Hủy
Chuyên đề

HAGL trong tay Thaco

Ngọc Sơn Thứ Ba | 19/01/2021 10:12

Một thương vụ M&A lớn để giải cứu HAGL Agrico và mở ra cơ hội lớn cho Thaco trong lĩnh vực nông nghiệp.
 

Vậy là sau 2 năm kể từ cú bắt tay chiến lược đầu tiên giữa bầu Đức, ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Group) với tỉ phú Trần Bá Dương, Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã HNG) chính thức rẽ sang trang mới sau hàng loạt động thái tái cơ cấu cổ đông và thay máu dàn lãnh đạo mới đây.

HAGL Agrico sang tên, đổi chủ
Đại hội cổ đông bất thường của HAGL Agrico bất ngờ thông qua kế hoạch bán cổ phần cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico), công ty con của Thaco Group và tăng vốn thêm 7.414 tỉ đồng. Sau đợt phát hành này, nhóm cổ đông đến từ Thaco Group và gia đình tỉ phú Trần Bá Dương chính thức nắm giữ quá bán cổ phần trong HAGL Agrico (63,08%), công ty mẹ Hoàng Anh Gia Lai giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn 26,8%. Đồng thời, ông Dương cũng chính thức thay thế ông Đoàn Nguyên Đức trở thành tân Chủ tịch Hội đồng Quản trị của HAGL Agrico.

HAGL Agrico còn quyết định chuyển nhượng tiếp 4 công ty với tổng diện tích 20.744 ha (gồm An Đông Mia, Công ty Cao su Hoàng Anh Quang Minh đang sở hữu 17.305 ha tại Campuchia và Hoàng Anh Đắk Lắk, Công ty Bò Sữa Tây Nguyên đang sở hữu diện tích 3.439 ha tại Việt Nam) cho Thagrico với giá 9.095 tỉ đồng.

Trang trại của HAGL Agrico
Trang trại của HAGL Agrico

Tính đến cuối tháng 11.2020, HAGL Agrico gánh tổng khoản nợ phải trả lên đến hơn 16.000 tỉ đồng, đi cùng khoản lỗ lũy kế 2.600 tỉ đồng. Nhờ tổng số tiền nhận được từ phát hành cổ phiếu tăng thêm vốn và bán 4 công ty, lần đầu tiên trong lịch sử, công ty của ông Đức sẽ sạch nợ để sẵn sàng bước vào một kỷ nguyên mới dưới quyền của ông vua ngành ô tô nội. “Từ ngày hôm nay, bức tranh tài chính của HAGL Agrico tươi sáng. Lần đầu tiên trong đời tôi có một công ty không nợ ngân hàng”, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, hồ hởi phát biểu.

Lật lại lịch sử vào năm 2008, Hoàng Anh Gia Lai tiên phong trong mảng nông nghiệp theo hướng công nghệ cao với cây cao su là sản phẩm chủ lực. Mỗi tấn mủ khi đó có giá 5.000 USD, nếu theo lý thuyết sau 5 năm sẽ mang về 200-300 triệu USD. Tuy nhiên, giá thị trường lúc thu hoạch rớt còn 1.100 USD nên khoản lỗ và nợ cứ thế tăng theo tỉ lệ thuận. “Nếu Chính phủ không ra tay giải cứu bằng cách cho các ngân hàng kéo dài thời gian trả nợ 5 năm thì hôm nay, tôi không còn đứng đây nói chuyện“, bầu Đức nói.

 

Ông Đức cho biết khi đưa ông Dương tham quan nông trường ở Lào, Campuchia vào năm 2018, hai người chỉ thảo luận 1-2 ngày và cơ bản đồng ý các điều khoản. Thaco ngay lập tức rót cho Hoàng Anh Gia Lai 2.700 tỉ đồng để cứu nguy. Thời điểm này, nếu làm thủ tục phát hành trái phiếu, cổ phiếu sẽ mất thêm vài tháng và công ty bầu Đức sẽ không trụ nổi.

Nhưng qua hơn 2 năm bắt tay với tỉ phú Trần Bá Dương, HAGL Agrico vẫn chưa hết khó khăn. Công ty đã giảm đáng kể gánh nặng lãi vay nhưng còn nợ ngân hàng, Thaco, công ty mẹ Hoàng Anh Gia Lai, nhà cung cấp, đối tác, nhân viên tổng số tiền hàng chục ngàn tỉ đồng. Ngay cả khi đã thoát khỏi bờ vực phá sản nhưng HAGL Agrico vẫn cần vốn để chăm sóc vườn cây và đầu tư hạ tầng: thủy lợi, điện, giao thông, tổng kho vật tư, kho lạnh, logistics nội bộ phục vụ nhu cầu cấp bách của sản xuất... Do đó, ông Đức và ông Dương ngồi lại lần nữa để tiếp tục tái cấu trúc, đi đến quyết định đổi thuyền trưởng tại HAGL Agrico.

“Có nhiều người nói anh Dương thâu tóm Hoàng Anh Gia Lai. Xin thưa, tôi năn nỉ anh Dương thâu tóm, được thâu tóm là quá vinh dự. Nếu không có anh Dương, tôi không có ngày hôm nay đứng đây nói chuyện. Anh Dương có tài chính, có năng lực chuyên môn, quản trị. Anh ấy làm HAGL Agrico tốt hơn thì tôi cũng có lợi. Cá nhân tôi thấy đây là quyết định rất sáng suốt”, ông Đức bộc bạch.

Trút bớt gánh nặng ở mảng nông nghiệp, ông Đức sẽ dành nhiều thời gian hơn cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, vốn cũng đang gặp nhiều khó khăn với khoản nợ vay ngân hàng. Nhưng chiến lược sắp tới sẽ là đi chậm lại. “Nếu Tập đoàn sinh ra được HAGL Agrico thì cũng có thể tạo ra nhiều công ty con khác, miễn là còn sức khỏe. Hoàng Anh Gia Lai còn làm tiếp, chưa giơ tay đầu hàng. Mình cố gắng từ từ, coi như xóa bài làm lại từ đầu”, ông Đức chia sẻ với các cổ đông.

Thử thách mới của Thaco
Kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 11.1.2021, phiên đầu tiên sau khi HAGL Agrico chính thức về tay Thaco, chỉ trong một buổi sáng đã có hơn 16,5 triệu cổ phiếu HNG được khớp lệnh. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thời gian tới, dưới sự điều hành của ông Dương, Công ty sẽ sớm hồi phục. “Tôi thấy anh Dương xây dựng kế hoạch khiêm tốn quá. Vì khi nợ không còn, đất mấy chục ngàn ha, HAGL Agrico sẽ thành công và thành công rất nhanh thôi”, ông Đức nói.

 


Rõ ràng, với nhóm Thaco Group, việc sở hữu được một diện tích đất có quy mô lớn tương đương Singapore mang đến tâm lý hứng khởi. Họ sẽ có cơ hội triển khai các ưu thế về mặt công nghệ, tiềm lực tài chính và đội ngũ nhân lực chất lượng để làm thế nào khai thác hiệu quả khối tài sản này.

“Đã rót tổng cộng vào đây 40.000 tỉ đồng buộc chúng tôi phải làm và phải quyết tâm phát triển mô hình nông nghiệp quy mô lớn theo hướng cơ giới hóa”, ông Dương cho biết.

Do đó, sau khi nắm quyền chi phối tại HAGL Agrico, nhóm Thaco Group xác định sẽ dồn sức để đẩy mạnh đầu tư. Theo ông Trần Bảo Sơn, CEO HAGL Agrico, trong chiến lược đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2023, Công ty sẽ khai thác quỹ đất 35.757 ha còn lại chưa đầu tư cũng như triển khai thêm các mảng kinh doanh mới.

Cụ thể, ở mảng cây ăn trái, tổng diện tích cây ăn trái đến cuối năm ngoái là 13.200 ha (trong đó chuối 5.400 ha, xoài 4.000 ha, cây ăn trái khác 3.800 ha). Từ đây đến năm 2023, Công ty sẽ gia tăng quy mô thêm 9.700 ha (trong đó chuối 5.200 ha, xoài 2.500 ha và dứa thêm 2.000 ha). Tổng diện tích vườn cây ăn trái đến hết năm 2023 dự kiến đạt 21.800 ha và cây cao su là 8.434 ha. Riêng năm 2021, tổng mức đầu tư của HAGL Agrico dự kiến khoảng 1.900 tỉ đồng.

 


Đặc biệt, HAGL Agrico sẽ phát triển thêm mảng chăn nuôi bò sinh sản, nuôi bò thịt và xác định đây sẽ là trụ cột hướng tới nền tảng sản xuất nông nghiệp hữu cơ được quản trị theo phương pháp công nghiệp. Theo đó, Công ty sẽ tổ chức chăn nuôi bò sinh sản, bò nuôi thịt theo mô hình bán chăn thả và bò vỗ béo tập trung với tổng đàn đến năm 2023 là 110.000 con.

Riêng năm 2021, tổng mức đầu tư của HAGL Agrico dự kiến vào khoảng 1.900 tỉ đồng.
Riêng năm 2021, tổng mức đầu tư của HAGL Agrico dự kiến vào khoảng 1.900 tỉ đồng.

Song song đó là nghiên cứu kế hoạch phát triển dự án Nông - Lâm và Chăn nuôi tại Lào với quy mô lớn, hình thành khu công nghiệp chuyên chế biến nông - lâm sản tại Nam Lào. Riêng trong năm 2021, mục tiêu Ban lãnh đạo hướng tới là đạt sản lượng trái cây 154.000 tấn và hơn 11.000 tấn mủ cao su. Doanh thu dự kiến năm 2021 là 2.109 tỉ đồng, trong đó doanh thu trái cây 1.766 tỉ đồng, mủ cao su 343 tỉ đồng.

HAGL Agrico phải đầu tư đồng bộ hạ tầng thủy lợi, điện, giao thông, các công trình trên đất, logistics và phải quản trị sản xuất theo mô hình công nghiệp khép kín chuỗi giá trị từ trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, chế biến sau thu hoạch. Quan trọng nhất là phải đào tạo để có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, công nhân giỏi nghề, đam mê nông nghiệp và cần một thời gian dài mới có thể hoạt động ổn định hiệu quả và phát triển bền vững.

Nhưng kinh doanh nông nghiệp luôn là bài toán khó đối với bất kỳ nhà đầu tư nào. Theo Giáo sư Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, năng suất lao động của ngành này vẫn còn thuộc nhóm thấp nhất châu Á do quy mô sản xuất nhỏ, manh mún. Hơn nữa, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp kém do chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, chất lượng thấp, kích cỡ không đồng đều, thiếu nhãn mác để nhận diện, chưa có truy xuất nguồn gốc, chưa có thương hiệu trên thị trường. Đa phần sản phẩm nông sản của Việt Nam được xuất khẩu ở dạng thô, chưa qua chế biến, chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu.

 

Thực tế, trào lưu đầu tư nông nghiệp công nghệ cao các năm gần đây đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn tham gia như Vinamilk, Masan, Lavifood, FLC, Vingroup, TTC Group... nhưng hiệu quả như thế nào thì còn phải chờ thời gian trả lời.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết trong 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp tăng hơn 3 lần từ 3.000 lên hơn 11.000, góp phần tích cực nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mới chiếm 8% tổng số doanh nghiệp cả nước. Đáng chú ý, các công ty có quy mô vừa và nhỏ chiếm gần 80%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 0,97% trong khi trung bình thế giới là 3%. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp thấp và thiếu ổn định. “Quỹ đất, nguồn vốn, cơ chế chính sách, sự đồng hành của các địa phương đang là những rào cản khiến doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, quy mô còn nhỏ”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Nông nghiệp là một ngành đối mặt với nhiều rủi ro từ giá cả liên tục biến động cho đến thiên tai, biến đổi khí hậu. Gần đây, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại lớn (như Cộng đồng kinh tế ASEAN, CPTPP, EVFTA, RCEP) khiến mức độ cạnh tranh nông nghiệp ngày càng khốc liệt.

Với tổng diện tích vùng trồng 84.000 ha, trở thành doanh nghiệp làm nông nghiệp quy mô lớn, nếu thành công, HAGL Agrico sẽ có quy mô tầm cỡ khu vực, thậm chí thế giới, viết tiếp giấc mơ còn dang dở của ông Đoàn Nguyên Đức khi bắt tay vào làm nông nghiệp. Tuy nhiên, để đưa con tàu HAGL Agrico xóa sạch lỗ lũy kế và hoạt động trở lại, rõ ràng ông Dương và các cộng sự sẽ phải cần đến nghị lực và sức bền.

Bản thân ông Dương cũng thừa nhận hành trình để có doanh thu 1.700 tỉ đồng từ trái cây, tức khoảng 10% vốn tự có ở thời điểm hiện tại, cũng như xóa được nợ lũy kế hơn 2.000 tỉ đồng sẽ vô cùng khó khăn. Điều mà ông mong mỏi là các cổ đông hiện hữu hãy tin tưởng và kiên nhẫn với hướng đi mới của Công ty trước khi nghĩ đến lợi nhuận ngàn tỉ đồng. “Nếu tôi thành công với HAGL Agrico, chắc chắn Gia Lai và Cao Nguyên sẽ là một địa chỉ đỏ mới trong nông nghiệp và cây ăn trái, chăn nuôi, như cách tôi đã làm với Quảng Nam ở mảng ô tô và Khu Công nghiệp Chu Lai”, tân Chủ tịch HAGL Agrico Trần Bá Dương bộc bạch.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới