Hủy
Công Nghệ

5 yếu tố có thể đánh sập đế chế Apple

Thứ Hai | 09/04/2012 14:59

Giống như Research In Motion (RIM) nay đang “sống dở chết dở” vì không nhận thức được mối họa từ Apple, Apple một ngày nào đó cũng có thể như vậy.
 

Trong bài viết mới đây có tựa đề “Bye Bye BlackBerry. How Long Will Apple Last?”, tôi đã nói đến sự đi xuống nghiêm trọng của điện thoại BlackBerry do RIM sản xuất, thiết bị mà cách đây 5 năm người ta xếp vào diện “cần phải có” nhưng nay gặp rất nhiều khó khăn để sinh tồn.

Ý nghĩa đạo đức của câu chuyện: Trên thị trường năng động và luôn biến đổi, chẳng có “đại gia” công nghệ nào đứng mãi trên đỉnh cao, không phải AOL, Microsoft, MySpace, BlackBerry và cả Apple.

Tôi đã khẳng định quan điểm này trong bài viết gần nhất và không ít người đã nổi giận bởi họ cho rằng so với nhiều công ty công nghệ trước đây, Apple vẫn đang đổi mới nhanh chóng, Apple có một triết lý kinh doanh khác biệt và lượng tiền mặt trong ngân hàng thuộc diện khổng lồ.

Người ta nói không sai. Apple đã chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng khó khăn trong tương lai. Dù vậy Apple sẽ còn phải vượt qua rất nhiều vấn đề mới có thể giữ được vị thế đứng đầu:

Khi các chuyên gia ngành nghĩ về tương lai ngành công nghệ cũng như nhiều công ty trong đó, rủi ro về thể chế cực kỳ quan trọng. Có thể kế đến một số rủi ro sau:

Điều kiện làm việc tại các nhà máy: Dù muốn hay không, Apple dường như đã trở thành “kẻ chịu trận” trong các cuộc tranh luận về điều kiện làm việc tại thị trường nước ngoài. Việc Apple điều chỉnh hoạt động sản xuất một cách tự nguyện hay dưới sự điều tiết của quy định không phải quá quan trọng, Apple sẽ phải thay đổi cấu trúc chi phí, điều chỉnh lịch làm việc và sản phẩm mà hãng bán ra như iPhone hay iPad sẽ có giá cao hơn.

Chống độc quyền: Thành công hiện tại của Apple đã thu hút sự chú ý không chỉ từ giới phân tích và nhà đầu tư mà còn từ các quan chức chống độc quyền tại Mỹ và ở nước ngoài. Quan chức Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban châu Âu hiện đang điều tra Apple và các bên kinh doanh sách do nghi vấn các bên đã có hành vi phản cạnh tranh trên thị trường sách điện tử.

Ngay cả nếu Apple “bình an vô sự” sau các cuộc điều tra trên, người ta vẫn đặt rất nhiều câu hỏi về sức mạnh của công ty và nhiều khả năng công ty sẽ tiếp tục bị thanh tra. Apple sẽ phải tính đến khả năng chống độc quyền trong mọi quyết định kinh doanh của mình. Cũng giống như IBM và Microsoft, hai công ty công nghệ lớn đã phải “học” nhiều bài học cay đắng về chống độc quyền, mỗi một quyết định về đường hướng phát triển và đổi mới đều giống như một canh bạc.

Kỹ thuật: Mô hình kinh doanh của Apple phụ thuộc khá nhiều vào hệ thống không dây tốt. Hiện nay các nhà cung cấp dịch vụ không dây đang cố gắng cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu bùng nổ của Apple, Google, Microsoft, BlackBerry cũng như nhiều nhà cung cấp khác. Thế nhưng khung chính sách áp dụng cho lĩnh vực này còn rất nhiều hạn chế, nó hạn chế tính linh hoạt của ngành và ngăn công ty mới gia nhập thị trường. Ngay cả nếu Apple không sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp khác và chọn cách tự đầu tư, rủi ro đối với tăng trưởng dài hạn của công ty cũng không thể ngăn chặn được. Nhiều khả năng Ủy ban quản lý thuộc Fed sẽ lại nhanh chóng vào cuộc.

Yếu tố riêng tư: Hoạt động kiểm soát quyền riêng tư đang được đẩy mạnh tại cả châu Âu và Mỹ. Quy định mới có thể hạn chế hành vi thu nhập dữ liệu hiện đang phổ biến trên mạng Internet cũng như dịch vụ di động. Trên thực tế, Apple đã chịu không ít chỉ trích do thu nhập thông tin khu vực trên điện thoại, dù việc này không gây hại quá nhiều. Niềm an ủi duy nhất với Apple lúc này chính là nếu chính sách quản lý cá nhân bị chính phủ Mỹ áp dụng chặt chẽ, các hãng khác cũng sẽ chịu quy định khắt khe như vậy.

Bằng sáng chế: Apple cho đến nay luôn cố gắng bảo vệ bằng sáng chế của họ nhưng nhiều công ty khác cũng đã trả đũa, từ Kodak, HTC, Nokia, Motorola cho đến Samsung; cuộc chiến bản quyền điện thoại thông minh và máy tính bảng đang rất căng thẳng. FT đã cảnh báo rằng cuộc xung đột hiện đã biến thành vũng lầy pháp lý nơi ai cũng đi kiện hoặc ai cũng bị kiện. Nhưng chẳng công ty nào bị kiện nhiều hơn Apple. Cứ cho rằng Apple đều thắng trong mọi vụ kiện, chi phí theo đuổi cũng đã quá lớn và hạn chế khả năng đổi mới của công ty.

Apple hoàn toàn có đủ khả năng thoát khỏi mọi cơn bão pháp lý. Sau cùng, họ có lượng tiền mặt kỷ lục để thuê cả đội quân luật sư và nhà vận động hành lang nhằm thoát khỏi rắc rối.

Dù vậy, rủi ro lớn nhất vẫn còn tồn tại: công nghệ mang tính đột phá có thể đến từ những nơi rất bất ngờ. Nói cách khác, cũng giống như RIM và Palm không nhìn thấy mối họa từ Apple, Apple cũng có thể sẽ mải mê với chiến thắng mà không nhìn thấy mối họa từ đối thủ khác. Hơn thế nữa, nếu Apple phải tốn thêm nhiều thời gian để làm hài lòng các nhà điều tiết ngành, kiểu đó chỉ khiến Apple tốn thêm thời gian công sức, không thể tập trung vào hoạt động đổi mới cốt lõi.

Khoảng thời gian tốt đẹp không thể kéo dài mãi với Apple, đặc biệt nếu rủi ro từ hoạt động điều tiết ngày một nhiều hơn.

Nguồn CafeF/TTVN


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới