số dấu ấn phát triển đáng kể, đặc biệt trên khía cạnh hạ tầng giao thông và phát triển các khu đô thị hiện đại. Tuy vậy, đại đô thị Thủ Đức vẫn chưa phát huy hết các tiềm lực sẵn có dù sở hữu hàng loạt ưu thế bậc nhất về hạ tầng kinh tế và hạ tầng kỹ thuật. 

Thủ Đức là nơi tọa lạc của làng đại học quốc gia lớn nhất miền Nam với 200.000 sinh viên, là nơi có cảng container hàng đầu cả nước Cát Lái hay có khu công nghệ cao SHTP - làng công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon. Đây cũng là nơi được ưu tiên đầu tư hạ tầng trọng điểm với các tuyến Metro số 1, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết hay các tuyến Vành đai 2, 3. Cách không xa sân bay quốc tế Long Thành đang gấp rút triển khai, Thủ Đức dự kiến nhận thêm lượng vốn đầu tư và đông đảo khách quốc tế ghé thăm vào năm 2025.

Thủ Đức đã đón nhận hàng loạt gương mặt bất động sản trong và ngoài nước đến đầu tư. Ảnh: Quý Hòa
Thủ Đức đã đón nhận hàng loạt gương mặt bất động sản trong và ngoài nước đến đầu tư. Ảnh: Quý Hòa

Thủ Đức đã đón nhận hàng loạt gương mặt bất động sản trong và ngoài nước đến đầu tư. Đó là Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh, Phúc Khang, Sơn Kim Land, Bamboo Capital, Masterise Group, Đại Quang Minh... mang tới các giải pháp sáng tạo về phát triển đô thị và nhà ở.

Là đầu mối giao thương hàng hóa với quốc tế, giá trị xuất khẩu của SHTP chiếm đến 37% (15,6 tỉ USD) hay chỉ một mình Tân Cảng Cát Lái năm ngoái đã đóng góp tới 78.000 tỉ đồng, chiếm 25% tổng thu ngân sách toàn thành. Nhưng rõ ràng, để biến Thủ Đức trở thành một đề án quy hoạch thành công sẽ còn nhiều việc phải làm do đây là mô hình phát triển đô thị chưa có tiền lệ tại Việt Nam, có diện tích lớn, quy mô dân số đông và phức tạp về cơ chế quản trị. 

Giới quy hoạch đô thị và doanh nghiệp đã mạnh dạn kiến nghị các giải pháp để tạo sức bật mới cho thành phố phía Đông. Theo ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng Giám đốc EnCity, Thủ Đức có thể áp dụng mô hình giao thông công cộng TOD, hướng tới mục tiêu đạt tỉ lệ giao thông công cộng chiếm 60%. “Thủ Đức nên nâng mật độ xây dựng và cần có các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Ví dụ có thể hướng tới phát triển hệ thống hồ điều hòa và hạ tầng ven sông làm nền tảng”, ông Dũng nói.

Ở mảng sản xuất, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao SHTP, Thủ Đức cần cho phép linh hoạt hơn trong quy hoạch, không nên cứng nhắc như quy định một khu vực trong SHTP chỉ được phép làm sản xuất mà linh động kết hợp thêm các mảng dịch vụ, giải trí.

 

Quy hoạch hiện tại vẫn còn thiếu các phân khu quan trọng để khai thác tối đa lợi ích về hạ tầng giao thông mà khu Đông đã và đang sở hữu. Theo bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch Công ty Western Pacific, Thủ Đức có thể quy hoạch các trung tâm logistics cấp khu vực hay cấp I quốc gia với quy mô 50-100 ha. Bên cạnh đó, cần tổ chức lại cách thức hoạt động, tránh dàn trải và manh mún giống như hiện nay.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đề nghị khôi phục lại quy hoạch tuyến đường sắt trên cao chở hàng hóa kết nối từ ga Sóng Thần - cảng Cát Lái. Ngoài ra, các khu công nghiệp đang gần hết hạn hoạt động ở Linh Xuân, Linh Trung có thể định hướng quy hoạch thành những dự án đô thị phù hợp, từ đó thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các con sếu đầu đàn.

 

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phúc Khang, thì cho rằng, Thủ Đức tiếp giáp với hệ thống sông ngòi khá nhiều, hệ thống kênh rạch khá đa dạng. Do đó, quá trình xây dựng đồ án quy hoạch cần giữ gìn cảnh quan sông nước theo hướng phát triển mô hình đô thị xanh. Đây là cơ hội quý báu để có những chiến lược thay đổi cả về lượng và chất cho thành phố này.

Thủ Đức còn cần bổ sung thêm các loại hình du lịch giải trí đặc sắc để xứng tầm với vị thế của đại đô thị. “Thành phố nên phát triển các trung tâm thương mại, giải trí cao cấp, khu vui chơi về đêm”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn IPP Group, kiến nghị.

Từ khi chính thức được thành lập vào đầu năm 2021, có thể thấy thành phố Thủ Đức đã và đang giữ vị trí rất quan trọng trong các hoạt động phát triển kinh tế, tài chính - khoa học công nghệ. Nhưng để đạt mục tiêu trở thành khu đô thị kiểu mẫu, đóng góp 1/3 GRDP toàn TP.HCM và 7% GDP cả nước, trở thành trung tâm khoa học, công nghệ cao cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, Thủ Đức sẽ còn một chặng đường dài phía trước. 

Ngoài vấn đề bổ sung quy hoạch, thiếu vắng chính sách tự chủ hơn về tài chính và cơ chế quản lý đặc thù là những rào cản khác ảnh hưởng đến việc khơi thông tiềm lực của thành phố Thủ Đức. “Nếu có quy hoạch tốt, được Trung ương và TP.HCM đầu tư về nhân lực, tài chính và trao những thể chế cần thiết, Thủ Đức sẽ phát triển nhanh”, Bí thư Thành ủy Thành phố Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu nói.
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới