Hủy
Chuyên đề

Du lịch đi về số 0

Cẩm Tú Thứ Hai | 23/03/2020 11:00

Ảnh: QH

Cuộc khủng hoảng chưa từng có đối với ngành công nghiệp du lịch của Việt Nam.
 

Những ngày giữa tháng 3, nhân viên các doanh nghiệp du lịch lữ hành trên toàn Việt Nam không còn vui khi thấy khách liên tục bước vào quầy tư vấn. Bởi lẽ, 99% khách đến lúc này là để hủy tour. Cũng trong những ngày này, 500 nhân viên của một hãng lữ hành hàng đầu TP.HCM đã bị mất việc, trong khi các công ty du lịch khác cũng trong tình trạng tê liệt hoàn toàn. Cục Hàng không cũng dự tính, doanh thu các hãng hàng không trong nước ước giảm 25.000 tỉ đồng trong năm 2020. Các hãng hàng không có thể “về 0” sau nhiều năm tích lũy, đối mặt bước lùi 3-4 năm khi dịch bệnh vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc.

Hoàn toàn đóng băng!

Kể từ khi bắt đầu hình thành từ cách đây gần 30 năm, chưa bao giờ ngành du lịch Việt Nam chứng kiến một đợt khủng hoảng trên diện rộng đến như vậy! Ngày 18.3, khi Chính phủ tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài để kiểm soát dịch COVID-19, giám đốc hàng loạt các công ty du lịch ở cả 3 thị trường: inbound (đưa khách quốc tế vào Việt Nam), outbound (đưa khách Việt ra nước ngoài), nội địa (khách Việt đi du lịch trong nước) đồng loạt tuyên bố: “Hoạt động kinh doanh hoàn toàn đóng băng!”. Một lãnh đạo công ty du lịch còn bật khóc và cho biết, 95% du khách của đơn vị lo sợ dịch nên đã hủy tour và yêu cầu trả tiền đặt cọc.

 

 Ở hầu hết các công ty, khách inbound đã hủy tour đăng ký đến tháng 9.2020, khách outbound hủy tour đăng ký đến tháng 6.2020, khách nội địa không đặt tour trước quá lâu cũng đã hủy toàn bộ. Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu dịch bệnh kết thúc trong quý I, ngành du lịch có thể sẽ bị thiệt hại khoảng 2,3 tỉ USD, nhưng nếu dịch kéo dài đến hết quý II, thiệt hại sẽ là 5 tỉ USD. Các con số này có thể hình dung qua cảnh hoang vắng đến lặng người tại các điểm du lịch ở Nha Trang những ngày giữa tháng 3. Nhiều nhà hàng, khách sạn lớn nhỏ tại các con đường lớn của Nha Trang trở nên đìu hiu khác thường. Ít ai có thể ngờ đến tình cảnh này khi trước đó, trên 7,2 triệu lượt du khách đến Khánh Hòa trong năm 2019 đã mang lại nguồn thu từ du lịch cho tỉnh này lên đến 27.000 tỉ đồng. Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho biết, dịch viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra khiến ngành du lịch Khánh Hòa ảnh hưởng nghiêm trọng. Lượng khách đến Khánh Hòa giảm hẳn, đặc biệt là khách Trung Quốc. Nhiều khách sạn chủ yếu phục vụ khách Trung Quốc công suất buồng phòng hiện dưới 20%.

 

Tình cảnh ế ẩm tương tự của ngành du lịch đang lan rộng cả nước cùng với tốc độ lây lan của virus cúm gây chết người ở quy mô toàn cầu. Theo thông tin từ Sở Du lịch TP.HCM tại thời điểm này, phân khúc khách sạn 1-2 sao ở thành phố gần như không còn khách du lịch theo đoàn, khách du lịch thuần túy; lượng khách thuê chủ yếu theo giờ và khách lẻ. Giám đốc một khách sạn 5 sao (Quận 1, TP.HCM) cho biết, công suất phòng các khách sạn hạng sang của Thành phố trong tháng 3 chưa đến 30%, tháng 4 và tháng 5 tỉ lệ đặt phòng chỉ còn vài phần trăm do bị khách hủy phòng ồ ạt. Trên toàn quốc, theo số liệu thống kê, tỉ lệ phòng (Occupancy Rate) của toàn ngành khách sạn giảm sâu từ 65-85% tùy từng khách sạn/khu nghỉ. Đặc biệt cơ sở nào có lượng khách chính từ châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ bị sụt giảm mạnh. 

Theo xu hướng hiện nay, khách du lịch thường lên kế hoạch đi du lịch và đặt tour trước nhiều tuần lễ để có giá tốt. Điều này giúp các công ty du lịch có dòng tiền mặt dồi dào. Khi khách đã trả trước tiền tour, họ có thể dùng khoản tiền đó để mở một tour khác và cứ thế xoay vòng vốn. Tuy nhiên, như thông lệ, vào cuối năm 2019, các công ty lữ hành đều đã đặt những khoản tiền cọc lớn cho các hãng hàng hàng không, khách sạn và các nhà cung cấp dịch vụ để triển khai chiến lược kinh doanh cho năm 2020. 

 

Khi dịch bệnh bùng phát, các đơn vị lữ hành chỉ có thể hoãn vé máy bay và hoãn sử dụng các dịch vụ đến cuối năm 2020, chứ không thể lấy lại tiền cọc, cũng không thể dời vé và dịch vụ qua năm sau. Vì vậy, khi hơn 90% tour không thành, phải trả lại phần lớn tiền cho khách, doanh nghiệp sẽ mất dòng tiền, cộng với việc đã đặt cọc cho các nhà cung cấp dịch vụ, khiến lượng tiền mặt càng khan hiếm. “Lúc này, nhân lực càng nhiều, số lượng chi nhánh, văn phòng càng lớn, thì áp lực chi phí của doanh nghiệp sẽ càng nặng”, bà Huỳnh Mỹ Yến, Tổng Giám đốc Công ty Nature Tourist, nhận định.

Là đơn vị kết nối các dịch vụ, vốn lưu động của các doanh nghiệp lữ hành rất thấp, giá vốn bán hàng khá cao - thường chiếm xấp xỉ 90% doanh thu thuần, tỉ suất lợi nhuận không quá vài phần trăm. Theo khảo sát của SSI Research, NPM (biên lợi nhuận ròng - tỉ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu) mảng lữ hành hằng năm của 3 công ty lớn là Vietravel, Fiditour và BenThanh Tourist chỉ đạt từ 0,8-1%. Với những đặc tính đó, việc đảm bảo ổn định nhân sự từ 3-6 tháng và duy trì dòng vốn chờ đến khi bộ máy hoạt động trở lại là thử thách rất lớn đối với hầu hết doanh nghiệp. 
 

 

Tại nhiều nước phát triển, doanh nghiệp lữ hành buộc phải trích 20-25% lợi nhuận hằng tháng để cho vào quỹ dự phòng, nhằm đối phó với những thời điểm khủng hoảng. Tại Việt Nam, Luật Lao động cũng quy định doanh nghiệp làm ăn có lãi mỗi đầu năm phải trích lập quỹ dự phòng, tối đa là 17% quỹ lương của năm trước đó. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng làm đúng luật. Khi dịch COVID-19 qua đi, những doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững, có kế hoạch phòng rủi ro nghiêm túc mới có cơ may tồn tại và vươn lên dẫn đầu thị trường.

Sàng lọc và chuyển đổi lớn

“Chúng tôi chẳng còn gì vì COVID-19, nhưng việc Chính phủ thực hiện biện pháp mạnh để ngăn dịch bệnh là cần thiết. Dịch bệnh được kiểm soát và ngừng sớm thì du lịch sẽ có cơ hội phục hồi sớm”, bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc Điều hành Công ty Asian Trails, bày tỏ. Cũng như nhiều lĩnh vực khác, dịch cúm lịch sử năm 2020 được cho sẽ là dịp để sàng lọc các doanh nghiệp ngành du lịch và buộc nhiều đơn vị phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh. Ông Lại Minh Duy, Tổng Giám đốc Công ty TST Tourist, cho biết: “Từ vài năm trước, thay vì mở văn phòng chi nhánh, chúng tôi dành ngân sách đó đầu tư vào nền tảng bán tour trực tuyến và thanh toán online. Lượng khách từ các tỉnh mua tour qua website của Công ty đang ngày càng tăng. Tất nhiên, các hãng lữ hành không nhất thiết phải chuyển đổi hoàn toàn sang hoạt động trên nền tảng online, nhưng phải tính toán được chuyển đổi theo tỉ lệ nào cho thích hợp, nhằm hướng đến hiệu quả kinh doanh cao nhất mà vẫn giữ được uy tín cho thương hiệu”.

Theo nghiên cứu của Oxford Economics, nếu như năm 2015, có đến 82% cư dân khu vực châu Á - Thái Bình Dương chọn đặt tour truyền thống, thì đến năm 2019, con số này chỉ còn gần 40%. Cũng theo nghiên cứu trên, thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam sẽ tăng từ 2,2 tỉ USD năm 2015 lên 9 tỉ USD vào năm 2025. Vì thế, nhiều doanh nghiệp lữ hành Việt đang nỗ lực áp dụng công nghệ mới và ứng dụng di động như thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR), ứng dụng tương tác và phần mềm ứng dụng du lịch thông minh bằng công nghệ 360... 

Cuối năm 2019, Công ty Lữ hành Saigontourist đã thành lập phòng kinh doanh trực tuyến. “Hiện tại, 80% hoạt động tiếp thị của Saigontourist đã dịch chuyển sang tiếp thị số. Hoạt động bán hàng trên fanpage tăng trưởng mạnh, nhân sự ở mảng này tăng lên đến 200%. Khách hàng chốt đơn hàng trực tuyến từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Có khách đã chốt đơn hàng lên đến 800 triệu đồng cho cả gia đình đi châu Âu. Doanh thu trực tuyến năm 2019 đạt 110 tỉ đồng”, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Saigontourist, cho biết.

Tại Công ty Lữ hành Fiditour, mảng trực tuyến hiện đem lại khoảng 15-20% tổng doanh thu. Theo ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty, Fiditour còn phải thực hiện hàng loạt chương trình mới, với mức đầu tư lớn hơn khoảng 10 lần so với hiện nay thì mới có thể đưa doanh thu từ mảng trực tuyến chiếm tỉ trọng 40% vào năm 2023. 

Một doanh nghiệp non trẻ hơn là VietSense Travel từng trải qua 2 năm chật vật với mô hình offline, nhưng nhờ nhanh chóng chuyển hướng sang trực tuyến từ năm 2013 nên đã thu được những kết quả khá khả quan. Ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel, cho biết: “VietSense xây dựng và vận hành hơn 100 website du lịch, đồng thời, tăng cường marketing online trên các nền tảng website tương tác 2 chiều, nỗ lực quảng bá dịch vụ và chăm sóc khách hàng qua các mạng xã hội. Năm 2019, doanh thu từ kinh doanh trực tuyến của VietSense Travel chiếm tới 90%”.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp lữ hành nào cũng có kỹ năng, vốn để tham gia mảng trực tuyến và chuyển đổi nhanh để bắt kịp môi trường cạnh tranh mới. “Một công ty có quy mô vừa phải như chúng tôi cũng cần đến vài triệu USD để đầu tư cho mảng trực tuyến. Đây là khoản đầu tư lớn nhưng không phải cứ có tiền là làm được mà đòi hỏi doanh nghiệp phải có kỹ năng vì đây là một môi trường hoàn toàn khác”, bà Thủy Tiên, Công ty Asian Trails, cho biết.

Tình hình dịch bùng phát và đang lan nhanh ra khắp thế giới khiến ngành du lịch Việt Nam khó có thể hy vọng hồi phục trong nửa cuối năm 2020, cũng như khó lòng đạt mục tiêu phấn đấu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020. Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về một đợt suy thoái kinh tế nghiêm trọng, kéo dài trên toàn cầu sau dịch bệnh. Nhu cầu du lịch sau dịch bệnh chắc sẽ giảm sút do một bộ phận không nhỏ dân chúng trên thế giới đã nghèo đi đáng kể. Lúc này, một chiến lược phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa chính quyền và các doanh nghiệp liên ngành là vô cùng cần thiết.

Trong 3-4 năm trở lại đây, du lịch Việt Nam đã có mức tăng trưởng ngoạn mục thuộc hàng cao nhất thế giới với mức trung bình trên 20%/năm. Năm 2019 Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách. Câu hỏi được nhiều doanh nghiệp đặt ra là làm sao khi hết dịch, tốc độ tăng trưởng như trước vẫn được duy trì. Theo ý kiến của nhiều người trong ngành, khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh chấm dứt, đó cũng là lúc doanh nghiệp cần đẩy mạnh truyền thông tiếp thị và bán hàng.

“Việt Nam điểm đến an toàn”, các gói du lịch khuyến mại kích cầu có thể tung ra để kích thích khách sớm đăng ký đi tour. Ở khía cạnh Nhà nước, các cơ quan quản lý cần đóng vai trò nhạc trưởng để gắn kết các thành phần du lịch, hàng không, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, khu vui chơi giải trí… cùng giảm giá để có các sản phẩm tour trọn gói kích cầu du lịch. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên miễn lệ phí visa cho những thị trường trọng điểm, tiềm năng và có mức chi trả cao để thu hút khách từ những thị trường này. Đồng thời có những chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch. 

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty HanoiRedtours, doanh nghiệp rất cần thông tin chính xác về dịch bệnh để có kế hoạch khai thác thị trường và phục hồi từng thị trường. Đồng thời, cũng cần biết rõ nguồn lực mà Nhà nước hỗ trợ để kết hợp với nguồn lực của doanh nghiệp, hiệp hội nhằm tổ chức chương trình kích cầu sau dịch bệnh. Còn Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Trần Trọng Kiên cho rằng, du lịch Việt Nam nên đẩy mạnh xúc tiến qua mạng xã hội, xúc tiến trực tuyến, bởi vì trong thời gian có dịch, người ta càng lên mạng nhiều để tìm kiếm thông tin. Ông Guillermo Pantoja, Tổng Giám đốc khách sạn Meliá Hanoi, cho rằng: “Với các nỗ lực tích cực để quảng bá Việt Nam là một điểm đến an toàn của Tổng cục Du lịch, chúng tôi tin rằng ngay sau khi tình hình dịch bệnh trên thế giới khả quan hơn, du lịch Việt Nam sẽ dần dần thu hút lại một lượng lớn du khách trong và ngoài nước để vực dậy ngành kinh tế không khói và tiếp tục phát triển bền vững”.

► Ngành du lịch thiệt hại khoảng 7 tỷ USD vì dịch Covid-19


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới